(HNM) - Là đầu tàu kinh tế với nhiều hoạt động thương mại, giải trí sôi động nhất cả nước, nhưng thực tế thời gian qua cho thấy kinh tế về đêm tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn trầm lắng. Để thành phố trở thành nơi đáng sống, đáng đầu tư kinh doanh như mong muốn của chính quyền và người dân thì việc sớm "đánh thức" tiềm năng trên là cần thiết. Khi thành phố "sáng đèn" vào ban đêm sẽ không chỉ níu chân du khách ở lại lâu hơn mà còn góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của thành phố.
Hoạt động về đêm còn hạn chế
Hơn 22h, khu chợ đêm trên đường Phan Chu Trinh (quận 1) liền kề chợ Bến Thành đã thưa thớt khách mua sắm. Anh Bùi Văn Thanh (chủ một quầy bán quà lưu niệm) cho hay, 23h chợ đóng cửa nên phần lớn khách tham quan, mua sắm đã di chuyển đến khu Phố đi bộ Bùi Viện (quận 1) cách đó hơn 500m. Giao cắt với đường Phan Chu Trinh là đường Nguyễn An Ninh, nhiều du khách tranh thủ mua sắm vì khu chợ đêm tại đây cũng phải đóng cửa trước 0h. Chị Sina (bán khăn choàng trước số nhà 25, Nguyễn An Ninh) cho biết, khách du lịch vẫn có nhu cầu mua sắm rất khuya nhưng thời gian phục vụ lại bị hạn chế.
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại Phố đi bộ Bùi Viện lúc hơn 23h cho thấy, du khách đến vui chơi, giải trí đã bắt đầu đông dần. Anh Nguyễn Thành Tâm (quản lý một hệ thống cửa hàng ăn uống, giải khát) chia sẻ, khu phố này hoạt động xuyên đêm, đặc biệt càng về khuya khách đến càng đông. Trong đó, đa phần là khách du lịch vì nơi đây được xem là khu “phố Tây”. Cũng theo anh Tâm, nguồn thu của cửa hàng chủ yếu vào buổi tối vì khách đông hơn ban ngày. “Từ khi Phố đi bộ Bùi Viện hoạt động, đã mở ra cơ hội kinh doanh rất lớn cho hệ thống cửa hàng của tôi, cũng như nhiều cửa hàng khác”, anh Tâm thông tin thêm.
Tuy nhiên, ngoài Phố đi bộ Bùi Viện, hiện hoạt động kinh doanh về đêm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh còn hạn chế. Ở quận 4, nơi cũng có khá đông khách du lịch, mới đây chính quyền quận cũng đã thí điểm hoạt động Phố ẩm thực Vĩnh Khánh (đường Vĩnh Khánh, quận 4). Tuy nhiên, càng về khuya, khu phố này trở nên trầm lắng do có ít hoạt động vui chơi, giải trí xung quanh để níu chân du khách.
Tại các quận trung tâm đông đúc khác, số lượng quán cà phê, cửa hàng tiện lợi, quán ăn… mở cửa 24/24 giờ không nhiều. Thực tế cho thấy, thành phố có một lượng không nhỏ người lao động làm việc ca đêm tại các doanh nghiệp; công nhân xây dựng làm việc xuyên đêm tại các dự án xây dựng nhà ở, công trình giao thông hay khách du lịch đi chơi muộn... đều ít có sự lựa chọn cho nhu cầu ăn uống vì không có nhiều hàng quán ẩm thực bán ban đêm. "Đến thành phố Hồ Chí Minh, đi thăm Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện, di tích Củ Chi... chỉ mất 1 ngày. Buổi tối, hoặc ra phố đi bộ Nguyễn Huệ đến 21h, hoặc ra Bùi Viện gặp gỡ bạn bè rồi về đi ngủ", anh Hoàng Tiến Trung, 35 tuổi, du khách đến từ Bắc Ninh nhận xét.
Để thành phố luôn “sáng đèn” về đêm
Nếu như Phố đi bộ Bùi Viện đã được khẳng định là một “sản phẩm du lịch” của thành phố Hồ Chí Minh thì Phố ẩm thực Vĩnh Khánh vẫn còn khá mới mẻ với nhiều du khách. Ông Trần Hoàng Quân, Chủ tịch UBND quận 4 cho biết, sắp tới quận sẽ tiếp tục thực hiện các hạng mục công trình xây dựng tạo điểm nhấn, tạo thêm không gian ăn uống, giải trí để Phố ẩm thực Vĩnh Khánh thu hút nhiều khách du lịch hơn, phấn đấu trở thành một “sản phẩm du lịch” của quận và của thành phố.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có lượng khách du lịch đông nhất cả nước. Chính vì vậy, kinh tế ban đêm tại thành phố rất tiềm năng, nhưng chưa được đánh thức. PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để đánh thức tiềm năng này trước tiên thành phố phải có cơ chế cho phép nới lỏng khung thời gian cho hoạt động thương mại, kinh doanh, giải trí… Khi đã nới lỏng khung thời gian, thì các hoạt động về đêm tự động diễn ra theo quy luật “cung - cầu”. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, vai trò của kinh tế ban đêm rất quan trọng, ngoài tăng nguồn thu trực tiếp cho ngân sách nhà nước thông qua thuế, kinh tế ban đêm còn cho thấy thành phố đó có tiềm năng để đầu tư hay không. “Một thành phố có kinh tế ban đêm sôi động cũng là lợi thế để thu hút các nhà đầu tư”, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo khẳng định.
Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Vietravel cho rằng: Hiện chúng ta đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trong khung giờ từ 7h đến 17h hằng ngày, nhưng những sản phẩm du lịch này chỉ mang lại 30% doanh thu. “Không có sản phẩm ban đêm thì khó có thể giữ chân được du khách, không tạo thêm nguồn thu cho người dân địa phương cũng như đóng góp ngân sách cho Nhà nước", ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố cần bắt nhịp với xu hướng đẩy mạnh các hoạt động kinh tế về đêm. Tuy nhiên, xây dựng kinh tế ban đêm phải có lộ trình, nhất là phải bảo đảm an ninh trật tự. Trước mắt, UBND thành phố yêu cầu Sở Giao thông - Vận tải nghiên cứu, đề xuất xây dựng đề án kinh tế đêm, hạn chế vận tải hàng hóa vào ban ngày và chuyển dần việc giao nhận sang ban đêm. Việc này giúp giảm ùn tắc, ô nhiễm, đồng thời tạo cuộc sống tốt hơn cho người dân. Các khung giờ trong ngày cũng bắt đầu được tận dụng hợp lý cho các hoạt động kinh tế, xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.