Thông tin trên được Tổng cục Thống kê cho biết ngày hôm nay (6-11) khi công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2024.
Theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) của cả nước tháng 10-2024 tăng 4% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 10 tháng năm 2024, IIP tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,5%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6%, đóng góp 8,3 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,3%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,5%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 7,2%, làm giảm 1,1 điểm phần trăm.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 59 địa phương và giảm ở 4 địa phương.
Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tính chung 10 tháng năm 2024, cả nước có hơn 202.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có hơn 20.200 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động.
Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 173.200 đơn vị, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có 17.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam trong 10 tháng (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả trên cho thấy, đà tăng trưởng về vốn mới đăng ký đang chậm lại rõ rệt. Trong khi đó, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 10 tháng năm 2024 đạt 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nền kinh tế đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt kim ngạch 93,97 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt kim ngạch 241,62 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 72%.
Xét về cơ cấu hàng hóa, nhóm hàng công nghiệp chế biến sơ bộ đạt kim ngạch 295,23 tỷ USD, chiếm 88%.
Chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 312,28 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Cán cân thương mại đạt mức xuất siêu 23,31 tỷ USD giá trị hàng hóa (cùng kỳ năm trước xuất siêu 24,8 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,61 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 42,92 tỷ USD.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.