Hà Nội kết nối

Thành phố Hồ Chí Minh: Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề trực tuyến

Nhóm phóng viên 11/10/2023 21:33

Tại thành phố Hồ Chí Minh, đào tạo nghề trực tuyến đã và đang phát triển theo xu hướng chung của xã hội và phù hợp với thời đại công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc cần được tháo gỡ để phát huy hơn nữa hiệu quả của hình thức đào tạo này.

a99.png
Ngoại ngữ, Kế toán, Thiết kế đồ họa, Digital Markting... là những ngành nghề đang được nhiều cơ sở dạy nghề tại thành phố Hồ Chí Minh triển khai dạy và học online.

Đã thành xu hướng

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có 376 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với nhiều cấp học và hình thức học. Trong số này, đào tạo ở doanh nghiệp có 178 cơ sở, 62 trường cao đẳng nghề và 60 trường trung cấp nghề, thu hút hơn 500.000 người theo học, vượt hơn 2% so với chỉ tiêu đề ra.

Hiện, số học viên theo học 4 ngành công nghiệp trọng điểm (Cơ khí, Điện tử - Công nghệ thông tin, Chế biến tinh lương thực thực phẩm, Hóa dược - Cao su) chiếm tỷ lệ hơn 41%. Số còn lại chọn 8 ngành tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN (Nha khoa, Điều dưỡng, Kỹ thuật, Xây dựng, Kế toán, Kiến trúc, Khảo sát và du lịch) hoặc ngành nghề khác. Số lao động làm việc đã qua đào tạo hiện khoảng gần 4,4/gần 5, 1 triệu lực lượng lao động, đạt tỷ lệ 86,08% (chỉ tiêu năm 2023 là 86,45%).

a95.jpg
Học viên lớp Họa viên kiến trúc nội thất nộp bài tập online và trao đổi cùng giảng viên các vấn đề liên quan.

Phát huy hiệu quả đào tạo từ xa trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, nhiều cơ sở đào tạo nghề vẫn duy trì và phát triển đào tạo trực tuyến. Đơn cử, Trung tâm Đào tạo kiến trúc thuộc Tập đoàn CBS Group (thành phố Hồ Chí Minh) đã triển khai lớp dạy ngành nghề họa viên kiến trúc nội thất thông qua các phần mềm Skype/Zoom/Google Meet. Các khung giờ học linh hoạt, bao gồm cả giờ học buổi tối. Học viên và giáo viên có thể trao đổi hình ảnh, chất lượng bài tập online nhưng vẫn bảo đảm chất lượng dạy và học.

Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cũng đang đào tạo trực tuyến nâng cao kỹ năng nghề Công tác xã hội cho các học viên. Các chuyên đề gồm: Kỹ năng làm việc với trẻ để ngăn ngừa tình trạng xâm hại trẻ em; hỗ trợ tâm lý xã hội cho những nạn nhân của buôn bán người; hỗ trợ hàn gắn và can thiệp trị liệu…

a100.gif
Trường Trung cấp Sài Gòn tổ chức nhiều lớp học nghề online.

Hay như Trường Trung cấp Sài Gòn hiện đang tuyển sinh nhiều lớp học nghề online với các ngành marketing, xuất nhập khẩu, luật, kế toán, tiếng Trung… Tùy từng ngành nghề, các học viên học từ 12 đến 24 tháng là hoàn thành chương trình đào tạo, được cấp văn bằng, chứng chỉ hành nghề.

Anh Huỳnh Văn Ánh, 26 tuổi, ngụ tại quận 8, là hướng dẫn viên du lịch với chuyên môn tiếng Anh, nay tham gia lớp học trực tuyến để học thêm tiếng Trung, chia sẻ: “Tôi chọn được khóa học và giờ học phù hợp điều kiện làm việc của mình và thấy học trực tuyến rất thuận lợi. Học nghề để hiệu quả, cần nhất là sự nỗ lực của bản thân và phương tiện, cách thức giao tiếp với giảng viên, chứ không chỉ là học trực tiếp hay trực tuyến”.

a101.jpg
Phòng tự học tại Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng với hạ tầng công nghệ thông tin đầy đủ, phục vụ kết nối sinh viên với giáo viên và kho học liệu online của nhà trường.

Nhiều cơ sở đào tạo nghề tại thành phố Hồ Chí Minh như các trường: Cao đẳng Lý Tự Trọng, Kỹ nghệ II, Kỹ thuật Cao Thắng, Công nghệ Thủ Đức, Kinh tế - Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh… đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp bao gồm việc học tập trực tuyến (e-learning), hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS - Learning Management System), hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS - Learning Content Management System)... để nâng cao hiệu quả đào tạo trực tuyến.

Cần chuẩn hóa hệ thống

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, đào tạo nghề trực tuyến hiện đã được triển khai thường xuyên hơn tại nhiều cơ sở dạy nghề trên địa bàn song song với đào tạo trực tiếp. Tuy nhiên, đang có tình trạng “mạnh ai nấy làm” mà chưa có một nền tảng chung chuẩn để phát huy hiệu quả dạy nghề online một cách toàn diện.

a102.jpg
Cần có quy chuẩn chung về hạ tầng, quy trình quản lý dạy và học online nói chung, dạy và học nghề nói riêng.

Nguyên Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh) Đặng Minh Sự nhận định: Nhiều giảng viên dạy nghề online đang làm theo thói quen và kinh nghiệm, bởi chưa có chuẩn đào tạo chung. Hạ tầng thông tin và trang thiết bị kỹ thuật cũng như số hóa tài liệu giảng dạy ở mỗi trường là khác nhau; chưa có quy chuẩn tổ chức, quản lý lớp học nghề trực tuyến… Đây là những vấn đề cần được cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, ban hành chính sách chung.

Cùng chung hướng nhận định trên, Thạc sĩ Đỗ Hữu Khoa, Viện trưởng Viện Đại học trực tuyến (trực thuộc Công ty TNHH Saigon Academy) cho biết, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có chủ trương khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ trong ứng dụng công nghệ thông tin hướng đến mô hình học tập trực tuyến. Tuy nhiên, các trường cũng đang rất cần tiêu chuẩn chung về “Hạ tầng kỹ thuật và phương thức đào tạo trực tuyến”; giải pháp về “Trung tâm đào tạo số”; giải pháp “Trường học số - Cao đẳng, Trung cấp” và giải pháp về “Quản trị Nhà trường số”… để chủ động triển khai.

a103.png
Hệ thống đào tạo trực tuyến UTEx của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh được vận hành hiệu quả từ năm 2019 đến nay, nhưng rất cần có chuẩn chung học liệu để kết nối với các bên, tiếp tục phát triển hệ thống.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, người từng tham gia công tác đào tạo nghề tại Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét, nhiều cơ sở đào tạo nghề hiện mới chỉ quan tâm đến Digital Learning (bài giảng điện tử), mà chưa chú trọng đến Big Data để lưu trữ dữ liệu, Digital Media để kết nối với các mạng xã hội, hay Digital Campus để tối ưu hóa quá trình giảng dạy vào thực tiễn…

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, thành phố đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đến năm 2025 đạt 87% và đạt 89% vào năm 2030, tăng chất lượng nguồn nhân lực để thành phố phát triển bền vững. Để thực hiện mục tiêu trên, thành phố khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hướng đến xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế với nhiều hình thức đào tạo phù hợp, đạt chất lượng ngày càng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề trực tuyến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.