Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Giải "bài toán" thiếu trường, lớp

Thanh Tàu| 04/03/2022 07:13

(HNM) - Dù có nhiều nỗ lực bảo đảm chỗ học cho học sinh trong độ tuổi đến trường, nhưng hiện thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn 11/22 địa phương thiếu trường, lớp để học sinh được học 2 buổi/ngày. Nguyên nhân do dân số cơ học tăng nhanh, quỹ đất cho trường học còn thiếu, nguồn lực đầu tư chưa nhiều. Trước thực trạng đó, thành phố đang triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Trường Quốc tế Nam Sài Gòn (quận 7) là mô hình thành công trong việc thu hút nguồn lực xã hội vào lĩnh vực giáo dục của thành phố Hồ Chí Minh.

Chưa bảo đảm 300 phòng học/10.000 dân

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu xây dựng 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi), kể cả trẻ không có hộ khẩu thường trú. Tính đến tháng 2-2022, đã có các quận 1, 3, 4, 5, 6, 10, Phú Nhuận, Bình Thạnh và các huyện Nhà Bè, Cần Giờ, thành phố Thủ Đức cơ bản đạt chỉ tiêu này. Nhưng một số địa phương đông dân vẫn chưa đạt. Cụ thể, các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và các quận 12, 7, Gò Vấp, Bình Tân,... mới đạt xấp xỉ 220 phòng học/10.000 dân.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh, đơn vị được giao làm chủ đầu tư 141 dự án công trình trường học trong giai đoạn 2003-2021, song đến nay mới hoàn thành hoặc đang thi công 107 công trình, còn 34 dự án tiếp tục chờ triển khai. Nguyên nhân do khó khăn về nguồn vốn, giải tỏa mặt bằng đền bù... Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND quận 8 Nguyễn Thanh Sang cho biết, tính đến cuối năm 2021, toàn quận mới đạt 292 phòng học/10.000 dân. Việc sắp xếp lại quy mô trường lớp gặp khó khăn do địa phương có địa bàn rộng, cơ sở giáo dục có nhiều điểm lẻ được cải tạo từ nhà dân, không đủ phòng học đáp ứng nhu cầu học 2 buổi/ngày.

Báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, diện tích đất dành cho giáo dục theo quy hoạch hiện hữu tại các địa phương mới đạt 57,48% so với quy hoạch phê duyệt chung của thành phố. Đáng chú ý, chỉ tiêu đất giáo dục hiện hữu tại các quận, huyện gồm: 2, 6, 7, 8, Gò Vấp, Bình Thạnh, Hóc Môn, Bình Chánh và Cần Giờ rất thấp so với phê duyệt của UBND thành phố. Nguyên nhân là do thiếu kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng; thiếu nguồn kinh phí xây dựng trường mới.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu số phòng học mới trong giai đoạn 2020-2030 tại thành phố là 26.312 phòng. Trong đó, mầm non là 4.224 phòng; tiểu học 10.686 phòng; trung học cơ sở 7.192 phòng; trung học phổ thông 4.210 phòng.

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu trường, lớp học, UBND quận 12, thành phố Hồ Chí Minh đã dành riêng quỹ đất để xây dựng Trường Mầm non Hoa Đỗ Quyên ở phường Thạnh Xuân. Công trình được khởi công ngày 10-1-2019 trên diện tích 2.266m2 với quy mô gồm 10 phòng học, 3 phòng chức năng, tổng mức đầu tư gần 31,3 tỷ đồng, tiếp nhận khoảng 300 trẻ mầm non và mẫu giáo. Bí thư Quận ủy quận 12 Trần Hoàng Danh cho biết: "Quận 12 đang rà soát các khu đất quy hoạch giáo dục trên địa bàn để sớm xây mới các trường học trong thời gian tới".

Còn tại quận Bình Tân, một doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư nâng cấp, xây dựng mới và vận hành Trường Mầm non tư thục Ánh Hồng. Doanh nghiệp này đã tham gia chương trình kích cầu thông qua nguồn vốn của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước thành phố Hồ Chí Minh (HFIC). Dự án xây dựng trường có tổng mức đầu tư 17,5 tỷ đồng; trong đó, trường vay 8,36 tỷ đồng từ HFIC và được ngân sách hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong thời gian 7 năm. Với cơ sở vật chất, khang trang, sạch đẹp, trường đã thu hút được nhiều phụ huynh gửi con em theo học.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương huy động vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hằng năm để xây dựng mới, sửa chữa trường lớp, đồng thời thu hút, sử dụng các nguồn vốn ODA, FDI, các nguồn vay có lãi suất thấp, phát hành trái phiếu để phát triển trường học... Bên cạnh đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh giao ngành Giáo dục thành phố tập trung rà soát, quy hoạch mạng lưới trường học phù hợp với điều kiện kinh tế, quy mô phát triển từng địa phương, đặc biệt ưu tiên ngân sách, quy hoạch xây dựng trường học tại những địa bàn có tốc độ tăng dân số cao hoặc là nơi tập trung các khu công nghiệp, khu chế xuất...

"UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát các đồ án quy hoạch phân khu song song với thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố. Tập trung phân tích, có giải pháp, hành động cụ thể, tham mưu thực hiện các nhóm giải pháp đẩy mạnh quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu dạy và học của người dân", Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Giải "bài toán" thiếu trường, lớp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.