Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thần tích Hà Nội và tín ngưỡng thị dân

ANHTHU| 19/03/2005 08:37

Hiện nay, ngay tại khu vực nội thành cũ - tương ứng với kinh thành Thăng Long xưa - còn một số ngôi đình: đình Hàng Bạc, đình Hàng Đào, đình Hàng Nâu, đình Vũ Thạch v.v... từng là nơi thờ các Thành hoàng, tức thần bảo vệ phường, xã. Đã là Thành hoàng thì thường có một lý lịch ghi thành văn, được gọi là thần tích, ngọc phả…

Hiện nay, ngay tại khu vực nội thành cũ - tương ứng với kinh thành Thăng Long xưa - còn một số ngôi đình: đình Hàng Bạc, đình Hàng Đào, đình Hàng Nâu, đình Vũ Thạch v.v... từng là nơi thờ các Thành hoàng, tức thần bảo vệ phường, xã. Đã là Thành hoàng thì thường có một lý lịch ghi thành văn, được gọi là thần tích, ngọc phả… Các văn bản ấy vừa là bằng chứng tín ngưỡng của quần chúng vừa là những truyền thuyết, kể lại sự tích thần. Những thần tích đó là tâm hồn, là tư duy, là trí tưởng tượng của bao thế hệ cư dân sinh sống trên dải đất kinh kỳ. “Thần tích Hà Nội và tín ngưỡng thị dân” là bộ sách đầu tiên nghiên cứu về thần tích cũng như tín ngưỡng thị dân của Hà Nội.

Thành công đầu tiên của các tác giả là đã sưu tầm khá đầy đủ rồi hệ thống hóa danh sách các vị Thành hoàng Hà Nội một cách khoa học. Năm bảng Thống kê cung cấp những hiểu biết chi tiết về số lượng, danh tính cũng như thành phần các Thành hoàng. 134 bản thần tích đã được phân ra thành các loại, như thành hoàng của cả kinh đô, của từng làng nghề, từng phường… Có vị là nhân vật lịch sử, có vị là nhân vật huyền thoại, và cả ngoại lai… Qua đó có thể thấy nét đặc biệt trong tín ngưỡng thờ Thành hoàng của người Thăng Long xưa là thoáng mở (chấp nhận thần ngoại lai), trọng nữ (nữ Thành hoàng chiếm 1/3 tổng số), và trọng tổ nghề thủ công mỹ nghệ (tổ nghề chiếm 1/2). Chính điều này là biểu hiện đặc trưng của tín ngưỡng thị dân.

Thành công thứ hai là ở những phần giới thuyết, bình luận về Thành hoàng, về đình và nghè, về thần tích và cả về sự cải tiến rất đặc biệt trong tục lệ thờ tự ở Hà Nội cũ. Cũng có thể nói đây là luận giải chính thức khẳng định thần tích là một bộ phận của nền văn học dân gian, cũng như thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích... Rõ ràng không phải thần tích nào cũng chỉ chứa đựng những điều dị đoan mê tín mà thực chất là có những giá trị không thể coi thường. Ngoài giá trị phản ánh phần nào cốt lõi lịch sử, thần tích thực sự thể hiện sức mạnh tinh thần bất diện của văn hóa Việt; ngay cả việc gọi là “âm phù” tức các thần trợ giúp các thế hệ đời sau chống giặc thì thoạt nghe có vẻ thần bí nhưng nghĩ kỹ thì lại có hiệu quả rất trần thế. Về việc các anh hùng đời trước “hiển linh” trợ giúp chính là hình thức củng cố tinh thần bằng cách gợi nhớ truyền thống của ông cha, tranh thủ sức mạnh truyền thống, từ đó tạo nên một sức mạnh mới.

Một thành công nữa của tập sách là đã đi sâu tìm hiểu vấn đề thị dân ở Thăng Long - Hà Nội.

Cũng có thể nói đây là vấn đề lần đầu được tác giả khảo sát tương đối kỹ lưỡng, từ sự hình thành, đặc trưng đến những biểu hiện khác nhau của tín ngưỡng này. Thị dân Hà Nội có nhiều nguồn gốc, nhiều tầng lớp. Sự thành hình đa dạng và quá trình phát triển cũng có nhiều khác biệt. Không bàn chung chung, tập sách căn cứ vào các tín ngưỡng thịnh hành ở phố phường Hà Nội xưa mà lý giải sự biến đổi từ tín ngưỡng nông dân đơn năng sang tín ngưỡng thị dân đa năng thích nghi với sự biến đổi từlàngsang (phố) hàng, cũng đồng nghĩa từ sản xuất phát triển lên buôn bán, tất nhiên vừa sản xuất vừa buôn bán. Vì vậy, thị dân vừa thờ tổ nghề vừa thờ những vị thần khác phục vụ cho buôn bán. Phần cuối sách có những đề xuất về kho thần tích và quản lý ngôi đình, có ý nghĩa thiết thực và giá trị thực thi.

Tuy nhiên đây mới là lần đầu gợi mở vấn đề nên nhiều chương mục có thể đi sâu hơn, lý giải kỹ hơn mà các tác giả chưa làm. Mong sao ở lần in sau những vấn đề đó sẽ được giải quyếttiếp.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thần tích Hà Nội và tín ngưỡng thị dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.