Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Đồng hành giúp doanh nghiệp phát triển

Tuệ An| 14/05/2021 06:28

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh xác định chủ đề của năm 2021 là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, trong đó yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phải nâng cao trách nhiệm để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Hiện, chính quyền thành phố đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu này, đặc biệt khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp 4 ngành công nghiệp trọng yếu phát triển, trong đó có ngành công nghiệp thực phẩm.

Vẫn còn "điểm nghẽn"

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 450.000 doanh nghiệp đang hoạt động, dẫn đầu cả nước. Kết thúc năm 2020, mặc dù bị dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề, nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn vượt qua khó khăn, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của thành phố. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 54,7% vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 19%...

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, kết quả trên có được là do thành phố đã bước đầu tạo được môi trường đầu tư thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động, bảo đảm nguyên tắc “5 có” (có thời hạn giải quyết; có người chịu trách nhiệm; có sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng quy trình quản lý và đánh giá thực hiện quy trình; có sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc, HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội; có chế tài và khen thưởng).

Tuy nhiên, trên thực tế, môi trường đầu tư của thành phố vẫn còn những "điểm nghẽn".

Bà Nguyễn Thị Tố Trâm, đại biểu HĐND thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016-2021 nhận xét, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố Hồ Chí Minh ngày càng giảm - năm 2016, thành phố đứng thứ 8 nhưng đến năm 2020 tụt xuống thứ 14, đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư tại địa phương. Về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh chỉ đứng thứ 46/63 tỉnh, thành phố, giảm 15 bậc so với năm 2019.

Còn Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Bé cho rằng, thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cấp phép lao động… chậm trễ là yếu tố tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh. Đơn cử như, tính đến hết tháng 4-2021, thành phố vẫn còn 56.632 hồ sơ giải quyết quá hạn trong lĩnh vực đất đai, đầu tư và lý lịch tư pháp.

Theo Tiến sĩ Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều chủ trương trợ giúp doanh nghiệp, nhưng kết quả triển khai chưa được như kỳ vọng. Tương tự, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Trần Du Lịch nhận định, bộ máy hành chính của thành phố cần quyết liệt hơn nữa trong đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn Để tháo gỡ những "điểm nghẽn" kể trên, ngay từ đầu năm 2021, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phải đột phá trong việc cải thiện môi trường đầu tư, như: Các cơ quan khi được hỏi ý kiến về hồ sơ doanh nghiệp, phải trả lời bằng văn bản trong vòng 15 ngày, nếu không sẽ xem như đồng ý; khi cần yêu cầu doanh nghiệp, nhà đầu tư sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung...

Thực hiện chỉ đạo này, trong 4 tháng năm 2021, các sở: Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp tham mưu trình UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành “Quy chế thực hiện liên thông nhóm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp và cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài”, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ từ 20 ngày xuống còn 17 ngày; giảm số lần nộp hồ sơ và nhận kết quả của doanh nghiệp từ 4 lần tại 2 cơ quan xuống còn 2 lần tại 1 cơ quan. Trong khi đó, Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số, hướng tới 100% xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên mạng; triển khai 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên mức độ 4.

Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, Sở đang đẩy mạnh xây dựng kho dữ liệu dùng chung giữa các sở, ngành, địa phương để người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần khi làm hồ sơ. Còn Chủ tịch UBND quận 6 Lê Thị Thanh Thảo thông tin, từ tháng 2-2021 đến nay, quận đã vận hành hệ thống tiếp nhận và trả hồ sơ tự động 24/7, nhận được 124/124 lượt đánh giá hài lòng…

Về vấn đề này, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 đứng trong nhóm 5 địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số PCI. Phấn đấu đến năm 2025 đưa thành phố trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực về thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Đồng hành giúp doanh nghiệp phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.