(HNMO) - Thành phố Hồ Chí Minh xác định phát triển buýt cỡ nhỏ (mini) là cần thiết và cấp bách, bởi phần lớn các đường hẻm trên địa bàn nhỏ hẹp. Xe buýt mini sẽ giúp thu hút thêm nhiều người dân đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng, hạn chế sử dụng xe cá nhân…
Người dân trong hẻm khó tiếp cận xe buýt
Ông Thái Văn Hiển (ngụ 137/18 hẻm 549, phường 26, quận Bình Thạnh) khó khăn dắt chiếc xe máy qua dòng xe cộ đông đúc nườm nượp trong hẻm để về nhà. “Một đầu hẻm là tuyến đường đi sân bay Tân Sơn Nhất, đầu kia của hẻm là đường đi Bến xe Miền Đông nên rất đông. Tuy nhiên, hẻm nhỏ, xe buýt lớn không qua được, tôi và mọi người vẫn phải chạy xe máy đi các nơi”, ông Hiển nói.
Còn bà Hoàng Thị Mai (ngụ hẻm số 6, phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức) cho hay: “Tuyến đường hẻm không có xe buýt chạy qua do bề rộng chỉ khoảng 6m. Khi muốn đi xe buýt ở tuyến chính, tôi phải gọi xe ôm công nghệ hoặc nhờ con cháu đưa ra bến, rất bất tiện”.
Theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, mạng lưới đường bộ tại thành phố có hơn 4.900 tuyến đường, trong đó, gần 3.500 tuyến đường có bề rộng lòng đường nhỏ hơn 7m, tương đương hơn 55% tuyến đường có bề rộng không đủ để tổ chức hoạt động xe buýt cỡ lớn. Cũng theo khảo sát, khoảng hơn 80% người dân thành phố sống trong các con hẻm.
“Thực tế, thành phố chỉ có khoảng 14% số đường có mặt đường rộng trên 12m để tổ chức vận chuyển hành khách bằng xe buýt được thuận lợi. Như vậy, thành phố đang bị lãng phí lượng hành khách lớn tập trung trong các con hẻm, khiến khối lượng xe buýt sụt giảm hằng năm”, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (thuộc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh) Đỗ Ngọc Hải nêu.
Đã đến lúc phát triển xe buýt mini
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Võ Khánh Hưng, thành phố hiện có 2.322 xe buýt, phân bố trên 137 tuyến, đa số là loại xe buýt cỡ lớn với sức chứa 41-60 hành khách, chỉ chạy ở đường rộng từ 10m trở lên.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông (Trường đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh) nhận định: "Nghịch lý phát triển xe buýt hiện nay tại thành phố là xe buýt cỡ lớn đang phải chạy rỗng rất nhiều do không tiếp cận được các tuyến hẻm, trong khi phần lớn người dân sống trong các con hẻm có nhu cầu đi xe buýt lại khó tiếp cận loại hình vận tải công cộng này".
Để khắc phục vấn đề này, thành phố Hồ Chí Minh dự kiến triển khai xe buýt nhỏ chạy trong đường hẹp. Đã ít nhất ba lần, UBND thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép thành phố triển khai xe buýt nhỏ từ 12-17 chỗ hoạt động trong các khu dân cư đông đúc và các tuyến đường nhỏ, để gom khách ra đường lớn, lên các tuyến xe buýt chính, nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Hiện, chỉ có những xe 16 chỗ đưa đón học sinh là được hoạt động.
Lý do không chấp thuận mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra là đề xuất trên không phù hợp với Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 của Chính phủ. Theo đó, phương tiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt phải có sức chứa từ 17 chỗ ngồi trở lên.
Mới đây nhất, UBND thành phố Hồ Chí Minh gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Chính phủ xem xét, cho phép thành phố được thí điểm triển khai xe buýt nhỏ chạy trong các tuyến gom. Cụ thể, giai đoạn từ năm 2021-2022, thành phố dự kiến mở mới 20 tuyến xe buýt sử dụng phương tiện nhỏ kết nối dọc tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), 10 tuyến xe buýt kết nối với tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 (Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) và một số tuyến xe buýt kết nối với các khu đô thị mới.
Cuối tháng 3-2021, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản yêu cầu UBND thành phố có đánh giá chi tiết về vấn đề này. Bộ đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải đánh giá hiệu quả các tuyến xe buýt hiện có, lộ trình các tuyến xe buýt đề xuất thí điểm sử dụng xe ô tô có sức chứa từ 12-17..., lập thành đề án, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thí điểm.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Võ Khánh Hưng, thành phố sẽ thực hiện các yêu cầu này để sớm có hệ thống xe buýt nhỏ gom khách ra những tuyến chính và nhất là kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên sắp đi vào hoạt động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.