Điểm đến

Thăm Tiểu chủng viện Làng Sông

Bài và ảnh: Hà Thành 16/12/2023 - 19:54

Tiểu chủng viện Làng Sông không chỉ là một di tích tôn giáo có giá trị về kiến trúc, văn hóa mà còn gắn liền với lịch sử hình thành chữ quốc ngữ ở Việt Nam. Thánh đường này là một trong những điểm đến hấp dẫn với du khách khi tới Bình Định.

chung-vien.jpg
Kiến trúc ấn tượng của Tiểu chủng viện Làng Sông.

Thánh đường thanh vắng

Tiểu chủng viện Làng Sông nằm ở thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định khoảng 10km về hướng đông bắc. Quần thể này rộng khoảng 2.000m2, gồm nhiều công trình kiến trúc nằm trên một gò đất cao giữa một vùng đồng lúa bát ngát, gần cửa Phú Hòa đổ ra đầm Thị Nại.

Ngược dòng lịch sử, dưới vương triều Vijaya (Chăm Pa) vào khoảng thế kỷ XI - XV, khu vực Thilibinai (đầm Thị Nại ngày nay) là một thương cảng lớn nối với thế giới bên ngoài. Các giáo sĩ truyền giáo người Bồ Đào Nha từ thế kỷ XVII đã đặt chân đến vùng đất này, khi đó là xứ Đàng Trong, thuộc quyền kiểm soát của chúa Nguyễn. Tài liệu ghi chép, năm 1618, giáo sĩ dòng Tên người Ý Cristoforo Borri đã được quan trấn thủ Quy Nhơn cho phép xây nhà thờ truyền đạo. Sau do dòng chảy bồi đắp, việc đi lại giao thương ở cảng Nước Mặn - Thị Nại không thuận tiện nên cơ sở truyền giáo chuyển về Làng Sông.

Từ tuyến giao thương đường thủy bắt đầu ở đầm Thị Nại, các tàu buôn ngược dòng sông Côn lên thượng nguồn, đến tận vùng núi Tây Sơn thượng đạo và tiếp tục chuyển hàng hóa lên vùng Tây Nguyên. Các giáo sĩ truyền giáo Bồ Đào Nha cũng theo con đường này đi truyền đạo, và Tiểu chủng viện Làng Sông là một di tích minh chứng cho quá trình này. Tiểu chủng viện là nơi đào tạo các tu sĩ. Sau khi hoàn thành việc học tập ở đây, các tu sĩ tiếp tục học tại đại chủng viện để trở thành linh mục.

Tiểu chủng viện Làng Sông được xây dựng khoảng năm 1841 - 1850, ban đầu chỉ là nhà mái tranh, vách phên tre. Công trình đã qua nhiều lần nâng cấp, thay đổi. Kiến trúc hiện nay được cho là xây dựng năm 1927. Các tài liệu cũng cho thấy, tại Làng Sông không chỉ có tiểu chủng viện mà còn có cả một quần thể giáo phủ của Giáo phận Đông Đàng Trong.

Công trình chính của tiểu chủng viện gồm thánh đường (nhà nguyện) ở chính giữa, đối xứng hai bên là hai dãy nhà lầu - nơi làm việc, học tập của các tu sĩ. Phía trước có sân cỏ và hàng cây sao hơn trăm tuổi trồng hai bên lối vào, sân sau chia thành những ô vuông trồng hoa màu. Tổng thể công trình mang phong cách kiến trúc Gothic và những nét đặc trưng của kiến trúc Pháp, với tường vôi vàng, mái ngói, hành lang bao quanh có những hàng cột và cửa vòm... Những chi tiết kiến trúc được thể hiện vô cùng tỉ mỉ, tinh tế. Mặt tiền của thánh đường Làng Sông thoạt nhìn rất giống kiến trúc thánh đường Paul cổ kính ở Macao do người Bồ Đào Nha xây dựng. Tuy không hoành tráng và đồ sộ như thánh đường Paul, nhưng thánh đường Làng Sông đến nay vẫn giữ gần như nguyên vẹn từng nét kiến trúc ban đầu.

Dấu ấn hành trình chữ quốc ngữ Việt Nam

Chữ quốc ngữ được hình thành bởi các tu sĩ dòng Tên trong quá trình truyền đạo Công giáo tại Việt Nam đầu thế kỷ XVII. Francisco de Pina là nhà truyền giáo đầu tiên thông thạo tiếng Việt. Ông đã xây dựng phương pháp ghi âm tiếng Việt bằng chữ cái Latin. Sau đó, giáo sĩ Alexandre de Rhodes (cha Đắc Lộ) là người có công hệ thống hóa, định chế hóa, và hoàn thiện chữ quốc ngữ tiếng Việt theo bảng chữ cái Latin.

Tiểu chủng viện Làng Sông có ý nghĩa lịch sử đặc biệt gắn liền với sự ra đời, truyền bá và phát triển chữ quốc ngữ tại Việt Nam. Trong quần thể Làng Sông, nhà in Làng Sông được xây dựng năm 1872, sau đó bị hủy hoại trong chiến tranh năm 1885. Năm 1904, nhà in Làng Sông được Đức cha Damien Grangeon Mẫn tái thiết và giao cho linh mục Paul Maheu làm giám đốc điều hành. Đây là một trong ba cơ sở in chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, cùng với nhà in Tân Định (Sài Gòn) và nhà in Ninh Phú (Hà Nội).

Từ nhà in Làng Sông, hàng vạn ấn phẩm, tác phẩm chữ quốc ngữ được in ấn, phát hành, truyền bá trong giới học thuật và xã hội. Chỉ riêng trong năm 1922, dưới sự điều hành của linh mục Maheu, nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác, riêng tờ Lời Thăm (bán nguyệt san) được in 1.500 bản, phát hành cả Đông Dương. Giai đoạn đầu thế kỷ XX, nhà in phát triển mạnh. Nhiều cây bút lớn ở miền Nam như Trương Vĩnh Ký, Lê Văn Đức... cũng gửi bản thảo ra tận nhà in sách miền Trung này. Nhà in Làng Sông hoạt động đến năm 1936 thì được dời về Quy Nhơn.

Hiện tại, ở khu vực nhà in cũ đã xây dựng một tòa nhà trưng bày các ấn phẩm, hình ảnh về hoạt động của nhà in Làng Sông. Công trình có kiến trúc tương đồng với tổng thể không gian tiểu chủng viện. Phòng trưng bày nhà in Làng Sông hiện lưu giữ hàng trăm tài liệu, sách vở được lưu giữ nguyên bản, tái xuất bản hoặc còn bìa sách. Các ấn phẩm được trưng bày theo thứ tự năm xuất bản. Sách cũ được bảo quản cẩn thận trong tủ kính kín. Trong số hơn 200 cuốn sách hiện đang trưng bày, nhiều cuốn có giá trị về lịch sử chữ quốc ngữ thuở ban đầu và có ý nghĩa về mặt giáo dục như "Tập đọc", "Tập đánh vần ABC", "Tục ngữ An Nam"...

Hiện nay, Giáo phận Quy Nhơn đang quản lý 2 cơ sở liên quan đến chữ quốc ngữ, đó là Nước Mặn và Làng Sông, cùng ở huyện Tuy Phước. Việc các giáo sĩ dòng Tên đến và lập cơ sở tại Nước Mặn (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước ngày nay) được coi là quá trình phôi thai, hình thành chữ quốc ngữ vào đầu thế kỷ XVII. Hơn 200 năm sau, nhà in Làng Sông ra đời. Qua bao thăng trầm thời cuộc, Tiểu chủng viện Làng Sông ngày nay vẫn hiện diện như một dấu son lịch sử.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thăm Tiểu chủng viện Làng Sông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.