(HNNN) - Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Để phong trào đạt được hiệu quả cao, cần có sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội, trong đó thanh niên giữ vị trí và vai trò quan trọng. Để làm rõ hơn vấn đề này, Hà Nội Ngày Nay đã có cuộc trò chuyện với anh Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam.
- Thưa anh, anh đánh giá thế nào về vai trò của thanh niên trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội?
- Phải khẳng định rằng, thanh niên Thủ đô có một vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng nếp sống văn hóa nơi cơ sở. Phát huy vai trò của tuổi trẻ, thanh niên Thủ đô đã và đang tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa bằng nhiều việc làm thiết thực và hiệu quả. Với Cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên thời đại mới”, các phong trào thi đua yêu nước, đội hình tự quản đảm bảo trật tự và văn minh đô thị (gọi tắt là Đội tự quản 3) cùng các mô hình như “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Đường hoa thanh niên, tranh tường bích họa”; mô hình “Nhà vệ sinh thân thiện”; hoạt động tuyên truyền thực hiện các quy tắc ứng xử của thành phố..., nhiều gương “người tốt, việc tốt”, hình mẫu thanh niên Thủ đô văn hóa, thanh lịch đã được xây dựng và lan tỏa, thể hiện vai trò của thanh niên trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
- Mang trong mình sức trẻ và lòng nhiệt tình nên quá trình tham gia vào công cuộc xây dựng đời sống văn hóa nơi cơ sở của thanh niên Hà Nội chắc hẳn gặp nhiều thuận lợi, thưa anh?
- Thanh niên có sức khỏe, trí tuệ, sự nhiệt tình, hăng hái và nhiều ước mơ, hoài bão xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp. Đó là những nhân tố quan trọng để họ tham gia hiệu quả vào công cuộc xây dựng đời sống văn hóa nơi cơ sở. Đời sống hôm nay có nhiều thay đổi, mức sống ngày càng cao hơn, thanh niên được thừa hưởng nền giáo dục tốt hơn nên nhận thức, tư duy của họ về văn hóa có những chuyển biến tích cực. Hơn nữa, trong thời đại hiện nay, việc tiếp cận với thông tin đa dạng qua internet trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết khiến thanh niên hội nhập sâu hơn, “chuyển đổi số” thuận lợi hơn và học hỏi từ thanh niên các nước bạn nhiều hơn. Đó là những thuận lợi rất lớn để thế hệ trẻ Thủ đô áp dụng những kiến thức, những mô hình mà mình học hỏi được vào công cuộc xây dựng đời sống mới hôm nay.
- Thế còn những trở ngại thì sao?
- Bên cạnh những tác động tích cực thì hiện nay, những luồng văn hóa ngoại lai đang xâm nhập vào đời sống xã hội, đã và đang tác động đến văn hóa truyền thống. Đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là thanh niên. Họ là những người trẻ tuổi, năng động và rất nhạy cảm trong việc tiếp nhận các loại hình văn hóa, vì thế thanh niên là đối tượng dễ tiếp thu văn hóa, từ đó dễ thay đổi nếp sống. Chưa kể, một bộ phận thanh niên hiện quá sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống tự do thái quá. Bên cạnh đó, cách nói năng, phong cách sinh hoạt, ăn mặc của một bộ phận thanh niên hiện nay cũng đang đi ngược lại với thuần phong, mỹ tục, không phù hợp với chuẩn mực và bản sắc văn hóa của dân tộc.
Chính vì thế, thanh niên Thủ đô cần phải có nhận thức sâu sắc, đúng đắn về vai trò của mình trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, từ đó tự hun đúc cho mình tinh thần học tập, rèn luyện đạo đức, tạo cho mình một lập trường, tư tưởng vững vàng, lối sống trong sạch, lành mạnh để ngày càng hoàn thiện bản thân, trở thành những công dân tiên phong sống có văn hóa, có lý tưởng.
- Các tổ chức đoàn, hội các cấp đã thể hiện vai trò thế nào trong việc tập hợp, thu hút thanh niên tham gia xây dựng đời sống văn hóa?
- Với vai trò, vị trí của mình, các cơ sở đoàn, hội đã giáo dục chính trị, tư tưởng, thắp sáng ước mơ và hoài bão, giáo dục động cơ đúng đắn cho thanh niên tham gia vào công cuộc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Các cơ sở đoàn, hội còn là diễn đàn để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, thanh niên, tạo môi trường văn hóa cho thanh niên rèn luyện, hoàn thiện lối sống, biết làm chủ bản thân, qua đó phát huy vai trò của tuổi trẻ trong việc xây dựng đời sống văn hóa.
Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn, hội còn tổ chức các phong trào thanh niên như phòng trào thanh niên xung kích, tình nguyện chung sức cùng cộng đồng; phong trào tuổi trẻ sáng tạo…, đặc biệt là cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cụ thể hóa bằng các hoạt động, phong trào gắn với thực tiễn đời sống của đoàn viên, thanh niên. Cùng với đó, trong những năm qua, những tổ chức đoàn tại các khu chung cư, doanh nghiệp ngoài nhà nước, các trường đại học đã được thành lập, góp phần tăng cường xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên, tuy nhiên, việc triển khai vẫn chưa được đồng bộ.
- Trong tương lai, Thành đoàn có những dự định gì để ngày càng thu hút nhiều hơn nữa đoàn viên, thanh niên tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở?
- Để thu hút nhiều hơn nữa đoàn viên, thanh niên tham gia vào công cuộc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, theo tôi, chúng ta cần đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt đoàn, sáng tạo nhiều mô hình mới, hiệu quả. Trong những năm qua, Thành đoàn vẫn duy trì hoạt động các đội hình, mô hình “Thanh niên tình nguyện” về hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông..., tiếp tục sử dụng mạng xã hội là kênh thông tin tuyên truyền chủ lực trong giới trẻ, xây dựng các ấn phẩm hiện đại phù hợp với thị hiếu hiện nay của nhân dân để nâng cao công tác tuyên truyền.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ tổ chức thi thiết kế các video clip, infographic, các cuộc thi trực tuyến để tuyên truyền về Quy tắc ứng xử. Cùng với đó, chúng tôi sẽ triển khai xây dựng công trình Nhà phân loại rác thân thiện và Đề án mã hóa dữ liệu “Địa chỉ đỏ” trên địa bàn thành phố Hà Nội để phục vụ công tác tuyên truyền giáo dục cho đoàn viên, thanh niên... Đó đều là những mô hình hiệu quả, mang ý nghĩa thiết thực, tác động trực tiếp đến ý thức, nếp sống của người dân. Chính nhờ những mô hình này mà ngày càng có nhiều thanh niên tình nguyện tham gia vào các tổ chức đoàn, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
- Trân trọng cảm ơn anh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.