Tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người đang nói đến mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Đây là mô hình tiên tiến, rất phù hợp cho siêu đô thị, cần sớm thực hiện.
Nhiều tiềm năng
TOD (transit oriented development) được hiểu là chủ trương lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị; lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư, từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán cho vùng đô thị phụ cận. Từ việc người dân thuận lợi trong đi lại, mọi lĩnh vực khác của đời sống xã hội sẽ được chuyển động thuận lợi theo và phát triển.
Thành phố Hồ Chí Minh đã được xếp vào diện “siêu đô thị”, khi số người thường xuyên có mặt tại địa phương lên đến 13 triệu; nhu cầu đi lại trên một địa bàn có diện tích rộng đến gần 2.100km2 ngày càng tăng. Việc hệ thống giao thông công cộng thiếu và yếu, điều kiện phát triển chưa tốt… khiến phương tiện giao thông cá nhân tăng cao, tình trạng ách tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thành phố.
Trong khi đó, thành phố có nhiều điều kiện phát triển mô hình TOD, bởi tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 Bến Thành - Suối Tiên sắp đi vào hoạt động. Tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương sắp được xây dựng. Tuyến xe buýt nhanh xuyên Đông - Tây thành phố đã được quy hoạch. Cùng với đó, đường Vành đai 2 sắp nối liền; đường Vành đai 3 đang triển khai; sắp xây dựng đường Vành đai 4…
Cùng với đó, đặc thù sông ngòi chằng chịt đến mọi ngóc ngách giúp thành phố có thể triển khai hệ thống buýt sông tiện lợi; có sân bay Tân Sơn Nhất lớn nhất nước, là đầu mối giao thông đặc biệt của quốc gia.
“Nếu xây dựng mô hình TOD, thành phố vừa có hệ thống giao thông công cộng hữu dụng, vừa phát triển được mọi chức năng đô thị theo hướng gọn nhẹ, nâng cao tiện ích cho người dân; giảm lượng phương tiện giao thông cá nhân…”, Tiến sĩ Phạm Trần Hải (Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh) nhận định.
Thời gian qua, tiềm năng này chưa được khai thác đúng mức. Các tuyến metro vốn là xương sống của mô hình TOD, nhưng lại chậm tiến độ, nên “chạy sau” tốc độ đô thị hóa. Đơn cử, tuyến metro số 1 đi sát khu dân cư rộng lớn là Vinhomes Central Park (rộng gần 43ha, với hơn 10.000 căn hộ) nhưng không kết nối vào khu này. Phía bên kia cầu Sài Gòn, nhà ga Thảo Điền nằm sát khu đô thị Thảo Điền rộng lớn, nhưng hướng tiếp cận chưa thuận lợi cho người dân phường Thảo Điền.
Thành phố Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch xây dựng tuyến buýt nhanh số 1 chạy dọc đại lộ Đông - Tây, nhưng tuyến đường này (Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt) không còn nhiều quỹ đất để xây dựng các bến xe buýt với chức năng như một “đầu mối giao thông nhỏ”. Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên các tuyến đường sông khi chưa có hệ thống cầu tàu, bến đỗ cùng các công trình phụ trợ đi kèm để thu hút người dân.
Anh Trương Văn Chiến, ngụ tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Tôi làm ở quận 1, hằng ngày phải mất gần 2 tiếng di chuyển trên quãng đường 25km để đến nơi làm. Nếu có buýt đường thủy theo sông Sài Gòn, chắc sẽ chỉ mất 1 giờ. Nhưng ở 2 đầu bến liệu có chỗ gửi xe đạp, xe máy không?”.
Quyết tâm phát triển mô hình TOD
Theo ông Bùi Xuân Nguyện (Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh - MAUR), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Theo đó, thành phố Hồ Chí Minh có 8 hệ thống metro xuyên tâm và vành khuyên kết nối các khu vực chính của thành phố. Đây là cơ sở quan trọng để thành phố phát triển mô hình TOD dọc các tuyến này.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn của thành phố Hồ Chí Minh là huy động số vốn ước tính 25 tỷ USD để phát triển 220km đường sắt đô thị theo quy hoạch, trong bối cảnh các nguồn vốn ODA và vốn ngân sách không thuận lợi. Để giải quyết vướng mắc, thành phố sẽ triển khai 2 phương án: Một là đấu giá quỹ đất dọc tuyến metro để tạo kinh phí. Hai là huy động nguồn lực xã hội thông qua phương thức đầu tư đối tác công tư để phát triển các tuyến metro và mô hình TOD. Đây là phương thức đã được áp dụng thành công tại Nhật Bản.
Hiện ngành Giao thông thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất kế hoạch 7 bước thí điểm phát triển mô hình TOD trên tuyến metro số 1 đoạn qua thành phố Thủ Đức, nơi quỹ đất hai bên tuyến còn nhiều.
Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm thông tin: Thành phố sẽ triển khai theo 2 giai đoạn. Một là triển khai thí điểm mô hình TOD tại các vùng phụ cận đầu mối giao thông tập trung gồm các nhà ga của tuyến metro số 1 và các nút giao của đường Vành đai 3 do quỹ đất dồi dào. Hai là triển khai tại các đầu mối giao thông của các tuyến đường sắt gắn tuyến metro số 2.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường, với những cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98 của Quốc hội vừa có hiệu lực từ ngày 1-8, thành phố Hồ Chí Minh đang hội tụ nhiều điều kiện để có thể huy động các nguồn lực xã hội phát triển mô hình TOD, với hệ thống đường sắt đô thị là hạt nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.