(HNM) - Ngộ độc từ rượu chứa cồn công nghiệp (methanol) thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng, thậm chí có tới 10 người đã tử vong vì lý do này.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tình hình ngộ độc rượu methanol trên cả nước từ đầu năm 2017 đến nay có chiều hướng tăng vọt, đã có 10 người tử vong và hàng chục người bị ngộ độc phải cấp cứu. Tại TP Hồ Chí Minh chưa ghi nhận ca tử vong do ngộ độc rượu, tuy nhiên nguy cơ xảy ra tình trạng này có thể đến bất cứ lúc nào.
Từ đầu tháng 4-2017 đến nay, Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh) đã phát hiện 31 vụ, tạm giữ chờ xử lý gần 2.000 lít rượu trắng, rượu ngâm thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, gần 800 chai rượu các loại là hàng nhập lậu, vi phạm dán nhãn hàng hóa cũng bị thu giữ. Các hàng hóa này còn vi phạm không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không công bố tiêu chuẩn, không niêm yết giá. Đối với sản phẩm men rượu, trong thời gian trên lực lượng quản lý thị trường cũng đã tạm giữ khoảng 4.400 viên men cục không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, không ghi hạn sử dụng.
Trong khi đó theo thống kê của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 600 hộ dân nấu rượu thủ công, tập trung ở quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi,… Rượu sản xuất thủ công được bán với giá từ 30 đến 50 nghìn đồng/lít tùy theo nồng độ. Thậm chí, mua với số lượng lớn còn được giảm giá đến… 1/3.
Ông Nguyễn Trung Bính, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh thừa nhận, việc quản lý đối với hộ nấu rượu thủ công là không dễ khi các lò rượu có quy mô nhỏ và hoạt động không có đăng ký kinh doanh. Khi lực lượng chức năng kiểm tra thì các hộ tìm cách lẩn tránh. Hơn nữa, nhận thức về pháp luật của hộ nấu rượu thủ công trên địa bàn chưa cao, sản phẩm làm ra không được kiểm soát theo quy định... khiến công tác quản lý càng khó khăn. Tất cả nguyên nhân trên khiến nguy cơ xảy ra ngộ độc rượu trên địa bàn thành phố ngày một tăng cao.
Chia sẻ về rượu không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường TP Hồ Chí Minh, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố nhận định, vấn đề này đã tồn tại từ lâu, việc ngăn ngừa phải làm thường xuyên, liên tục, không nên "mất bò mới lo làm chuồng". Rượu được chưng cất tại các lò thủ công điều kiện kiểm soát chất lượng thấp và có thể lẫn các độc tố trong quá trình sản xuất. Nhưng nguy hiểm nhất vẫn là tình trạng pha cồn công nghiệp vào nước để thành rượu. “Giá thành một chai rượu loại này có khi còn rẻ hơn một chai nước, sử dụng loại rượu này cũng như đánh bạc với sức khỏe, tính mạng của mình”, bà Lan nói.
Được biết, biện pháp của TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới là kiểm soát tốt sản phẩm rượu, trong đó chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức để người dân cảnh giác và nói không với rượu không rõ nguồn gốc. Đối với các cơ quan quản lý, cần lồng ghép quản lý sản phẩm rượu với chương trình chống hàng giả và gian lận thương mại với những biện pháp xử lý mạnh tay, đặc biệt với các loại hóa chất công nghiệp như methanol.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm thành phố cho rằng, việc sử dụng cồn công nghiệp, hóa chất để sản xuất rượu đang là vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận. Do đó, các ngành chức năng thành phố cần tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi lưu thông, mua bán hóa chất. Việc ngăn chặn kịp thời các hành vi sản xuất, pha chế rượu không bảo đảm an toàn tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trước khi rượu được đưa ra thị trường cần được ưu tiên. "Giải pháp căn cơ nhất vẫn là tuyên truyền cho người dân giảm thiểu tình trạng lạm dụng rượu, bia trong đời sống hàng ngày để tránh hậu quả do các sản phẩm không an toàn gây ra" - bà Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.