(HNM) - Ngày 6-7, Hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ TP Hà Nội đã khai mạc dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy.
Trong ngày làm việc đầu tiên, hội nghị tập trung kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Đảng bộ TP Hà Nội khóa XIV; tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ 2006 - 2010. Đây là nhiệm kỳ có dấu ấn đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ TP Hà Nội. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, các lĩnh vực đều đạt kết quả khá toàn diện, khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy.
Tại hội nghị, sau khi nghe dự thảo báo cáo của BCH Đảng bộ TP, các đại biểu đã phát biểu làm rõ những thành tựu, đồng thời nêu lên những tồn tại cần tiếp tục khắc phục trong những năm tới.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Bá Hoạt |
Đoàn kết, tạo sự đồng thuận, đổi mới phương thức lãnh đạo
Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hoàng Thanh Vân cho rằng, đây là thành công lớn nhất của BCH, Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy trong nhiệm kỳ 2006-2010. Với một khối lượng lớn công việc sau thời điểm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, trong đó có nhiều việc rất lớn, đột xuất và chưa có tiền lệ, lại được tiến hành trong điều kiện có biến động lớn về tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ chủ chốt; rồi một khối lượng lớn công việc chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, TP phải vượt qua những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh… Trước những thách thức đó, BCH, BTV Thành ủy Hà Nội đã làm được 3 vấn đề lớn là tạo ra được nguồn lực về công tác cán bộ, về kinh tế và làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Đồng tình với nhận định này, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Lê Văn Hoạt khẳng định, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy rất tập trung, quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả. Điều này thể hiện ở việc Thành ủy đã lựa chọn đúng, trúng những vấn đề trọng tâm để chỉ đạo xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch công tác, có lộ trình, phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành, đề ra giải pháp tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực. Sự đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy còn được thể hiện ở việc đổi mới phong cách công tác, lề lối làm việc; gắn tăng cường đôn đốc, kiểm tra với sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm chỉ đạo thực hiện nghị quyết với tinh thần “chủ động, năng động, sáng tạo, kiên quyết, đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả”. Lắng nghe ý kiến nhân dân, Thành ủy đã điều chỉnh một số quyết định chưa phù hợp như dự án khách sạn trong Công viên Thống Nhất, Trung tâm Thương mại 19-12; mở rộng một số công viên xanh, cải tạo hồ nước…
Chánh Văn phòng Thành ủy Đào Đức Toàn cho biết, chế độ sinh hoạt của cấp ủy cũng được đổi mới, từ lựa chọn nội dung đến công tác điều hành. Trong 6 phiên họp của Thành ủy, 37 phiên họp của BTV Thành ủy (kể từ sau hợp nhất đến nay) đã tập trung bàn 93 nội dung (trong đó có 37 nội dung về công tác cán bộ, tổ chức; 19 nội dung về phát triển kinh tế…), ban hành 86 văn bản lớn lãnh đạo, chỉ đạo và nhiều cuộc họp đột xuất khác để giải quyết những vấn đề nổi cộm, phát sinh... cho thấy sự đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của cấp ủy.
Đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực
Xuyên suốt nhiệm kỳ 2006-2010, 5 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá đã được Thành ủy đặc biệt quan tâm chỉ đạo và đã thực sự tạo được bước đột phá.
Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Nguyễn Thị Ngọc Minh nhận xét, trong 2 khâu đột phá, công tác cán bộ đã thực sự tạo chuyển biến tích cực. Chính việc chủ động xây dựng phương án, kịp thời sắp xếp tổ chức, bộ máy, biên chế, bố trí trụ sở làm việc, quan tâm chế độ, chính sách với cán bộ, công chức đã bảo đảm cho các cơ quan trong hệ thống chính trị TP hoạt động thông suốt, nâng cao hiệu lực và hiệu quả. Từ việc luân chuyển 57 cán bộ lãnh đạo các sở, ngành để tăng cường 1 phó bí thư, 1 phó chủ tịch UBND cho các quận, huyện đến việc thực hiện đồng nhất chế độ cho cán bộ cơ sở, khu dân cư; đẩy mạnh luân chuyển cán bộ; quy hoạch gắn với đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ... đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Thành công của đại hội Đảng cấp cơ sở vừa qua về chất lượng, số lượng, cơ cấu, thành phần cấp ủy, BTV… là minh chứng rõ nhất về sự chuyển biến của công tác cán bộ. Sự đột phá đó đã tạo đòn bẩy để thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP.
Bí thư Quận ủy Long Biên Trần Văn Thanh nhận định, Đảng bộ TP đã lãnh đạo thành công việc chống suy giảm kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục khẳng định kinh tế Thủ đô là một trong những đầu tàu của nền kinh tế cả nước. Kinh tế Thủ đô đã duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, trung bình đạt 10,4%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng hướng Nghị quyết ĐH Đảng bộ TP lần thứ XIV đề ra. Tổng đầu tư xã hội, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh. Thu ngân sách luôn vượt kế hoạch và bảo đảm nhu cầu chi thường xuyên, chi cho đầu tư phát triển của TP. Bên cạnh đó, chương trình số 02 của Thành ủy về “Tạo bước chuyển mạnh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng giai đoạn 2006-2010” đang từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ. Với 75-80% TCCSĐ đạt trong sạch, vững mạnh; số đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 60-65% hằng năm, TP đã thực hiện vượt chỉ tiêu ĐH đề ra. Yếu tố quyết định của thành công này là nhờ tinh thần đoàn kết, nhất trí một lòng của cấp ủy các cấp.
Tuy nhiên, các đại biểu nhận xét, kinh tế - xã hội của TP phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; TP chưa khai thác hết lợi thế. Ngoài ra, kết quả lãnh đạo trên các lĩnh vực quy hoạch, quản lý theo quy hoạch còn yếu, công tác quản lý đất đai, cấp, duyệt các dự án đầu tư trước hợp nhất còn có biểu hiện buông lỏng. Đầu tư cho khu vực nông thôn thời gian qua chưa cân đối so với nội thành, tạo khoảng cách khá xa, công tác cải cách hành chính, trên có “thông” nhưng dưới vẫn “tắc”. Các quận, huyện có việc cần đề xuất, lãnh đạo các sở, ngành đều ủng hộ cao, quan tâm giúp đỡ. Nhưng khi đi vào giải quyết từng công việc cụ thể ở bộ phận chuyên môn của các sở, ngành thì bị ách tắc. Đây là khâu mắc nhất, dễ phát sinh phiền hà, tiêu cực. Để làm tốt công tác này, Thành ủy cần quan tâm khâu kiểm soát bộ máy hành chính và cần chỉ đạo quyết liệt hơn.
Trong chương trình làm việc hôm qua, đánh giá công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ 2006-2010, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Trần Trọng Dực cho biết, Thành ủy đã chỉ đạo Ủy ban kiểm tra các cấp tập trung kiểm tra đảng viên là cán bộ thuộc diện BTV Thành ủy quản lý khi có dấu hiệu vi phạm. Đây là bước đột phá so với nhiệm kỳ trước. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát… giúp Thành ủy chủ động đánh giá, bố trí nhân sự và xem xét kỷ luật nghiêm đối với cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng theo thẩm quyền. Hôm nay (7-7), hội nghị tiếp tục làm việc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.