Hà Nội kết nối

Thành phố Hồ Chí Minh: Cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị cho năm học

Thanh Tàu - Vân Sơn 26/08/2023 - 17:43

Công tác chuẩn bị cho năm học tại thành phố Hồ Chí Minh cơ bản đã hoàn tất, tuy nhiên, vẫn còn gặp một số khó khăn về cơ sở vật chất, tuyển dụng giáo viên và sách giáo khoa. Đó là thông tin được chia sẻ tại Chương trình Đối thoại cùng chính quyền thành phố, tháng 8-2023 với chủ đề thành phố Hồ Chí Minh chào đón năm học mới diễn ra ngày 26-8.

Xây dựng trường lớp vẫn còn khó khăn

45900.jpg
Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thúy Hằng

Tại buổi đối thoại, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hồ Chí Minh Trần Hải Yến cho biết, năm học 2022-2023, đội ngũ cán bộ, giáo viên và gần 2 triệu học sinh thành phố đã cơ bản hoàn thành kế hoạch năm học, đẩy mạnh công tác giảng dạy ngoại khóa, kỹ năng sống, trải nghiệm sáng tạo… Tuy nhiên, toàn ngành vẫn còn nhiều khó khăn như hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, còn thiếu giáo viên ở một số bộ môn như âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh... gây khó khăn cho các trường học.

Tương tự, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoài Nam cho biết, hằng năm, ngành đối mặt với nhiều khó khăn như số lượng học sinh tăng cơ học cao gây áp lực đối với việc bảo đảm đủ chỗ học, sĩ số học sinh/lớp cao hơn quy định ảnh hưởng chất lượng triển khai chương trình mới, như tại thành phố Thủ Đức, các quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn. Riêng năm học 2022-2023, toàn thành phố đưa vào sử dụng 51 dự án với 874 phòng học mới, tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng những vẫn chưa đáp ứng kịp.

35478.jpg
Ngành Giáo dục và Đào tạo quận 11, thành phố Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng phòng học mới, năm học 2023-2024. Ảnh: Thúy Hằng

Theo ông Lê Hoài Nam, để giải bài toán trường lớp trong thời gian tới, hiện thành phố đã có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp trong giai đoạn 2023-2025, đáp ứng với số lượng học sinh tăng từ 20.000-40.000 mỗi năm trên địa bàn và bảo đảm mục tiêu đổi mới giáo dục.

Cụ thể, trong toàn giai đoạn từ 2023-2025, đặt mục tiêu hoàn thành xây mới 3.115 phòng học, với tổng số 154 trường học, tăng thêm 2.152 phòng học so với thời điểm hiện tại. Các trường học mới đều được xây dựng từ nguồn ngân sách tập trung thành phố. Bên cạnh đó, sẽ có thêm 1.500 phòng học xây mới theo hình thức xã hội hóa được hoàn thiện trong giai đoạn này, nâng tổng số phòng học tăng thêm trong cả giai đoạn là 3.537 phòng.

2355.jpg
Học sinh vui mừng có phòng học mới năm học 2023-2024.

Riêng năm học 2023-2024, sẽ đưa vào sử dụng 36 trường học với tổng số phòng học xây mới là 512 phòng, tăng thêm 367 phòng. Các trường học mới được đưa vào sử dụng trong năm học mới tập trung ở các quận 5, 10, Bình Thạnh, huyện Hóc Môn và thành phố Thủ Đức… Năm học 2024-2025, sẽ hoàn thành 71 trường học mới, với 1.469 phòng học xây mới; năm học 2025-2026, tiếp tục hoàn thiện 47 trường học mới, đưa vào sử dụng 1.134 phòng học mới, tăng thêm 772 phòng so với năm học 2024-2025.

235388.jpg
Năm học 2023-2024, thành phố Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng nhiều phòng học mới, khang trang, sạch đẹp.

“Số trường học được xây mới với 4.500 phòng học tăng thêm đến năm 2025 sẽ bảo đảm được nhu cầu học tập của học sinh, đặc biệt ở các địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh… Đồng thời, đây cũng là nỗ lực để thành phố giữ vững chất lượng giáo dục đào tạo, tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày, giảm sĩ số học sinh/lớp, tạo điều kiện thuận lợi để thầy cô thực hiện đổi mới giáo dục…”, ông Lê Hoài Nam nhận định.

Bảo đảm học sinh có đủ sách giáo khoa năm học mới

246377.jpg
Học sinh tìm mua các dụng cụ thiết bị và sách giáo khoa cho năm học mới.

Tại buổi đối thoại, nhiều phụ huynh đã đặt câu hỏi về việc khó tìm mua sách giáo khoa cho năm học mới trên địa bàn thành phố. Đơn cử, chị T.T.T (ngụ quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) có con năm nay vào lớp 4 phản ánh, chị đi khắp nơi tìm mua sách lớp 4 cho con nhưng đa phần nhà sách đều thông báo gần cuối tháng 8 mới có đủ sách… Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Lê Hoài Nam cho biết, Sở đã tham mưu UBND thành phố xin ý kiến HĐND thành phố duyệt chi ngân sách trang bị khoảng 100.000 đầu sách giáo khoa cho các trường phổ thông. Cụ thể, thành phố sẽ tổ chức đấu giá, sau đó đưa vào các thư viện trường học để dùng chung cho học sinh.

Trước đó, vào đầu tháng 7-2022, Sở này cũng có văn bản gửi các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện yêu cầu thực hiện nghiêm quy định sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó, cơ sở giáo dục được yêu cầu bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua sách giáo khoa cho thư viện trường, tổ chức cho học sinh mượn sách giáo khoa để học tập, vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục mượn và sử dụng…

245599.jpg
Sách giáo khoa được bán tại các nhà sách trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện Nhà Xuất bản Giáo dục tại thành phố Hồ Chí Minh thông tin, tính đến hiện tại, sách giáo khoa các lớp 5, 9, 12 (theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2000) đã hoàn thành in và nhập kho 100% kế hoạch, tương ứng 8,4 triệu bản. Còn sách giáo khoa các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 (theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018) đã hoàn thành in và nhập kho 100% kế hoạch, tương ứng 29,9 triệu bản; sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11 đã hoàn thành in và nhập kho 100% kế hoạch, tương ứng 19,6 triệu bản.

Để sách giáo khoa đến tay học sinh đầy đủ, kịp thời trước ngày khai giảng năm học mới, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành sách qua hệ thống các công ty sách - thiết bị trường học thành phố; hệ thống cửa hàng của Công ty cổ phần phát hành sách thành phố…. Đặc biệt, thành phố là địa bàn lớn, nhu cầu của phụ huynh, giáo viên và học sinh đối với sách giáo dục rất cao, vì vậy Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và các đơn vị thành viên đóng tại địa bàn thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để có đủ sách phục vụ cho học sinh trước ngày khai giảng năm học mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị cho năm học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.