Nghị quyết và Cuộc sống

Phát huy vai trò Quân đội trong phổ biến, giáo dục pháp luật:Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả

Hiền Phương 14/01/2025 - 06:27

Thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027”, các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã cụ thể hóa bằng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn đóng quân.

du-thi.jpg
Tiết mục dự thi của Ban Chỉ huy quân sự quận Hoàng Mai tại hội thi “Dân vận khéo năm 2024” do Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Tham gia hội thi "Dân vận khéo năm 2024" do Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức, Ban Chỉ huy quân sự huyện Thanh Trì đã mang đến tiểu phẩm “Vì ngày mai”. Câu chuyện trong tiểu phẩm xoay quanh việc cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự huyện vận động người dân hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới. Bằng sự kiên trì, mềm mỏng và kiên quyết, các cán bộ, chiến sĩ đã thuyết phục được người dân đồng ý bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. “Nút thắt” trong câu chuyện được tháo gỡ đã thể hiện sự hiểu biết về pháp luật của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, qua đó vun đắp thêm tình cảm quân - dân gắn bó, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

Ở Ban Chỉ huy quân sự huyện Quốc Oai, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật nên cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã vận dụng linh hoạt vào thực tiễn hoạt động. Thượng tá Trần Đức Chiến, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Quốc Oai cho biết: “Một trong những nội dung khó của lực lượng vũ trang huyện là vận động nhân dân bàn giao mặt bằng để xây dựng trụ sở Ban Chỉ huy quân sự xã. Ban Chỉ huy quân sự huyện đã kết hợp nhiều giải pháp, biện pháp, trong đó trọng tâm là tuyên truyền, vận động để nhân dân thấy được vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, từ đó tạo đồng thuận cao”. Với sự tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động, huyện Quốc Oai trở thành địa phương dẫn đầu thành phố Hà Nội với 10 trụ sở Ban Chỉ huy quân sự xã đã hoàn thành.

Tham gia sinh hoạt Ngày chính trị, văn hóa tinh thần, pháp luật tháng 1-2025, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Bộ binh 5, Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301 (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) có cơ hội bày tỏ tâm tư, nguyện vọng lên cấp trên những vấn đề đang quan tâm như: Tiêu chuẩn, chế độ chính sách đối với bộ đội chuẩn bị xuất ngũ; chính sách nhà ở đối với cán bộ; hình thức tổ chức các hội thi tuyên truyền…

Trực tiếp lắng nghe từng ý kiến, Thiếu tướng Đào Văn Nhận, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã giải đáp và chỉ đạo các cơ quan chức năng thông tin kịp thời những vấn đề mà cán bộ, chiến sĩ quan tâm, qua đó góp phần thực hiện tốt nền nếp chế độ, kỷ luật quân đội. Thiếu tướng Đào Văn Nhận cho biết: “Sinh hoạt Ngày chính trị, văn hóa tinh thần, pháp luật là hoạt động nhằm phát huy Quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường đối thoại trực tiếp để nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ, kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”.

Đồng hành với Thủ đô phát triển

Thời gian qua, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã chủ động xây dựng, thiết kế hàng trăm nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng file kỹ thuật số, đồ họa, thông qua internet, mạng xã hội (Zalo, Facebook, TikTok, Mocha…). Cùng với đó là duy trì và phát huy hiệu quả hệ thống tủ sách pháp luật, tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã chỉ đạo biên soạn 1.200 cuốn tài liệu gồm 643 câu hỏi - đáp về pháp luật; 1.500 cuốn tài liệu hỏi đáp về pháp luật trong công tác dân vận; các cơ quan, đơn vị xây dựng 106 video clip tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; biên soạn 1.232 giáo án, bài giảng giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ cơ quan, đơn vị thường trực, dân quân, tự vệ…

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị còn tổ chức diễn đàn, tọa đàm thanh niên trao đổi kinh nghiệm, nói chuyện chuyên đề, “sân khấu hóa” và đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo về phổ biến giáo dục pháp luật như: Mô hình “Không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, “Đơn vị ba cùng với nhân dân”, “Thanh niên với pháp luật”, “Tổ phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý”, “Câu lạc bộ pháp luật”...

Thiếu tướng Nguyễn Khắc Nhân, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết, thời gian tới, Bộ Tư lệnh tiếp tục gắn công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua, cuộc vận động ở địa phương và Quân đội. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật cho lực lượng thường trực, dân quân, tự vệ, dự bị động viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thủ đô.

Làm tốt công tác phổ biến giáo dục pháp luật là cách để lực lượng vũ trang Thủ đô thể hiện tình cảm, sự gắn bó với nhân dân, là sự tri ân của Bộ đội Cụ Hồ đối với sự đùm bọc, chở che, chăm sóc của nhân dân trong suốt chặng đường lịch sử của dân tộc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy vai trò Quân đội trong phổ biến, giáo dục pháp luật: Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.