Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực bảo đảm nguồn cung nước sạch

Nam Trung| 04/01/2023 15:26

(HNMO) – Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 10 triệu dân. 80% lượng nước sạch cho thành phố được khai thác, lọc từ nước sông. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nguồn nước và nhiễm mặn đang đe dọa nguồn cung nước thô cho thành phố. Đây là vấn đề cần sớm được giải quyết.

Khoảng 80% lượng nước thô cung ứng cho các nhà máy nước tại thành phố Hồ Chí Minh được lấy từ nước mặt hạ nguồn sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy nước của thành phố hiện được khai thác trực tiếp tại sông Sài Gòn và sông Đồng Nai ở phía hạ lưu.

Đáng chú ý, những con sông này chảy qua nhiều địa phương phía thượng lưu, như Đồng Nai, Bình Dương là những vùng phát triển công nghiệp mạnh mẽ. Như vậy, việc kiểm soát nguồn nước có bị ô nhiễm hay không rất khó thực hiện và không chỉ phụ thuộc vào thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, những năm gần đây, hiện tượng xâm nhập mặn vào sâu trong nội địa diễn ra ngày càng gay gắt. Ông Nguyễn Đình Thi (Viện Quy hoạch xây dựng thành phố Hồ Chí Minh) thông tin, mấy năm gần đây, có lúc xâm nhập mặn vào đến tận điểm lấy nước của Nhà máy nước Bình An (lấy nước mặt sông Đồng Nai tại khu vực cầu Đồng Nai) với độ mặn vượt ngưỡng cho phép.

Việc kiểm soát ô nhiễm nước mặt từ các nguồn xả thải thượng nguồn gặp nhiều khó khăn.

Còn theo ông Nguyễn Trung Việt, nguyên Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh), thời gian gần đây, hiện tượng nhiễm mặn nước mặt các sông quanh thành phố không chỉ xuất hiện vài giờ như trước đây mà thậm chí kéo dài vài ngày. Trong khi đó, phần lớn các nhà máy nước của thành phố Hồ Chí Minh không có thiết bị chuyên dụng lọc nước nhiễm mặn.

“Chúng ta cần sớm có kế hoạch tổng thể, lâu dài bảo đảm an ninh nguồn nước cho thành phố Hồ Chí Minh, bởi nếu để xảy ra bất cứ chuyện gì liên quan đến nước sạch, hậu quả không chỉ gây ảnh hưởng đến hơn 10 triệu người dân của thành phố mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội thành phố và khu vực”, ông Nguyễn Trung Việt nhận định.

Nhiều nhà máy nước tại thành phố Hồ Chí Minh chưa có hệ thống xử lý nước nhiễm mặn quá mức quy định.

Năm 2025, thành phố sẽ xử lý được hơn 77% lượng nước thải

Trong Đề án phát triển hệ thống cấp nước giai đoạn 2020-2050 và Chương trình cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cơ quan chức năng có giải pháp di dời dần điểm khai thác nước thô lên phía thượng lưu sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, kết hợp với việc xây dựng các hồ hoặc cụm hồ dự trữ nước thô, gia tăng an ninh, an toàn nguồn nước.

Tiến sĩ Lê Thị Phương Trúc trình bày đề tài nghiên cứu khoa học về quản lý hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ nguồn cung ứng nước sạch cho thành phố Hồ Chí Minh.

Cuối năm 2022 vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh đã nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Khảo sát, đánh giá chất lượng nước và khả năng tự làm sạch, xây dựng hệ thống dự báo chất lượng nước tự động và đề xuất các giải pháp kiểm soát chất lượng nước mặt trên hệ thống kênh rạch nội đô thành phố Hồ Chí Minh", do Tiến sĩ Lê Thị Phương Trúc (Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ) và các cộng sự thực hiện.

Nhóm nghiên cứu đã khảo sát, đo đạc tại 183 cửa xả nước thải sinh hoạt, công nghiệp ra 5 hệ thống kênh rạch chính đảm nhận việc tiêu thoát nước mưa và xử lý nước thải của thành phố Hồ Chí Minh là kênh Nhiêu Lộc  - Thị Nghè, kênh Tân Hoá - Lò Gốm, kênh Kênh Đôi - Kênh Tẻ, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và kênh Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật.

“Chúng tôi đã xây dựng được một hệ thống quản lý, dự báo chất lượng nước tự động cho hệ thống 5 kênh rạch chính (cập nhật 24/24 về mức độ ô nhiễm; đưa ra giới hạn của việc tự làm sạch), từ đó đề xuất quy hoạch chung về giảm thải ra nguồn nước và xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý môi trường thông minh trong một đô thị thông minh”, Tiến sĩ Lê Thị Phương Trúc nói.

Dự kiến đến năm 2025, thành phố Hồ Chí Minh sẽ xử lý được hơn 77% lượng nước thải để bảo vệ môi trường.

Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đã hoàn thành 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung, gồm: Nhà máy xử lý nước Bình Hưng - giai đoạn 1 công suất 141.000m3/ngày, Nhà máy Bình Hưng Hòa công suất 30.000m3/ngày, Nhà máy Tham Lương - Bến Cát công suất 131.000m3/ngày.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết: “Theo kế hoạch, giai đoạn 2020-2025, khi hoàn thành Nhà máy xử lý nước Bình Hưng - giai đoạn 2 (469.000m3/ngày), Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (480.000m3/ngày) và phát huy công suất của Nhà máy Tham Lương - Bến Cát, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý sẽ đạt 77,48%. Cùng với đó, thành phố tiếp tục giảm khai thác nước ngầm (cuối năm 2023, khai thác còn 150.000 m3/ngày; cuối năm 2025, còn 100.000 m3 và tiếp tục duy trì ở mức thấp như một nguồn dự phòng); quy hoạch, xây dựng và bảo vệ vùng cung cấp nước thô là nước mặt, bảo đảm an ninh nguồn nước cho thành phố Hồ Chí Minh”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực bảo đảm nguồn cung nước sạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.