Chính trị

Cân nhắc việc giao Bộ Giáo dục - Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa

Thống Nhất 14/08/2023 17:48

Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị nên có nghị quyết riêng để thúc đẩy đổi mới giáo dục, giao cho Bộ chuẩn bị và trình Chính phủ, trình Quốc hội các phương án tăng cường các điều kiện bảo đảm cho đổi mới giáo dục, đặc biệt là có đủ giáo viên, giáo viên có thu nhập đủ để sống bằng nghề.

ubtvqh8(1).jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Tại phiên giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông diễn ra chiều 14-8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có những kiến nghị quan trọng nhằm thực hiện thành công đổi mới giáo dục.

Sách giáo khoa là học liệu hỗ trợ giáo viên

Liên quan đến ý kiến của Đoàn giám sát nêu trong nhóm giải pháp về nâng cao năng lực hiệu quả, hiệu quả quản lý nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông về việc “nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước”… Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thẳng thắn đề nghị Đoàn giám sát và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc bỏ điều này khỏi nội dung Nghị quyết.

Lý giải điều này, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, dường như đang có những quan điểm khác nhau về bản chất và vai trò của sách giáo khoa trong hoạt động dạy và học theo chương trình mới. Nhà nước (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh; còn sách giáo khoa là học liệu, là công cụ hỗ trợ giáo viên chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học. Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ sách giáo khoa - tức một bộ học liệu của Nhà nước hay không? Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu vấn đề.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nỗ lực hướng dẫn, yêu cầu giáo viên thay đổi quan niệm về sách giáo khoa, thay đổi cách mà giáo viên sử dụng sách giáo khoa và coi đó là trọng tâm của đổi mới phương pháp dạy học. Vì vậy, giải pháp trên không chỉ ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa trong việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa, mà còn có thể tác động tới tinh thần đổi mới mà toàn ngành đang hướng tới về mặt phương pháp.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng thẳng thắn bày tỏ, nếu lo lắng về an toàn an ninh sách giáo khoa thì điều này cũng không thành vấn đề, vì Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam - doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm bản quyền 2 bộ sách giáo khoa. Sách giáo khoa cho các lớp 5, 9 và 12 là những bộ sách cuối cùng cũng đã soạn xong và đang thẩm định… Giải pháp này còn khác với nội dung Nghị quyết số 122/2020/QH14 năm 2020 của Quốc hội về việc cho phép Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ tổ chức biên soạn khi không có tổ chức và cá nhân nào biên soạn. Hiện nay, tất cả các môn học còn lại đều đã có một số sách được các tập thể và cá nhân biên soạn, vì vậy việc tổ chức chuẩn bị nội dung một bộ sách không giải quyết được mấy vấn đề.

Cần tăng cường các điều kiện bảo đảm cho đổi mới giáo dục

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đạt được những kết quả quan trọng, chứng tỏ chủ trương là đúng, đường đi là đúng, cách làm đang đúng. Những khó khăn, vướng vấp ban đầu là khó tránh khỏi, nhưng đang được khắc phục và cải thiện. Vấn đề lớn lúc này là tiến hành đổi mới theo chiều sâu, đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá, gia tăng chất lượng của đổi mới, tăng cường các điều kiện cho đổi mới thành công, cố gắng ổn định chính sách cho tới hết chu kỳ đổi mới. Sau năm 2025, khi có những sản phẩm “đầu ra” của chương trình mới rồi tính tới những điều chỉnh chính sách lớn, nếu có.

Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị, nên có nghị quyết riêng để thúc đẩy đổi mới giáo dục, giao cho Bộ chuẩn bị và trình Chính phủ, trình Quốc hội các phương án tăng cường các điều kiện bảo đảm cho đổi mới giáo dục, đặc biệt là có đủ giáo viên, thu nhập đủ để giáo viên thực sự sống bằng nghề, thấy được động viên và tiếp tục phấn đấu đổi mới và tự đổi mới, hết lòng vì học trò, gánh vác tốt và yên tâm với công việc.

“Nhân tố quyết định thành công đổi mới là yếu tố con người, là thầy cô giáo. Bên cạnh đó, cũng cần đủ trường lớp, trường lớp được kiên cố, khang trang, đủ nhà công vụ cho giáo viên vùng xa, đủ nhà vệ sinh cho trường học, đủ trang thiết bị cho giáo dục, đủ đầu tư tài chính cho các hoạt động… Nếu không có những cái tối thiểu đó thì ngành Giáo dục, các nhà giáo có nỗ lực mấy cũng khó đạt được các kỳ vọng và mục tiêu lớn”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn bày tỏ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cân nhắc việc giao Bộ Giáo dục - Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.