(HNMO) - Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã nhất trí để Bệnh viện Gia An 115 được thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, chờ Bộ Y tế thẩm định cho phép thực hiện.
Theo đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) hoan nghênh Bệnh viện Gia An 115 đã chủ động có kế hoạch bố trí thêm cơ sở vật chất, nhân sự, trang thiết bị y tế theo quy định để phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh với người mắc Covid-19 khi có nhu cầu điều trị.
Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bệnh viện Gia An 115 cần sớm hoàn tất đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, an toàn sinh học theo hướng dẫn tại Quyết định 1282 về Hướng dẫn tạm thời việc xét nghiệm Covid-19 của Bộ Y tế và được Bộ Y tế thẩm định, cho phép thực hiện.
Trước đó, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã có 2 bệnh viện được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Nhi Đồng 1, kịp thời đáp ứng nhu cầu xét nghiệm chẩn đoán và tầm soát đối với người thuộc diện cách ly ngày càng tăng trên địa bàn thành phố.
Bệnh viện Gia An 115 là mô hình hợp tác công tư (PPP) đầu tiên giữa Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 thuộc Tập đoàn Hoa Lâm, được UBND thành phố Hồ Chí Minh cho phép thành lập theo chủ trương xã hội hóa y tế của Nhà nước.
Sẵn sàng đưa thêm 1.000 giường bệnh vào ứng phó dịch Covid-19
Để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết, sẵn sàng đưa thêm 1.000 giường bệnh vào hoạt động.
Các giường bệnh này được đặt tại cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu (quận 9) thành phố Hồ Chí Minh và sẽ được sử dụng nếu số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn tăng từ 200 đến 500 ca dương tính trong cùng một thời điểm, tương ứng với 1.500-3.000 ca nguy cơ cao nhiễm bệnh cần giường điều trị ở cùng một thời điểm. Trong số này, kịch bản ứng phó dự kiến có khoảng 60-150 ca nặng cần hồi sức (tương ứng với 60-150 giường hồi sức).
Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, cơ sở vật chất của các khoa, phòng của Bệnh viên Ung bướu cơ sở 2, bao gồm cả buồng bệnh điều trị và các buồng cấp cứu, hồi sức đã có. Ngoài ra, hạ tầng công nghệ thông tin của bệnh viện cũng đã được hoàn thiện, sẵn sàng cho việc chuyển đổi công năng thành bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 tiếp theo của thành phố.
Về nhân lực y tế, Trung tâm điều phối nhân lực của Sở Y tế đã có kế hoạch điều động luân phiên nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng) đến công tác tại bệnh viện khi bệnh viện được sử dụng làm cơ sở điều trị Covid-19, giai đoạn này sẽ ưu tiên luân phiên nguồn nhân lực từ các bệnh viện đa khoa của thành phố, bảo đảm đủ số lượng theo kế hoạch. Nhân lực phục vụ cho công tác vệ sinh bệnh viện và cung cấp thức ăn cho người bệnh và nhân viên y tế sẽ được hợp đồng ngoài.
Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, cán bộ, nhân viên y tế luân phiên đến công tác tại bệnh viện này sẽ được bố trí các khách sạn ở khu vực quận 9 để làm nơi nghỉ ngơi sau giờ làm việc trong suốt quá trình điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Như vậy, tính đến đầu tháng 4-2020, tổng số giường sẵn sàng phục vụ điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh là 2.300, gồm: 400 giường tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, 900 giường tại các bệnh viện dã chiến ở Củ Chi và Cần Giờ, và 1.000 giường tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2. Các sở, ban, ngành của thành phố cũng đã có kế hoạch bổ sung hơn 1.000 giường nữa tại các khu cách ly của các bệnh viện hiện hữu là đủ cho giai đoạn sau, nâng tổng số giường điều trị Covid-19 lên 3.300 giường.
Tính đến chiều 3-4, thành phố Hồ Chí Minh đang có 32 bệnh nhân nhiễm Covid-19 được điều trị tại các cơ sở y tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.