Giao thông

Nâng cao hiệu quả của xe buýt mini

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Công 03/09/2023 - 07:11

Để thích ứng với đặc điểm giao thông đô thị Hà Nội có nhiều đường, ngõ nhỏ hẹp, những năm gần đây, Thành phố Hà Nội đã mở nhiều tuyến xe buýt mini để tăng cường kết nối giao thông.

Tuy nhiên, hiệu quả của xe buýt mini chưa được như kỳ vọng vì một số yếu tố khách quan, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả của loại phương tiện này.

buyt-1.jpg
Xe buýt mini chưa đạt được lượng hành khách như kỳ vọng nhưng vẫn sẽ là giải pháp quan trọng của giao thông kết nối.

Phù hợp với đô thị cổ

Là một đô thị cổ, Hà Nội có hệ thống đường ngõ ngách nhỏ hẹp nằm xen lẫn khu dân cư được hình thành từ lâu, khiến những loại xe buýt cỡ lớn không thể tiếp cận gần.

Từ thực tế trên, nhiều năm qua, Thành phố đã nỗ lực nghiên cứu và mở thêm những chuyến buýt mini có công suất vận tải nhỏ (khoảng 20 - 30 hành khách) nhưng có thể đi vào các khu phố nhỏ, không gây ùn tắc giao thông và đảm bảo đúng giờ.

Đặc biệt, hiện nay, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã đi vào hoạt động và trong tương lai, một số tuyến đường sắt trên cao được đưa vào vận hành sẽ khiến vai trò kết nối của xe buýt mini ngày càng quan trọng. Với ưu điểm là tính cơ động cao, xe buýt mini sẽ là chất xúc tác quan trọng để phát triển hệ thống xe buýt lớn và hệ thống đường sắt trên cao.

Ngoài ra, việc vận hành xe buýt mini còn nhằm tránh lãng phí. Bởi trên tuyến đường của xe buýt mini, lượng hành khách không quá cao, việc sử dụng xe buýt cỡ nhỏ là phù hợp, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư xe và xăng dầu.

Xe buýt mini hiện không chỉ hoạt động ở khu vực nội thành Hà Nội, mà còn được triển khai ở khu vực ngoại thành, kết nối các điểm du lịch, trung tâm các huyện ngoại thành như các tuyến 123 bến xe Yên Nghĩa - Hồng Dương (Thanh Oai); tuyến xe 124 bến xe Yên Nghĩa - Chúc Sơn - thị trấn Kim Bài; tuyến xe 125 bến xe Thường Tín - Tế Tiêu... Các tuyến buýt mini ngoại thành có lưu lượng khách ở mức trung bình, lộ trình qua những tuyến đường liên huyện, xã, đường đê..., hứa hẹn mang lại hiệu quả cao trong việc kết nối giữa nội thành và ngoại thành.

Trên thế giới, hệ thống xe buýt mini đã được đưa vào khai thác từ lâu. Tại quốc đảo Singapore, người ta đã xây dựng 28 trạm buýt mini trung chuyển với trên 4.500 điểm đỗ, đưa xe buýt trở thành xương sống trong giao thông của đất nước này. Thái Lan, đất nước có hệ thống giao thông khá giống với nước ta, cũng đã xây dựng được hệ thống xe trung chuyển buýt mini. Xe buýt mini của Thái Lan có hình dáng như một xe bán tải, sức chứa từ 10 - 15 hành khách, có thể di chuyển dễ dàng trên các con phố nhỏ, đảm bảo giờ giấc chính xác.

Ông Bùi Danh Liên, chuyên gia giao thông nhận định, đường sá hiện nay ở các đô thị khá chật hẹp trong khi lượng phương tiện cá nhân vẫn đang gia tăng, khiến cho xe buýt cỡ lớn gặp nhiều khó khăn khi lưu thông. Việc phát triển các tuyến xe buýt cỡ nhỏ sẽ góp phần giảm áp lực giao thông, tăng kết nối giao thông với tuyến đường sắt đô thị.

Mắt xích quan trọng trong mạng lưới giao thông đô thị

Được biết, khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư mở tuyến xe buýt mini để tăng cường kết nối với tuyến metro cho dù hiệu quả về doanh thu có thể chưa hấp dẫn bằng một số tuyến buýt lớn, vận hành trên trục giao thông đông đúc.

buyt-2.jpg
Xe buýt mini 146 đi vào hoạt động giúp tăng cường kết nối giao thông với tuyến đường sắt đô thị.

Cụ thể như ngày 1-7-2022, Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội đã mở tuyến buýt số 146 (Hào Nam - Khu liên cơ Võ Chí Công - Hào Nam) bằng loại xe buýt cỡ nhỏ, chỉ 22 chỗ. Mục đích của tuyến buýt mini 146 là đưa hành khách kết nối với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và đi qua một số điểm du lịch, khu vui chơi nổi bật của Thủ đô. Kết quả, chỉ sau một thời gian ngắn, tuyến buýt 146 đã thu hút khá nhiều hành khách và được đánh giá là có lộ trình phù hợp, phát huy hiệu quả của xe buýt mini.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải giao thông công cộng Hà Nội, đánh giá: “Dù đô thị phát triển đến đâu thì xe buýt vẫn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông công cộng. Đặc biệt, khi các tuyến metro đi vào vận hành thành mạng lưới thì vai trò của xe buýt mini tăng đáng kể, giúp người dân tiếp cận được tối đa dịch vụ xe buýt. Với đặc thù giao thông Thủ đô có nhiều đường nhỏ, phố hẹp, dân cư phân bố mọi nơi thì vai trò của xe buýt mini càng quan trọng, giúp thu hẹp khoảng cách tiếp cận xe buýt đối với người dân. Mini buýt sẽ là phương án hiệu quả cho giao thông kết nối của Hà Nội”.

Trên thực tế, mạng lưới xe buýt Thủ đô đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã; ở một số huyện ngoại thành, hầu hết các xã đều có xe buýt chạy qua. Hệ thống vận tải công cộng bằng xe buýt còn giúp kết nối giao thông với các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nam, Bắc Ninh... Trong tương lai, xe buýt vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong vận tải hành khách công cộng tại Thủ đô.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Hệ thống xe buýt mini ra đời phần nào giải được bài toán tiếp cận xe buýt của người dân. Tuy nhiên, dù xe buýt mini có kích thước nhỏ, có thể len lỏi vào các phố hẹp nhưng chỉ trong điều kiện con phố đó không bị chiếm dụng lòng lề đường, không có họp chợ cóc, nhà chờ xe buýt không bị chiếm dụng. Đã có không ít lần xe buýt mini bị “chết cứng” ở các khu chợ cóc hoặc những khu phố có nhiều xe ô tô con đỗ dưới lòng đường.

Trước thực trạng này, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 34/2022/QĐ-UBND, ngày 10-10-2022, về tổ chức, quản lý khai thác hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, trong đó nêu rõ vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành trong bảo vệ hạ tầng giao thông. Trong đó, vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng, nhất là trong việc bảo vệ nhà chờ, điểm dừng xe buýt, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm lòng đường, đỗ xe cũng như họp chợ trái quy định, lấn chiếm hành lang giao thông. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành và người dân trong việc bảo vệ hạ tầng giao thông còn khá lỏng lẻo.

Bên cạnh đó, lượng khách của một số tuyến xe buýt mini chưa được như kỳ vọng, chủ yếu là người cao tuổi, phụ nữ nội trợ mà chưa thu hút được giới trẻ, đội ngũ nhân viên công sở, văn phòng. Nguyên nhân một phần vì lộ trình một số tuyến chưa phù hợp, đường đi lòng vòng cũng như thông tin kết nối với các tuyến buýt lớn, tàu điện trên cao chưa được phổ biến rộng rãi.

Chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy nhận định: “Việc triển khai xe buýt mini cần phải nghiên cứu kỹ lộ trình và phải đảm bảo giờ giấc chính xác. Hiện nay, xe buýt mini vẫn chưa thu hút được nhiều hành khách như mong đợi, hành khách chủ yếu là người đã về hưu, khách vãng lai. Để xe buýt mini phát huy hiệu quả, cần niêm yết giờ xuất bến tại các điểm dừng, phổ biến thông tin lộ trình rộng rãi và đảm bảo hành lang giao thông khi đi vào các con phố hẹp, nếu để tắc đường, chậm giờ thì xe buýt mini sẽ không phát huy được hiệu quả”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả của xe buýt mini

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.