(HNMO) - Kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1-5 năm nay đúng thời điểm, dịch bệnh Covid-19 ở nước ta cơ bản được đẩy lùi, các hoạt động chăm lo đời sống của công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn càng trở nên ý nghĩa. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có lực lượng lao động đông đảo nhất cả nước nên công tác này được các cấp chính quyền, công đoàn đặc biệt quan tâm, huy động nhiều nguồn lực để thực hiện hiệu quả.
Chính quyền, công đoàn chăm lo
Với việc bổ sung dự toán năm 2020 cho UBND 23 quận, huyện với số tiền hơn 332 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương ngân sách thành phố Hồ Chí Minh, thành phố sẽ chi tổng cộng hơn 628 tỷ đồng cho các đối tượng, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chăm lo cho công nhân, người lao động là chủ trương quan trọng của thành phố nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Công tác này ưu tiên các đối tượng như nữ đoàn viên công đoàn mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, giáo viên ở các nghiệp đoàn trường mầm non, đoàn viên công đoàn bị giảm thu nhập, mắc bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo…
Ngoài ra, trong dịp này, Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chăm lo cho khoảng 705 công nhân bị tai nạn lao động có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên đang hưởng chế độ chính sách tại thành phố. Cụ thể, công nhân có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 50% sẽ nhận được mức hỗ trợ 500.000 đồng/người; công nhân có tỷ lệ thương tật từ 51% trở lên sẽ được nhận mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người.
Ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chương trình này thể hiện sự quan tâm của Công đoàn thành phố, qua đó động viên người lao động vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Nguồn kinh phí cho chương trình là từ nguồn tài chính công đoàn thành phố và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
“Với chương trình này, chúng tôi bảo đảm trao đúng đối tượng, đồng thời chọn ra 5 công nhân tiêu biểu có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống để tặng sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng”, ông Kiều Ngọc Vũ cho hay.
Liên đoàn lao động các quận, huyện của thành phố Hồ Chí Minh cũng có nhiều hoạt động chăm lo đời sống cho đoàn viên công đoàn, người lao động khó khăn.
Đơn cử, Liên đoàn Lao động quận Tân Bình tặng 424 phần quà hỗ trợ đoàn viên công đoàn, mỗi phần quà trị giá 1,2 triệu đồng. Trong khi đó, Liên đoàn Lao động quận 1 trao 97 phần quà cho những người bán vé số trên địa bàn 10 phường, mỗi phần quà trị giá 300.000 đồng...
Xã hội chung tay
Bên cạnh việc chăm lo cho công nhân, người lao động từ nguồn lực nhà nước, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã huy động hiệu quả các nguồn xã hội hóa.
Mới đây, Thành đoàn thành phố đã phối hợp với một doanh nghiệp trao 10.000 phần quà cho thanh niên công nhân khó khăn làm việc tại các khu chế xuất và công nghiệp trên địa bàn thành phố do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Là một trong số những công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung 1 (quận Thủ Đức) nhận được quà hỗ trợ, chị Bùi Thị Phương Huyền cho biết: "Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến năng suất công việc, làm giảm thu nhập. Vì vậy, khi nhận được phần quà, tôi rất mừng và cảm động trước sự quan tâm của các đơn vị”.
Trung tâm Công tác xã hội công đoàn (Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh) đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức “Phiên chợ 0 đồng” dành cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại phường 15, quận Tân Bình.
Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội công đoàn Nguyễn Mai Huy cho biết, đây là phiên chợ thứ 3 nhằm hỗ trợ cho nữ công nhân lao động, người lao động, hộ dân gặp khó khăn trên địa bàn có thêm lương thực, thực phẩm dự trữ trong các ngày nghỉ lễ để yên tâm phòng, chống dịch.
Theo kế hoạch, Trung tâm tổ chức 4 “Phiên chợ 0 đồng” cho hơn 800 công nhân, người lao động và người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng. Tại mỗi phiên chợ, ban tổ chức cung cấp các mặt hàng nhu yếu phẩm như: Gạo, trứng gà, rau sạch, xúc xích, nước tương, đường, muối, mì gói, cá hộp, khẩu trang… với mức giá 0 đồng.
Sự kết hợp hiệu quả giữa nguồn lực Nhà nước và các nguồn lực xã hội hoá đã góp phần không nhỏ giúp chăm lo tốt hơn đời sống của công nhân, người lao động gặp khó khăn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Tinh thần và cách làm này đã và đang tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, nhận được sự đồng lòng, chung tay đóng góp thiết thực của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.