Năm học 2024-2025, thành phố Hồ Chí Minh có hơn 1,7 triệu học sinh phổ thông, tăng khoảng 24.100 em. Thành phố đã và đang nỗ lực làm tốt việc tuyển sinh đầu cấp và xây dựng thêm nhiều phòng học mới, bảo đảm mọi học sinh đều được đến trường.
Học sinh nào cũng có chỗ học
Những ngày này, chị Vương Phương Trinh ngụ tại hẻm 60/68 đường Lâm Văn Bền, phường Tân Kiểng, quận 7 đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để con đầu lòng được nhập học lớp 6 trường THCS Nguyễn Hữu Thọ. “Tôi mới chuyển từ Vĩnh Long đến trọ ở đây để đi làm trong Khu Chế xuất Tân Thuận gần nhà và rất vui khi biết con được tạo điều kiện nhập học trường ngay bên đường”.
Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ còn đang tuyển bổ sung học sinh lớp 6 có tham dự kỳ khảo sát đánh giá năng lực để đủ chỉ tiêu 500 em cho 12 lớp 6, không phân biệt trẻ thường trú hay tạm trú. Theo đại diện Phòng Giáo dục quận 7, đây là năm đầu tiên quận và trường tổ chức kỳ khảo sát này.
Là một trong những quận đông dân, chịu sức ép lớn về tăng số học sinh, quận Bình Tân cũng đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu mọi trẻ đều có chỗ học. Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân Nguyễn Văn Tuyên cho biết, năm học 2024-2025, quận có khoảng 124.237 em học sinh, tăng 3.455 em so với năm học trước. Số học sinh vào lớp 1 là gần 10.200 em.
“Quận đã lên kế hoạch phân bổ các em vào các trường trên địa bàn, bảo đảm mọi em đều được đi học. Quận sẽ ưu tiên bố trí phòng học dành cho học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018”, ông Nguyễn Văn Tuyên nói.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thành phố Hồ Chí Minh, đây là nỗ lực của thành phố, bởi sức ép tăng học sinh rất lớn. Theo tính toán, năm học 2024-2025, số học sinh của thành phố sẽ tăng thêm khoảng 24.100 em.
Tăng cao nhất trong số này là ở bậc THPT với 16.999 em, bậc THCS 7.022 em, bậc mầm non tăng 6.262 em. Dự kiến tổng số học sinh các bậc học tại thành phố Hồ Chí Minh năm học 2024-2025 là hơn 1,7 triệu em. Trong số này, học sinh không có hộ khẩu thường trú tại thành phố chiếm khoảng 20%. Từ ngày 15-7, các trường toàn thành phố đang tuyển sinh bổ sung học sinh đầu cấp đợt 2.
Nỗ lực tăng số trường, lớp
Theo Sở GD-ĐT thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đã và đang nỗ lực tăng số trường lớp để 100% các em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học.
Điển hình như quận Bình Tân chỉ đáp ứng được 40% số học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, thấp thứ 2 thành phố. Ngay trước thềm năm học 2024-2025, quận đưa vào sử dụng 7 trường công lập mới ở các cấp với hơn 204 phòng học.
Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhật thông tin, để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, có 100% số học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, quận đã đề xuất thành phố xem xét chuyển đổi, giao địa phương 59 khu đất công của các tập đoàn, tổng công ty sử dụng không hiệu quả… để xây trường học.
Đáng chú ý, khu đất hơn 40ha tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa cũ vốn dự kiến xây nhà cao tầng, nay đang được xem xét để xây 2 trường học với 71 phòng học, hoàn thành trong năm 2025.
Một địa phương khác có số học sinh tăng nhanh là quận Tân Bình cũng có thêm nhiều trường mới. Theo ông Phan Văn Quang, Trưởng phòng GD-ĐT, quận đang triển khai tuyển sinh đầu cấp cho 3 trường công lập mới tại khu đất rộng hơn 50.000 m2, tổng vốn đầu tư hơn 1.156 tỷ đồng ở phường 6.
Đó là Trường Mầm non Sơn Ca, Trường Tiểu học Hùng Vương và Trường THCS Mạc Đĩnh Chi. Trước mắt, các em học sinh sẽ được bố trí các điểm học tạm, chờ chuyển vào trường mới dịp 30-4-2025.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu, dịp khai giảng năm học mới 2024-2025, thành phố sẽ đưa vào sử dụng 18 dự án với 413 phòng học mới, tổng mức đầu tư hơn 1.970 tỷ đồng. Tiếp đó, đến tháng 12-2024, thành phố sẽ đưa vào sử dụng 5 dự án trường học với 63 phòng học mới, với tổng mức đầu tư hơn 267 tỷ đồng.
Dự kiến thành phố sẽ đạt tỷ lệ 296 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi) vào cuối năm 2024 và hướng đến mục tiêu 300 phòng học năm 2025.
Để tiếp tục tăng số trường, lớp thời gian tới trong bối cảnh quỹ đất dành cho trường học không còn nhiều, Sở đã tham mưu với UBND thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ GD-ĐT điều chỉnh Thông tư 13, cho phép thành phố được tính trên diện tích sàn xây dựng/học sinh trong khu vực đô thị không có quỹ đất, không phải tính diện tích đất/học sinh như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.