Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thăng Long - vùng đất của giao thương quốc tế

Minh Nhật| 04/10/2010 07:01

(HNM) - Được bao quanh bởi hệ thống sông ngòi ngang dọc, thuận tiện cho việc đi lại, thành Thăng Long sau khi được Lý Công Uẩn chọn là Kinh đô của nước Đại Việt, không chỉ là trung tâm chính trị mà còn trở thành nơi hội tụ giao thương kinh tế của cả nước.

Từ thời kỳ này, vùng đất rồng bay đã giành được mối quan tâm đặc biệt của các thương nhân nước ngoài. Sử sách đã ghi nhận thuyền buôn các nước đã tới nước ta và theo dòng sông Hồng vào Kinh đô trao đổi hàng hóa.

Dưới thời Trần, việc thực thi chính sách đối ngoại thân thiện đã khiến Thăng Long mang bóng dáng của một đô thị sầm uất. Hàng hóa được đưa vào Kinh đô qua những dòng sông uốn lượn chằng chịt. Đã có cửa hàng buôn bán của người nước ngoài xen lẫn với những cửa hàng của người Việt và tạo nên một không gian kinh tế tiếp nhận những yếu tố bên ngoài cùng sự đa dạng về giao lưu văn hóa.

Tuy nhiên, sang thế kỷ 17, nền kinh tế hàng hóa mới thực sự bắt đầu phát triển mạnh mẽ tại Thăng Long tức Đông Kinh dưới thời Lê. Trong cuốn sách "Mô tả về Vương quốc Đông Kinh" của Samuel Baron (Anh) từng làm việc ở Công ty Đông Âu Vương quốc Anh tại Thăng Long từ 1692 đến 1697 xuất bản lần đầu năm 1732 đã so sánh Đông Kinh với một số thành phố lớn ở châu Âu và châu Á. Nhiều nhà buôn phương Tây đã không khỏi ngạc nhiên trước một kinh thành tấp nập trên bến dưới thuyền khiến họ liên tưởng tới thành Vensise thơ mộng của nước Ý. Giai đoạn này cũng mở đầu cho thời kỳ hoàng kim trong giao thương quốc tế và cũng từ đây cái tên Kẻ Chợ như một biểu tượng của sự phát triển thương mại ở Thăng Long đã được sử dụng để gọi thành Đông Kinh.

Đến thời Lê Trung Hưng, các chúa Trịnh thực thi chính sách mở cửa với nước ngoài. Ngoài những đối tác truyền thống từ phương Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, thời kỳ này đã có thêm các đối tác từ phương Tây như Pháp, Anh, Bồ Đào Nha, Hà Lan.

Theo một số tài liệu, năm 1637, Chúa Trịnh Tráng đã tiếp đại diện thuyền buôn Hà Lan. Các cuộc thương thuyết theo tinh thần cởi mở khiến người Hà Lan lập thương điếm đầu tiên tại Kẻ Chợ, bên bờ Nhị Hà - tên gọi sông Hồng thời đó - để thuận tiện cho việc buôn bán qua đường thủy vào năm Ất Dậu (1645). Trước đó, người Hà Lan cũng đã xây dựng một thương điếm tại Phố Hiến (Hưng Yên), một trung tâm buôn bán nổi tiếng của Đàng Ngoài với sự hiện diện của nhiều tàu buôn nước ngoài. Việc hợp tác với thương nhân Hà Lan, một quốc gia có nền thương mại hàng hải phát triển mạnh mẽ đã mang lại nhiều cơ hội mở rộng giao thương với các nước phương Tây tại "nơi đô thành bậc nhất". Một du khách nước ngoài khi đến đất Kẻ Chợ đã nhận xét: "Kinh thành nhộn nhịp nằm ngay bên bờ một con sông lớn. Việc buôn bán ở đây rất thuận tiện với hàng loạt thuyền bè thường xuyên đi lại trên sông và qua hệ thống kênh đào được nối liền với các con sông khác. Người ta có thể dễ dàng mang lại mọi thứ hàng hóa từ các trấn ngoài đến buôn bán ở Kinh thành".

Với lợi thế mà không vùng đất nào có được này, năm 1683, người Anh đã đến Thăng Long để thương lượng đặt thương điếm. Đây cũng là một dấu mốc quan trọng của quan hệ kinh tế với nước ngoài của triều đình Lê - Trịnh để tiếp sau đó, số lượng người Hoa, Nhật Bản, nhiều quốc gia trong khu vực và châu Âu tới làm ăn và sinh sống tăng nhanh chóng, đặt nền móng quan trọng cho một nền thương mại quốc tế sau này tại Thăng Long - Hà Nội.

Những biến cố đầy thăng trầm của lịch sử phong kiến Việt Nam đến thế kỷ XX cũng đã ảnh hưởng đến sự phát triển của bang giao kinh tế với nước ngoài. Song dưới triều đại nào, dù là kinh đô của một nước hay chỉ tạm là tỉnh Hà Nội dưới triều Nguyễn, Kẻ Chợ vẫn là vùng đất của giao thương trong nước và quốc tế, góp phần tạo nên một Thăng Long phồn hoa đầy dấu ấn lịch sử, trái tim của non sông nước Việt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thăng Long - vùng đất của giao thương quốc tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.