Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Khẩn trương phục hồi tăng trưởng kinh tế

Nguyễn Lê| 15/05/2020 06:56

(HNMO) - Quý I-2020, kinh tế thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng trưởng 1,03%. Mức tăng trưởng kinh tế của thành phố thấp ảnh hưởng đến cả nước. Chính vì vậy, phục hồi tăng trưởng sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố đang thực hiện hàng loạt giải pháp để bảo đảm tăng trưởng trên 6% trong năm 2020.

 Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh phục hồi tăng trưởng kinh tế 8 tháng cuối năm. (Ảnh: Tân Cảng - Hiệp Phước).

Vực dậy tốc độ tăng trưởng 

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I-2020 chỉ tăng trưởng 1,03%, mức tăng trưởng rất thấp từ nhiều năm trở lại đây. Số liệu mới nhất từ Cục Thống kê thành phố cho biết, trong 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 387.568 tỷ đồng, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước của thành phố ước 117.278 tỷ đồng, đạt 28,9% dự toán, giảm 12,4% so cùng kỳ. Từ đầu năm đến ngày 31-3, trên địa bàn thành phố có 345 doanh nghiệp giải thể; 5.502 doanh nghiệp ngưng hoạt động có thời hạn, tăng 48,5% so cùng kỳ. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tình hình kinh tế quý I-2020 của thành phố Hồ Chí Minh suy giảm sâu so với bình quân chung của cả nước là do tỷ lệ về dịch vụ trong cơ cấu kinh tế thành phố lớn (dịch vụ chiếm trên 22% GRDP của thành phố). Ngành dịch vụ là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trước tác động của dịch Covid-19. 

Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, kết quả khảo sát về “sức khỏe” của các doanh nghiệp hội viên mới đây chỉ ra rằng: 21% doanh nghiệp được khảo sát trả lời chỉ cầm cự đến hết tháng 5-2020; 12% doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động đến hết tháng 6; 12% có thể duy trì đến hết tháng 9; chỉ có 2% doanh nghiệp có thể cầm cự đến hết năm 2020. Đáng lưu ý, qua khảo sát, có tới 19% doanh nghiệp cho biết có thể phá sản trong quý II-2020.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phân tích: Trong quý I-2020, việc thực hiện nghiêm yêu cầu giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến sự tăng trưởng của kinh tế thành phố. Với vai trò là đầu tàu, dẫn dắt kinh tế của vùng và cả nước, sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế thành phố sẽ tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng chung của cả nước. Chính vì vậy, tập trung mọi nguồn lực và giải pháp để khôi phục, phát triển kinh tế là mệnh lệnh cần phải làm ngay trong bối cảnh hiện nay.

Tập trung thực hiện 11 nhóm giải pháp

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, trong các kịch bản tăng trưởng kinh tế của thành phố trong năm 2020, nếu kinh tế thế giới không rơi vào suy thoái, thành phố có thể đạt mức tăng trưởng 5,42%. Giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường trong nước trở nên quan trọng hơn đối với sự phục hồi kinh tế của Việt Nam và của thành phố. Trong cơ cấu kinh tế thành phố, các ngành có tỷ trọng lớn chịu tác động của thị trường bên ngoài phải có sự cải thiện sản phẩm và tạo ra sản phẩm mới nhằm khai thác tốt hơn thị trường nội địa. Từ đó, thúc đẩy sự trở lại vai trò động lực tăng trưởng của các ngành.

Hiện số doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại thành phố Hồ Chí Minh chiếm tới hơn 97% (hơn 262.000 doanh nghiệp). Đối tượng doanh nghiệp này chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh. Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Đức Hùng (Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, doanh nghiệp quy mô càng nhỏ càng dễ bị tổn thương, nhưng ngược lại, đối tượng doanh nghiệp này phục hồi nhanh nhất. Để biến nguy thành cơ, thành phố cần chú ý đối tượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để hỗ trợ phục hồi bằng những giải pháp thiết thực, trong đó chú trọng hỗ trợ vốn bởi đối tượng này cần nguồn vốn tái đầu tư không nhiều.

Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra 11 nhóm giải pháp, trong đó tập trung phát triển các ngành đóng góp cao vào tăng trưởng kinh tế thành phố (công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống; công nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; bán buôn, bán lẻ; vận tải; tài chính - ngân hàng…); đầu tư có trọng điểm, ưu tiên các ngành sản xuất, kinh doanh, chuỗi cung ứng sản phẩm thiết yếu; đẩy nhanh phát triển kinh tế số trong ngắn và dài hạn; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi phục hồi các ngành dịch vụ, trọng tâm là ngành Du lịch; đưa các gói hỗ trợ của Chính phủ và của thành phố trợ lực cho doanh nghiệp…

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là vừa không để dịch bùng phát trở lại vừa phục hồi tăng trưởng kinh tế trong điều kiện bình thường mới. Một trong các giải pháp cấp bách là hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, dịch vụ; đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu; mở cửa kinh tế, du lịch với từng nước với điều kiện cụ thể và vào thời điểm khác nhau từ tháng 5 đến tháng 12-2020; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến tháng 10-2020 giải ngân trên 80% giá trị các dự án...

“Mục tiêu trước mắt của các giải pháp trên là giúp doanh nghiệp tăng sức đề kháng, hạn chế phá sản đến mức thấp nhất. Để không phá sản thì phải duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh phục vụ thị trường nội địa gần 100 triệu dân. Thị trường nội địa là cứu cánh của doanh nghiệp tại thời điểm này khi mà dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại một số nước”, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Khẩn trương phục hồi tăng trưởng kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.