Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháng 1, doanh nghiệp thành lập mới tăng gần 22%

Theo Thúy Hiền/TTXVN| 02/02/2021 14:14

Tổng cục Thống kê vừa cho biết, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 1-2021 có nhiều khởi sắc khi doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước và tăng ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động.

Người dân đến làm thủ tục tại Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội). Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN

Theo đó, trong tháng 1-2021, cả nước có gần 10.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 155,1 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 115,9 nghìn lao động, tăng 21,9% về số doanh nghiệp, tăng 25,9% về vốn đăng ký và tăng 37,2% về số lao động so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ 1-1-2021, theo đó, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 01 năm 2021 về đăng ký doanh nghiệp với nhiều điểm đổi mới. Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2020/NĐ-CP ngày 15-10-2020 quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp với nhiều thủ tục khác.

"Việc Chính phủ ban hành một Nghị định về đăng ký doanh nghiệp ngay trong những ngày đầu năm đã mở ra những hy vọng khởi sắc cho hoạt động phát triển doanh nghiệp", ông Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 15,4 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 240 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 4.015 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1-2021 là 395 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, còn có 6.503 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 1-2021 lên 16.594 doanh nghiệp, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo khu vực kinh tế, tháng 1-2021 có 174 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước; 2.747 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 13,8%; có 7.170 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 25,5%.

Hầu hết các ngành hoạt động có số doanh nghiệp thành lập mới tăng là: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 3.366 doanh nghiệp, tăng 65,2% so với cùng kỳ năm 2020; công nghiệp chế biến, chế tạo 1.265 doanh nghiệp, tăng 4%; xây dựng 1.220 doanh nghiệp, tăng 14,6%; khoa học công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác 874 doanh nghiệp, tăng 5,8%; kinh doanh bất động sản 600 doanh nghiệp, tăng 33,3%; vận tải, kho bãi 459 doanh nghiệp, tăng 6,7%; sản xuất và phân phối điện, nước, gas 204 doanh nghiệp, tăng 102%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 81 doanh nghiệp, tăng 50%; khai khoáng 58 doanh nghiệp, tăng 87,1%.

Bốn ngành có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Dịch vụ lưu trú và ăn uống 396 doanh nghiệp, giảm 20,8%; thông tin và truyền thông 289 doanh nghiệp, giảm 10,5%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí 72 doanh nghiệp, giảm 15,3%.

Cũng trong tháng 1 năm nay có 25.752 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 18.055 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 54,3%; 2.095 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 29,2%, trong đó có 1.883 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, tăng 29,8%; 21 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 4,5%.

Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 795 nghìn doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo có 245 doanh nghiệp; xây dựng có 192 doanh nghiệp; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 105 doanh nghiệp; kinh doanh bất động sản có 100 doanh nghiệp…

Để nâng cao hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp, trong năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong việc điều hành hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để kích thích tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; theo dõi sát diễn biến, tình hình trong nước và quốc tế, kịp thời dự báo và chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp, đối sách ứng phó hiệu quả với những biến động, vấn đề mới phát sinh…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháng 1, doanh nghiệp thành lập mới tăng gần 22%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.