(HNM) - Dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, song doanh thu ngành bán lẻ thành phố Hồ Chí Minh năm 2020 vẫn đạt 759.714 tỷ đồng, tăng 11,9% so với năm 2019, chiếm 19% tỷ trọng bán lẻ toàn quốc. Tiếp tục vượt khó và phát huy kết quả đã đạt được, trong năm 2021, thành phố tiếp tục đặt mục tiêu phát triển ngành bán lẻ, hướng tới xây dựng thành phố trở thành trung tâm mua sắm của khu vực và cả nước.
Doanh thu các ngành hàng đều tăng
Theo báo cáo của Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có 236 siêu thị (chiếm 25% cả nước), 45 trung tâm thương mại (chiếm 23% cả nước), 237 chợ truyền thống, 2.400 cửa hàng bán lẻ hiện đại, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân. Trong năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng với sự chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp và nhiều chính sách kịp thời của các cấp, ngành thành phố Hồ Chí Minh, các ngành hàng đều có doanh thu bán lẻ tăng so với năm 2019.
Có được kết quả trên là nhờ bên cạnh tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, duy trì bán hàng theo hình thức truyền thống trực tiếp tại quầy, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh bán hàng trực tuyến (online) qua các sàn giao dịch điện tử, giao hàng tận nơi, phục vụ nhu cầu mua sắm của người mua. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food Lê Thị Thanh Lâm cho biết: “Năm 2020, Sài Gòn Food đạt tổng doanh thu 2.700 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2019. Riêng kênh thương mại điện tử có mức tăng trưởng lên đến 750%”.
Bên cạnh sự nhạy bén của các doanh nghiệp, tiểu thương kinh doanh ở các chợ bán lẻ truyền thống của thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thay đổi phương thức bán hàng. Chị Nguyễn Thị Huyền bán quần áo tại chợ Bến Thành chia sẻ: “Trong đại dịch, người dân hạn chế tập trung đông người nên tiểu thương chúng tôi chuyển dần sang bán hàng online. Dù gặp không ít bỡ ngỡ trong khâu quảng cáo hàng, bán, giao hàng, thanh toán... nhưng đến nay kết quả đem lại khá tốt.
Để hỗ trợ doanh nghiệp và tiểu thương giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động đề xuất lãnh đạo thành phố có các chính sách hỗ trợ kịp thời. Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho hay: “Tháng 1-2021, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chấp thuận hỗ trợ cho tiểu thương ở 237 chợ truyền thống trên địa bàn được giảm 50% tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng trong 6 tháng cuối năm 2020, để bà con dành vốn đầu tư kinh doanh".
Quyết liệt kiểm soát chất lượng hàng hóa
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tiến Đạt nhận định: “Bán hàng online giúp phát triển ngành bán lẻ, nhưng cũng gia tăng tình trạng bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, điều này khiến người tiêu dùng lo lắng. Quyết liệt kiểm soát chất lượng hàng hóa bán ra thị trường luôn là giải pháp được ưu tiên triển khai nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng".
Theo thống kê, năm 2020, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra, phát hiện 527 vụ kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ (tăng 162 vụ so với năm 2019), tạm giữ hơn 1,2 triệu đơn vị sản phẩm, phạt tiền hơn 4,1 tỷ đồng. Đồng thời, các đội quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra tại các trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng kinh doanh trên các tuyến đường, phát hiện 1.013 vụ vi phạm kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền nhãn hiệu.
Về vấn đề này, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh) Lê Hồng Hải cho biết, các quận 1, 3 và Phú Nhuận là nơi có nhiều tụ điểm kinh doanh hàng hóa vi phạm xuất xứ, chất lượng. Để xử lý tình trạng này, trong năm 2020, Đội đã kiểm tra, phát hiện 89/97 hộ kinh doanh vi phạm về xuất xứ, chất lượng hàng hóa, thu giữ 5.572 đơn vị sản phẩm.
Theo Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ, năm 2021, Sở Công Thương đặt mục tiêu doanh thu ngành bán lẻ tăng 10%. Để đạt được mục tiêu này, thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19, tiến tới mở rộng kinh doanh.
Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh tháng 1-2021 ước đạt 119.851 tỷ đồng, tăng 4% so với tháng trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ ước đạt 74.489 tỷ đồng, tăng 4,7%; dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 8.858 tỷ đồng, tăng 3,3%; du lịch, lữ hành ước đạt 725 tỷ đồng, tăng 8,2%.
Trọng Ngôn
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.