Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thăm tổ hợp 'rồng lửa' hiện đại nhất Việt Nam

Theo My Lăng/Tuổi Trẻ| 22/12/2015 10:45

Khác với tưởng tượng, C-300PMU1 - tổ hợp tên lửa hiện đại nhất hiện nay của lực lượng phòng không Việt Nam lại không phải là giàn tên lửa hoành tráng.

Tất cả chỉ được đặt trong những chiếc xe đặc chủng khá “hầm hố”. Với khả năng quản lý cùng lúc trên 100 mục tiêu, điều khiển 12 tên lửa; tiêu diệt mục tiêu ở độ cao lên đến 27 km; tầm quan sát, phát hiện đến 300 km, tổ hợp tên lửa phòng không C-300PMU1 là ác mộng với đối phương khi tác chiến trên không bởi hỏa lực của nó được coi là mạnh nhất trong hệ thống tên lửa phòng không hiện đại thế giới.

Tổ hợp tên lửa này được mệnh danh là “rồng lửa”.

Các kỹ thuật viên cẩu chuyển đạn tên lửa C-300PMU1.


Không để bất ngờ xảy ra

10h20 ngày 21/10/2015, tại sở chỉ huy mặt đất của trung đoàn tên lửa 93 (sư đoàn phòng không 367) - nơi sở hữu tổ hợp tên lửa C-300PMU1 hiện đại nhất của Quân chủng phòng không không quân, kẻng báo động vang lên giục giã.

Lệnh báo động sẵn sàng chiến đấu cấp 1 được đưa ra từ sở chỉ huy sư đoàn.

Chỉ trong 1 phút, từ chỉ huy cao nhất đến các sĩ quan kíp trưởng, các sĩ quan hướng, trực ban nghiệp vụ, các trắc thủ, tiêu đồ... đã có mặt tập trung đầy đủ ở sở chỉ huy mặt đất.

Cùng lúc đó, từ các vị trí trong hầm trú ẩn, các xe điều khiển vô tuyến, xe rađa, các xe bệ phóng chở tên lửa... lao ra, cơ động đến vị trí triển khai đội hình chiến đấu. Ở tất cả vị trí, các hệ thống ăngten, bệ phóng tên lửa tự hành từ từ dựng lên trời dũng mãnh.

Một tình huống giả định được đưa ra: “Trên mạng TBS thu được tốp mục tiêu địch một chiếc loại lớn cách mục tiêu bảo vệ 220 km”, thiếu tá Nguyễn Huy Đức - trực ban tác chiến - báo cáo với chỉ huy bắn, trung đoàn trưởng, thượng tá Đỗ Trọng Huệ.

Các trắc thủ triển khai chiến đấu xe bệ phóng.


“Được. Toàn trung đoàn vào cấp 1. Các trực ban vào vị trí sẵn sàng chiến đấu” - thượng tá Huệ ra lệnh bằng khẩu khí của nhà binh. Anh yêu cầu kíp đài rađa ngay lập tức thiết lập quỹ đạo đường bay, xác định chính xác hướng, cự ly, độ cao và vận tốc của mục tiêu để điều khiển tên lửa.

Chỉ 5 phút từ khi phát lệnh báo động cấp 1, các bộ phận đã triển khai xong, sẵn sàng chiến đấu. Dựa trên tốc độ (950 km/h), độ cao (9 km), hướng đi, các sĩ quan xác định có ba máy bay chiến lược B52, bảy máy bay tiêm kích.

Điều này rất quan trọng vì nó sẽ giúp chỉ huy ra quyết định tiêu diệt mục tiêu nào trước. Trong khi đó, các sĩ quan trên xe điều khiển và chiếu xạ 30H6E1 đã nhanh chóng xử lý nhiễu, vô hiệu hóa tên lửa chống rađa của địch.

Sau khi nhận được báo cáo cho biết đã bắt được mục tiêu, quan sát rất nhanh trên bảng tiêu đồ tình báo, chỉ huy bắn Đỗ Trọng Huệ ra lệnh: “Vào khu vực hỏa lực. Cho tiêu diệt”.

Lệnh phóng tên lửa được truyền đến xe điều khiển phóng tên lửa. Trong xe lúc này có một kíp trưởng và các sĩ quan trắc thủ thao tác trên khí tài.

Đây là vị trí trung tâm chỉ huy của tổ hợp. Sau khi xác định mục tiêu đã vào vùng phóng, sĩ quan phóng Phan Nguyễn Sang nhấn nút điều khiển phóng hỏa lực. Hai quả tên lửa rời bệ phóng lao đi với vận tốc 1.900 m/giây. Mục tiêu bị tiêu diệt hoàn toàn.

Đó là tình huống chiến đấu trên không giả định theo bài tập mà trung đoàn tên lửa 93 vừa thực hiện. “Để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, để Tổ quốc không bị bất ngờ với các tình huống trên không”, trung đoàn trưởng Đỗ Trọng Huệ nói.

Học vì Tổ quốc

Dẫn tôi đến gặp trung tá Phạm Văn Huy (Phó trung đoàn trưởng quân sự), trung đoàn trưởng Đỗ Trọng Huệ giới thiệu: “Đây là một trong số các đồng chí đầu tiên được đào tạo tổ hợp tên lửa C-300PMU1 ở Liên bang Nga”.

Trung tá Huy cho biết 10 năm trước, một lớp sĩ quan “chất lượng cao” được tuyển chọn cẩn thận để đưa qua Liên bang Nga đào tạo, chuẩn bị cho việc tiếp nhận tổ hợp “rồng lửa” hiện đại này.

Trung tá Huy tâm sự: sáu tháng được đào tạo ở Nga là khoảng thời gian toàn tâm toàn ý thật sự.

Quang cảnh phòng họp tại sở chỉ huy mặt đất khi nhận được lệnh báo động cấp 1.


“Chúng tôi xác định: học vì Tổ quốc, vì nhân dân. Khí tài cả hàng trăm triệu USD giao cho mình, không sử dụng được là có tội với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Anh em học rất chăm chỉ, từ cán bộ chỉ huy đến người lái xe”.

Khi Bộ Quốc phòng Việt Nam sang thăm, trên các xe đặc chủng của tổ hợp tên lửa phòng không C-300PMU1, tất cả vị trí thực hành đều là người Việt Nam, không phải nhờ trợ giúp từ giáo viên người Nga.

Ngay từ lần phóng đầu tiên, anh em đã bắn diệt được tên lửa hành trình tốc độ 506 m/giây. Sai số chỉ có 1m trong khi bán kính sát thương là 120m, trung tá Phạm Văn Huy tự hào kể.

“Lái xe của tổ hợp này không phải là lái xe bình thường chỉ biết cầm vôlăng, mà còn là một trắc thủ, có nhiệm vụ triển khai khí tài để bệ phóng tên lửa dựng lên và thu hồi khí tài.

Dừng xe là phải làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Do đó, ngay cả một lái xe của hệ thống tên lửa C-300PMU1 cũng phải được huấn luyện công tác chiến đấu”, thượng tá Huệ nói.

Ở Việt Nam chưa có bộ môn C-300PMU1. Do đó, sĩ quan và kỹ thuật viên mới ra trường về trung đoàn 93 phải đào tạo lại từ đầu. Ở đây, sĩ quan trẻ thế hệ 8X, 9X chiếm 38-40%, đảm nhận nhiều vị trí quan trọng.

Với trình độ của mình, những sĩ quan đầy kinh nghiệm đã tự tin đứng lớp, đào tạo lại cho các thế hệ sau mà không phải tốn chi phí mời chuyên gia Nga sang đào tạo hoặc đưa đi Nga đào tạo.

Trung đoàn tên lửa phòng không 93 (thành lập ngày 22/5/2013) tiền thân là đoàn tên lửa 93. Đây là đơn vị đầu tiên bắn rơi máy bay B-52 trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”. Hiện nay, nhiệm vụ của trung đoàn là sẵn sàng chiến đấu, quản lý và bảo vệ vùng trời, vùng biển đảo phía nam Tổ quốc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thăm tổ hợp 'rồng lửa' hiện đại nhất Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.