Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thận trọng để tránh đổ vỡ

Khánh Ly| 26/11/2011 07:51

(HNM) - Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2010, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (DNNN) đã đầu tư gần 22.000 tỷ đồng ra ngoài ngành. Đáng lo ngại là số tiền này đã được đổ vào nhiều lĩnh vực có độ rủi ro cao, như chứng khoán, ngân hàng (NH), bất động sản (BĐS), bảo hiểm…


Việc đầu tư dàn trải, thiếu bền vững của các DNNN không chỉ khiến ngân sách bị sử dụng trái mục đích mà còn làm thất thoát lượng lớn tiền vốn. Thoái vốn của DNNN tại những lĩnh vực đầu tư ngoài ngành theo đúng lộ trình, nhằm tránh đổ vỡ là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà khối DNNN buộc phải thực hiện.


Thị trường chứng khoán là nơi tập trung đầu tư ngoài ngành nhiều nhất của khối DNNN. Ảnh: Hoàng Vũ


Với 22.000 tỷ đồng đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của các DNNN, trong đó hơn 10.000 tỷ đồng vào lĩnh vực NH, 3.576 tỷ đồng vào chứng khoán, 2.236 tỷ đồng vào lĩnh vực bảo hiểm, 5.379 tỷ đồng vào BĐS, 495 tỷ đồng vào quỹ đầu tư... So sánh số liệu đầu tư ngoài ngành của DNNN năm 2010 với giai đoạn 2006-2009, có thể thấy tốc độ đầu tư ngoài ngành của khối DNNN vào các lĩnh vực đã tăng nhanh. Cụ thể, tại lĩnh vực chứng khoán, nếu như năm 2006 số tiền đầu tư của DNNN là 707 tỷ đồng thì 3 năm tiếp theo, số đầu tư lần lượt là 1.328 tỷ đồng, 1.697 tỷ đồng và 986 tỷ đồng. Tại lĩnh vực bảo hiểm, số liệu đầu tư qua các năm (từ 2006 đến 2009) lần lượt là 758 tỷ đồng, 2.655 tỷ đồng, 3.007 tỷ đồng và 1.578 tỷ đồng. Đáng lưu ý, tại lĩnh vực NH, nếu như năm 2006 các DNNN chỉ đầu tư 3.838 tỷ đồng thì năm 2007 đã tăng lên 7.977 tỷ đồng, năm 2008 đã lên tới 11.427 tỷ đồng… Theo chương trình tái cơ cấu khối DNNN, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính sẽ phải triển khai theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, thực hiện nhiệm vụ này sẽ khó khăn do nền kinh tế đang trong giai đoạn suy giảm đà tăng trưởng. Việc thoái vốn dù là đòi hỏi tất yếu, song vẫn phải thực hiện theo hướng an toàn, tránh đổ vỡ nhằm bảo toàn nguồn vốn nhà nước tại các DN.

Tại hội thảo lấy ý kiến DN góp ý xây dựng dự thảo nghị định về quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại DN do Bộ Tài chính tổ chức mới đây tại Hà Nội, các DN, chuyên gia kinh tế đã đưa ra những góc nhìn khác nhau về việc thoái vốn của DNNN tại các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành. Đại diện một tập đoàn kinh tế lớn cho rằng, việc thoái vốn khỏi lĩnh vực NH cần có lộ trình. Đồng quan điểm này, đại diện Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lại cho rằng, không phải cứ đầu tư vào NH là đầu tư ngoài ngành. Đơn cử, Petrolimex đang đầu tư vào một NH liên doanh với Ấn Độ, nhưng mục đích của việc đầu tư này là hỗ trợ ngành kinh doanh chính là nhập khẩu xăng dầu. Dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN là rất đúng, dù trên thực tế vào thời điểm chứng khoán, BĐS, NH làm ăn có lãi, một số DNNN đã thu lợi lớn từ các hoạt động đầu tư này. Trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm như hiện nay, những lĩnh vực đầu tư ngoài ngành, nhất là tài chính, BĐS, đang trở thành gánh nặng của DNNN. Mặc dù việc thoái vốn nhà nước thời điểm này có thể gây lỗ, song chấp nhận lỗ vẫn hơn là để lỗ kéo dài. Trong trường hợp này, phải chấp nhận trả giá để quá trình tái cấu trúc DNNN diễn ra đúng lộ trình và đạt được mục tiêu mong muốn. Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cũng cho rằng, việc DNNN thoái vốn khỏi lĩnh vực có độ rủi ro cao như tài chính, NH, BĐS là cần thiết, nhưng trước khi thoái vốn, mỗi DN cần rà soát kỹ thực trạng đầu tư ngoài ngành để xây dựng lộ trình thoái vốn cụ thể, đặc biệt với những ngành quan trọng như than, điện, xăng dầu. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang gặp nhiều khó khăn, nếu ồ ạt thoái vốn có thể gây ra đổ vỡ lớn.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các DNNN tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, không đầu tư ngoài ngành, nhất là đầu tư vào tài chính, bảo hiểm, BĐS, chứng khoán. Chính phủ yêu cầu các đơn vị đã đầu tư vào những lĩnh vực này phải sớm thoái vốn, tiến tới chấm dứt kinh doanh tại những lĩnh vực này. Với các DNNN thua lỗ kéo dài, các bộ quản lý ngành phải kiên quyết xử lý và nghiên cứu mô hình quản lý theo hướng tinh gọn, hiệu quả… Với những chỉ đạo sát sao của Chính phủ, nguồn vốn nhà nước tại DN sẽ được quản lý hiệu quả hơn, qua đó giảm bớt hiện tượng tiêu cực, gây thất thu ngân sách nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thận trọng để tránh đổ vỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.