Đăng bán gói dịch vụ du lịch (vé máy bay, khách sạn...) với giá rẻ trên mạng xã hội, thu tiền rồi biến mất. Nhiều nạn nhân bị lừa số tiền lên tới vài chục triệu, thậm chí vài trăm triệu đồng... Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng đã phải liên tiếp lên tiếng cảnh báo, kêu gọi người dân cẩn trọng để không bị sập bẫy lừa đảo...
Của rẻ là... của ôi
Mới đây, tài khoản Facebook Su Bông đã cầu cứu cộng đồng mạng xã hội vì mua gói dịch vụ du lịch cho 14 người đi Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) của người tên Ngô Thị Quyết trong nhóm Facebook “Review Côn Đảo”. Thông qua giao dịch Zalo, tài khoản Facebook Su Bông đã chuyển cho Quyết gần 80 triệu đồng từ ngày 3-6. Sau khi nhận được tiền, Quyết chặn Zalo và xóa hết tin nhắn qua lại.
Cũng bị sập bẫy lừa đảo khi mua gói du lịch, chị Quỳnh Trang ở xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) cho biết, 3 năm trước chị mua gói du lịch 200 triệu đồng gồm 1 đêm nghỉ tại khách sạn JW Mariott và 3 đêm ở Vinpeal Phú Quốc từ người tên là Trúc. Do dịch Covid-19 nên gia đình chị bảo lưu tới tháng 6-2023. Tháng 5-2023, chị thông báo sẽ đi du lịch như thỏa thuận, chuyển thêm tiền phát sinh cho Trúc. Nhưng từ ngày 15-5 đến đầu tháng 6-2023, chị Trang gọi điện đến khách sạn thì nhận được phản hồi là chưa đặt phòng. Trúc viện mọi lý do ốm đau đi bệnh viện, hứa hẹn nhiều lần và biến mất...
Một sự việc gây xôn xao dư luận gần đây, đó là nhóm đối tượng liên tục quảng cáo trên Facebook gói du lịch gồm du thuyền 5 sao Ambassador và khách sạn ở Hạ Long 3 ngày 2 đêm, giá 2 triệu đồng/người. Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, chị Lê Thị Huyền, xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) cho biết, chị đã đặt mua 2 đêm, 2 phòng, tổng số tiền gần 8 triệu đồng tại Facebook “Du thuyền Hạ Long”. Sau khi nhận được chuyển khoản trước 50%, tài khoản trên đã chặn số của chị.
Chung hoàn cảnh, chị Nguyễn Thị Bích Liên, ở phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) cho biết, chị chuyển khoản 26 triệu đồng đặt du thuyền buổi sáng thì chiều tối đã bị chặn số điện thoại và Facebook... Nhiều người sau khi bình tĩnh lại, đối chiếu giá gốc thì mới nhận ra điều bất thường, hiện giá 1 đêm du thuyền 5 sao đặt trực tiếp từ 2,5 triệu đến 4 triệu đồng/người. Do vậy, việc giá như quảng cáo 1,999 triệu đồng/người ở du thuyền 5 sao Ambassador và khách sạn 3 ngày 2 đêm là điều không thể.
Trước tình trạng này, ngày 9-6 vừa qua, UBND thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã cảnh báo hiện tượng mạo danh công ty lữ hành, đại lý bán tour du lịch để bán gói du lịch giá rẻ, thu tiền nhưng không xuất vé như cam kết, chặn liên lạc với khách hàng gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của thành phố Hạ Long. UBND thành phố Hạ Long đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản...
Cần tìm hiểu kỹ thông tin
Theo Giám đốc Công ty Lữ hành AZA Nguyễn Tiến Đạt, các đối tượng lừa đảo thường đánh vào tâm lý ham rẻ nên tung chiêu lừa như đưa hình ảnh, thông tin, mạo danh các đơn vị du lịch lâu năm, lập nick ảo, tạo tương tác để thu hút khách. Nhiều đối tượng lấy tên website gần giống tên miền các công ty du lịch uy tín nên nhiều người bị lừa. Nhiều người kém may mắn không thể liên lạc được với người bán sau khi chuyển tiền. Người may mắn hơn thì bỏ tiền mua gói du lịch theo quảng cáo là dịch vụ 5 sao nhưng nhận được dịch vụ 2 sao.
Có thâm niên làm việc tại công ty du lịch gần 20 năm, chị Trần Hà Xuân, phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, nhiều khách quen của chị ham rẻ mua gói du lịch quảng cáo siêu rẻ. Để tránh bị lừa, khách hàng không nên giao dịch với cá nhân lạ bán hàng trôi nổi trên mạng, không có lịch sử bán hàng uy tín. Khách hàng hãy tìm đến các đơn vị du lịch uy tín để ký hợp đồng hoặc tự liên hệ đặt vé máy bay tại hãng, đặt phòng với khách sạn nơi mình muốn đến. “Cần có hợp đồng, chứng từ chuyển tiền, chụp lại ảnh căn cước công dân của người giao dịch với mình. Còn nếu muốn mua gói giá rẻ thì tìm đại lý, công ty hoặc người thân quen bán hàng. Khách hàng không nên mạo hiểm tiền túi của mình”, chị Xuân cảnh báo.
Mới đây, Bộ Công an khuyến cáo, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch. Người dân có thể đề nghị bên bán cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, chứng chỉ hành nghề...; cảnh giác khi nhận được lời mời mua gói du lịch với mức rẻ hơn 30-50% so với giá thị trường. Đặc biệt, cần thận trọng khi bên bán yêu cầu chuyển tiền đặt cọc giữ chỗ. Ngoài ra, Bộ Công an khuyến cáo du khách nên xác định xem website có giả mạo không. Các website giả sẽ gần giống với tên website thật nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự. Tên miền giả thường sử dụng những đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk...
Nghị định số 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức phạt cao nhất đối với cá nhân có hành vi lừa dối khách hàng đặt phòng trực tuyến là 20 triệu đồng và phạt gấp đôi đối với tổ chức. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng có thể bị xử lý hình sự về tội lừa dối khách hàng theo Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt tù cao nhất là 5 năm tù.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.