Đô thị

Hà Nội tăng chất lượng hệ thống cây xanh đô thị

Dạ Khánh 17/07/2023 - 06:33

Tự hào là đô thị có hệ thống cây xanh phong phú, đa dạng, trong những năm qua, việc trồng và quản lý cây xanh đô thị luôn được thành phố Hà Nội chú trọng, phát triển, đem lại không gian xanh mát. Hiện Hà Nội đang nỗ lực tăng chất lượng hệ thống cây xanh đô thị.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Văn Du.

cayxanh.jpg
Diện mạo đô thị xanh của tuyến đường Võ Nguyên Giáp hướng vào trung tâm thành phố. Ảnh: Nguyễn Quang

- Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá thế nào về hệ thống cây xanh đô thị hiện nay, thưa ông?

- Cây xanh đô thị có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Hiện nay, chất lượng hệ thống cây xanh trồng mới trên các tuyến đường, phố, khu đô thị, công viên, vườn hoa được cải thiện đáng kể, tạo không gian xanh, cảnh quan, mỹ quan đô thị. Nhiều chủng loại cây đô thị mới được lựa chọn bảo đảm phù hợp về công năng, đáp ứng điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu. Chất lượng cây trồng được bảo đảm, việc chăm sóc, cắt tỉa được thực hiện thường xuyên. Hệ thống cây xanh sinh trưởng, phát triển ổn định tại các khu vực trồng bổ sung.

Tuy nhiên, việc trồng, phát triển cây xanh đô thị trong thời gian qua còn những tồn tại, hạn chế, cần điều chỉnh để thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, thành phố đã trồng nhiều cây có đường kính lớn (trên 20cm) do đó khi đánh từ vườn ươm, bộ rễ chính của cây bị ảnh hưởng, phải sử dụng cọc chống trong thời gian dài. Tuy nhiên, một số đơn vị chưa xử lý kịp thời trường hợp cọc chống bị bung vòng thép, đai thép siết chặt vào thân cây... làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây. Bên cạnh đó, việc lựa chọn thí điểm một số loài cây trồng chưa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, ảnh hưởng đến cảnh quan, mỹ quan đô thị, gây dư luận không tốt.

- Vậy ông cho biết về quy trình quản lý, duy trì cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố?

- Việc quản lý hệ thống cây xanh được thành phố thực hiện theo Nghị định số 64/2010/NĐ-CP, ngày 11-6-2010, của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị và Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND, ngày 28-2-2023, của UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy định về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn. Theo quyết định, Sở Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đối với toàn bộ hệ thống cây xanh đô thị; trồng mới cây xanh đô thị, quản lý, duy trì, chăm sóc, bảo tồn hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa và cấp phép chặt hạ, dịch chuyển đối với các cây xanh đô thị theo danh mục thuộc cấp thành phố quản lý.

UBND các quận, huyện, thị xã trồng mới cây xanh đô thị, quản lý, duy trì, chăm sóc, bảo tồn hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa và cấp phép chặt hạ, dịch chuyển đối với các cây xanh đô thị theo danh mục thuộc cấp huyện quản lý theo phân cấp.

Thành phố cắt tỉa cây bóng mát, làm thưa tán, thấp tán, hạ độ cao nhằm hạn chế cây gãy đổ trong mùa mưa bão trung bình 2 năm/lần; cắt tỉa nâng cao vòm lá bảo đảm cảnh quan, mỹ quan đô thị trung bình 2 lần/năm.

- Việc chặt hạ và trồng thay thế cây bị chết, cây không phù hợp với cảnh quan, cây thuộc danh mục cấm trồng trong đô thị được Hà Nội triển khai như thế nào, thưa ông?

- Việc chặt hạ và trồng thay thế cây xanh bị chết, cây nguy hiểm, cây không phù hợp với cảnh quan, cây thuộc danh mục cấm trồng trong đô thị là công việc thường xuyên và thực hiện hằng năm. Tuy nhiên việc thay thế, trồng bổ sung triển khai còn mang tính chất nhỏ lẻ, chưa thực hiện tổng thể.

Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, Sở Xây dựng chỉ đạo các đơn vị rà soát các cây bóng mát cong, xấu, nguy hiểm, già cỗi, kém phát triển, cây không thuộc danh mục cây đô thị trên một số tuyến phố.

Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng sẽ lấy ý kiến phản biện của các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, người dân đối với các cây dự kiến chặt hạ, trồng thay thế; tổng hợp báo cáo UBND thành phố cho phép lập phương án tổng thể trồng thay thế cây bị chết, cây không phù hợp với cảnh quan, cây bị sâu bệnh không có khả năng điều trị, cây già cỗi, cây cong, nghiêng không bảo đảm yêu cầu thẩm mỹ, cây có nguy cơ gãy đổ không bảo đảm an toàn, cây thuộc danh mục cây cấm trồng trong đô thị.

- Tại kế hoạch trồng mới 500 nghìn cây xanh đô thị giai đoạn 2021-2025, Hà Nội tính phương án cải tạo hệ thống cây xanh hiện hữu. Lâu nay, việc di chuyển, chặt hạ cây xanh luôn là vấn đề nhạy cảm, nhận được sự quan tâm của dư luận. Xin ông cho biết rõ hơn lộ trình thực hiện?

- Trước mắt trong năm 2023, thành phố chỉ chặt hạ, trồng bổ sung, thay thế cây bị chết, cây nguy hiểm, cây cong, cây có nguy cơ gãy đổ không bảo đảm an toàn.

Về lâu dài, sẽ lập phương án để lấy ý kiến phản biện; đồng thời thông tin công khai, rộng rãi về việc chặt hạ, dịch chuyển, trồng lại, chăm sóc hệ thống cây xanh để nhân dân biết, tạo sự đồng thuận trước khi thực hiện.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội tăng chất lượng hệ thống cây xanh đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.