Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thận trọng với du lịch giá rẻ

Hoàng Lân| 15/07/2022 06:22

(HNM) - Ngay sau khi hoạt động du lịch mở cửa hoàn toàn, thị trường du lịch nội địa đã gần như phục hồi. Cùng với sự hoạt động sôi nổi của các đơn vị lữ hành, trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều hội, nhóm, cá nhân rao bán các dịch vụ, tour giá rẻ. Dù vậy, khi lựa chọn những dịch vụ, tour giá rẻ hơn thực tế, du khách cần thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin để không bị “tiền mất, tật mang”.

Du khách cần thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin của các tour du lịch giá rẻ. Ảnh: Đỗ Tâm

Những chiêu giá rẻ

Với sự bùng nổ của hoạt động du lịch và nhu cầu của du khách tăng cao, trên mạng xã hội và các nhóm “review du lịch” (giới thiệu điểm đến) xuất hiện khá nhiều lời mời gọi, bán tour với giá hấp dẫn. Trong đó, có nhiều gói tour được chào bán với giá chỉ khoảng 2-4 triệu đồng cho combo (gói dịch vụ kết hợp nhiều sản phẩm hoặc dịch vụ với chi phí tiết kiệm) 4 ngày 3 đêm tới các điểm du lịch “hot” trong mùa hè, như: Sa Pa (tỉnh Lào Cai), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Đà Nẵng... Các combo này được giới thiệu gồm dịch vụ khách sạn 4-5 sao, ăn sáng miễn phí, vé vào điểm vui chơi, thậm chí một số combo còn có cả vé máy bay.

Đánh giá về các dịch vụ du lịch giá rẻ, Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) Lê Hồng Thái cho rằng, giá nhiên liệu tăng khiến chi phí nhiều dịch vụ tăng theo, nên không có combo nào giá quá rẻ mà vẫn bảo đảm chất lượng tốt. Còn theo Giám đốc Công ty Lữ hành Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan, giá vé máy bay đang khá cao, nhiều chặng giá vé đã tăng gấp đôi và các chi phí lưu trú, vận chuyển, ăn uống tại các điểm du lịch cũng tăng cao, nên không có chuyện có combo du lịch giá rẻ. “Du khách cần thận trọng với những lời mời gọi du lịch giá rẻ quá mức. Đây có thể chỉ là chiêu quảng cáo để gây chú ý hoặc có thể là “bẫy” lừa đảo du khách, nếu không tỉnh táo”, ông Nguyễn Công Hoan cảnh báo.

Trên thực tế, đã có không ít du khách bị sập “bẫy”. Còn nhớ, năm 2020 khi du lịch mới chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, phòng vé Anh Anh (quận Ba Đình) bị tố ôm hàng tỷ đồng tiền combo du lịch, rồi bỏ trốn. Phòng vé này đánh vào tâm lý người tiêu dùng, đã tung ra những gói combo siêu rẻ, gồm vé máy bay khứ hồi, nghỉ khách sạn 4 sao cho 3 ngày 2 đêm với giá chỉ hơn 2 triệu đồng. Vụ việc đã khiến hàng trăm du khách bị thiệt hại, là lời cảnh tỉnh để các du khách khác thận trọng khi mua những dịch vụ rẻ bất ngờ này.

Vừa bị mất tiền do tin vào lời quảng cáo trên mạng, chị Trần Lan Hoàng Thảo (huyện Gia Lâm) chia sẻ, đầu tháng 6 chị đặt mua trên mạng voucher (mã giảm giá) dịch vụ khách sạn 3 sao tại Cát Bà (Hải Phòng) với giá 700 nghìn đồng/2 người, sau khi chuyển 50% số tiền thì số máy liên hệ đã không liên lạc được. “Dù số tiền mất không quá nhiều, nhưng đây là bài học đắt giá với tôi…”, chị Thảo cho hay.

Nhà thờ đá Sa Pa (tỉnh Lào Cai), một địa điểm thu hút khách du lịch. Ảnh: Thu Thảo

Hãy là người du lịch thông minh

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, thời điểm này, các địa phương và đơn vị kinh doanh du lịch triển khai nhiều chương trình kích cầu để thu hút khách. Tuy nhiên, chính sách kích cầu giờ đây không còn là giá rẻ, mà là tập trung vào chất lượng dịch vụ, các sản phẩm mới hấp dẫn để mang đến những trải nghiệm an toàn, mới lạ cho du khách sau dịch Covid-19.

Trước những “bẫy” du lịch giá rẻ, không ít đơn vị lữ hành đã đưa ra nhiều khuyến cáo cho du khách. Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch Thủ đô, Giám đốc Công ty Du lịch AZA Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, du khách hãy là những người đi du lịch thông minh, thận trọng khi mua các combo, voucher du lịch với giá rẻ hơn thị trường. “Du khách nên có sự so sánh, đối chiếu giá dịch vụ với nhiều đơn vị kinh doanh. Với những giao dịch chỉ diễn ra trên mạng xã hội, du khách nên đến tận nơi xác định người bán, đơn vị cung cấp dịch vụ”, ông Nguyễn Tiến Đạt gợi ý. Còn theo Giám đốc Công ty Du lịch Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan, du khách nên lựa chọn những đơn vị du lịch uy tín đã có giấy phép hoạt động. Nếu đi tự túc, du khách cần tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm từ đơn vị cung cấp cho đến cơ sở dịch vụ thực tế, nên sử dụng những ứng dụng đặt phòng uy tín đã được du khách đánh giá cao.

Tại Hà Nội, để tránh những rủi ro cho khách du lịch, Sở Du lịch Hà Nội đã cập nhật danh sách các đơn vị lữ hành, lưu trú có giấy phép hoạt động trên website của Sở. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở luôn yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch cập nhật và công khai, niêm yết giá các dịch vụ. Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra hoạt động của các đơn vị, đồng thời hỗ trợ xử lý cho du khách, nếu có trường hợp khiếu nại, phản ánh qua đường dây nóng. “Du khách cần tỉnh táo trước những chiêu trò giảm giá không rõ nguồn gốc. Khi gặp rủi ro hoặc sự cố, du khách cần phản ánh ngay với cơ quan chức năng để sớm được hỗ trợ, khắc phục hậu quả”, bà Đặng Hương Giang bày tỏ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thận trọng với du lịch giá rẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.