(HNM) - Gần đây, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) gây được sự chú ý bởi nhiều mặt hàng đã được đề nghị áp thuế TTĐB ở mức cao...
Áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có ga, không cồn có nguy cơ gây thất thu ngân sách. |
Doanh nghiệp "kêu trời"
Kể từ khi Bộ Tài chính công bố dự thảo đến nay đã có 4 cuộc hội thảo để lấy ý kiến các ngành, DN, các tổ chức đại diện cho DN và hầu hết các ý kiến đều cho rằng, việc đề xuất áp thuế TTĐB 10% với mặt hàng nước ngọt có ga không cồn cần hết sức thận trọng, tránh những hệ lụy mà các nhà làm chính sách vì lý do nào đó chưa lường hết được.
Ông Nguyễn Đặng Hiến (Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Quang Minh) cho rằng: Trong ngành thực phẩm nước giải khát, điều chỉnh giá 3-4% là việc phải cân nhắc kỹ lưỡng vì sự chênh lệch giá vài trăm đồng trên một thùng sản phẩm có thể làm người mua chuyển từ sản phẩm này sang sản phẩm khác. Do đó, nếu áp thuế 10% nước ngọt có ga, không cồn thì sức tiêu thụ của thị trường sẽ giảm và khó khăn của DN càng chồng chất. Đáng lưu ý, sự sụt giảm tiêu thụ không thể đơn thuần là tăng giá 10% từ thuế TTĐB sẽ làm giảm 10% sức tiêu thụ mà sẽ giảm nhiều hơn. Nhiều DN sau khi tăng giá 4% có thể giảm tiêu thụ 10-12% và việc mất thị phần tiêu thụ rất khó phục hồi. "Ngoài ra, các nguồn thu thuế VAT cũng vì thế giảm đi nghiêm trọng và chắc chắn số DN làm ăn thua lỗ, phá sản sẽ tăng lên, kéo theo hệ lụy nguồn thu thuế thu nhập DN sẽ tiếp tục giảm" - ông Nguyễn Đặng Hiến nhấn mạnh.
Về vấn đề "Tác động kinh tế của việc áp thuế TTĐB lên ngành công nghiệp nước giải khát Việt Nam", TS Nguyễn Đình Chúc (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM) đã đưa ra nhận định khiến những nhà làm luật không khỏi phải "giật mình". Theo đó, TS Nguyễn Đình Chúc cho rằng, căn cứ vào những kết quả thực nghiệm của CIEM cho thấy, việc áp thuế TTĐB 10% sẽ không mang lại nguồn thu ngân sách lớn hơn như dự báo của các nhà làm luật. Vì theo tính toán, mức thu ngân sách có thể đạt 8,46 triệu USD, nhưng ngành công nghiệp đồ uống mất đi 40,5 triệu USD và nền kinh tế giảm 12,1 triệu USD. Ngoài ra, việc làm trên sẽ kéo theo những tác động tiêu cực khác như: Tạo việc làm, thu nhập cho người lao động và tác động không tốt đến những loại đồ uống khác...
Theo chuyên gia tư vấn cao cấp Phan Hữu Thắng, cần cẩn trọng, công bằng trong góp ý xây dựng dự thảo Luật Thuế TTĐB phù hợp với thực tế của Việt Nam và theo thông lệ quốc tế để tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử với bất kỳ mặt hàng nào trong cùng một sản phẩm, không làm ảnh hưởng đến chính sách hiện hành và định hướng của Chính phủ là một đòi hỏi tiên quyết mà Việt Nam đang theo đuổi trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Người tiêu dùng lo lắng
Tháng 4-2014, Công ty Nghiên cứu thị trường Epinion (Đan Mạch) đã tổ chức khảo sát về suy nghĩ và hành vi của người tiêu dùng (NTD) tại Việt Nam khi có sự thay đổi về giá bán lẻ các sản phẩm nước ngọt có ga không cồn. Kết quả cho thấy, cơ cấu giá nếu buộc phải thay đổi theo hướng tăng lên (trong trường hợp này là 10%) sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của DN, NTD và nhà bán lẻ. Đa số xác nhận sẽ chuyển sang sử dụng những sản phẩm nước giải khát đồng dạng khác. Cụ thể, 74% số người được phỏng vấn cho rằng đối tượng thu nhập thấp sẽ chịu thiệt thòi nhiều hơn bởi việc nước ngọt có ga bị áp thuế, do túi tiền eo hẹp của nhóm đối tượng này nên phần trăm tăng (ở mức tăng giá 10%) so với tổng thu nhập của họ sẽ có sự chênh lệch rõ rệt hơn so với nhóm thu nhập cao. Điều tra này cũng chỉ ra rằng, Chính phủ có thể thất thu thuế từ các sản phẩm thay thế khác có doanh thu tăng do NTD chuyển sang sử dụng những sản phẩm này mà không bị đánh thuế.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, bà Trần Lê Hồng Vân (Giám đốc Chuỗi cung ứng Công ty CP Thương mại và dịch vụ Cổng Vàng) cho biết: Thuế TTĐB làm ảnh hưởng lớn hơn đến NTD thu nhập thấp so với người tiêu dùng thu nhập cao. Ngoài ra, việc áp thuế TTĐB với mặt hàng nước ngọt có ga, không cồn có thể không đạt hiệu quả trong việc định hướng tiêu dùng, do sau khi áp dụng thuế, NTD sẽ thay thế mặt hàng này bằng những loại đồ uống khác có hàm lượng calo/chất béo tương tự hoặc thậm chí cao hơn…
TS Đặng Quyết Thắng (Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) cho rằng, nước ngọt là mặt hàng giải khát được đại bộ phận NTD có thu nhập thấp, thu nhập trung bình sử dụng. Trong bối cảnh thu nhập bình quân đầu người không tăng thời gian gần đây, việc áp thuế TTĐB 10% với nước ngọt có ga không cồn rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến người thu nhập thấp. "Đám cưới ở nhiều vùng nông thôn giờ đã dùng nước ngọt. Nay ta tăng thuế, giá mặt hàng này sẽ cao hơn thì liệu người dân có lựa chọn nước ngọt nữa hay không, hay là quay trở về với bia, rượu, đặc biệt là rượu không rõ nguồn gốc" - ông Đặng Quyết Thắng băn khoăn.
Trong bối cảnh cộng đồng DN đang "gồng mình" vượt khó do suy thoái kinh tế, những chính sách điều hành vĩ mô sẽ có tác động lớn đến sự phục hồi, tăng trưởng của DN. Do đó, việc thận trọng trước khi quyết định áp thuế TTĐB đối với những sản phẩm thông thường đang được đông đảo người dân sử dụng một cách đại trà và tiêu thụ chủ yếu qua các kênh bán lẻ truyền thống là rất cần thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.