Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tham quan nhiều, học được bao nhiêu ?

Liên Cơ| 22/10/2011 07:29

(HNM) - Với 31 năm hình thành và phát triển, những gì mà Khu công nghệ cao (CNC) Tân Trúc (Đài Loan, Trung Quốc) đạt được cho thấy sức mạnh của việc đầu tư vào khoa học và công nghệ (KHCN) cùng một chính sách đột phá sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế, xã hội rất lớn.


Khu công nghệ cao Tân Trúc được xây dựng năm 1980, là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực CNC và là nơi sản xuất các sản phẩm phần cứng công nghệ thông tin chất lượng cao. Với những chính sách phát triển hợp lý, Tân Trúc đã trở thành trung tâm CNC nổi tiếng thế giới, được mệnh danh là "Thung lũng silicon châu Á".


Một góc Khu công nghệ cao Tân Trúc.

Khu CNC Tân Trúc được chia thành các khu chức năng rất rõ như khu nghiên cứu cơ bản, khu phòng thí nghiệm trọng điểm nhà nước, khu sản xuất, khu văn phòng, nhà ở, giải trí… và trực thuộc Ủy ban KHCN Đài Loan. Tọa lạc trên diện tích 563ha nhưng doanh thu trong năm 2010 của Tân Trúc đã là 40,9 tỷ USD. Với việc phát triển không ngừng, Khu CNC Tân Trúc đã có thêm 6 khu CNC vệ tinh với quy mô phát triển như một thành phố khoa học gồm khu nhà ở, khu thí nghiệm, dịch vụ hải quan, ngân hàng, y tế, trường học (từ mầm non đến cấp 3), giải trí… khép kín rất thuận tiện.

Ông Paul Wu, Trưởng ban Xúc tiến đầu tư vào khu CNC Tân Trúc cho biết, trên danh nghĩa, khu CNC được thành lập từ năm 1980 nhưng trước đó 5 năm, chính quyền đã tiến hành giải tỏa mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng ở đây. Sau 3 năm, Tân Trúc đã có 2 triệu USD doanh thu đầu tiên từ sản xuất sản phẩm CNC. Khu CNC Tân Trúc hiện có quan hệ hợp tác với 26 khu CNC trên thế giới.

Hiện nay, Tân Trúc cung cấp hơn 90% thị phần chip, vi mạch, linh kiện điện tử cho thế giới. Để có được điều này, ngay từ khi thành lập, Khu CNC Tân Trúc đã xác định lĩnh vực sản xuất chip, linh kiện điện tử là hướng công nghệ chính cần được đầu tư trọng điểm. Theo con số thống kê của Ban quản lý Khu CNC Tân Trúc, thu nhập từ sản xuất chip chiếm 67,5% doanh số của toàn khu, sản xuất quang điện tử chiếm 20,7%, sản xuất máy tính chiếm 6,4%, còn lại là các sản phẩm công nghệ sinh học chiếm 0,4%. Đã có 44 công ty nước ngoài đầu tư tại Tân Trúc với 36.000 người làm việc tại đây với độ tuổi trung bình là 33 và thu nhập của công nhân được xếp hạng cao nhất ở Đài Loan.

Tân Trúc khá mạnh dạn trong chính sách thu hút đầu tư và đào tạo nhân lực. Đây cũng chính là trụ sở của hai trường ĐH chất lượng cao là ĐH Thanh Hoa và ĐH Giao thông Vận tải. Sinh viên hai trường này là nguồn nhân lực chủ yếu cho khu CNC. Chính nhờ chủ động và đào tạo tại chỗ theo nhu cầu của doanh nghiệp nên gần như Tân Trúc không bị vướng trong vấn đề tìm kiếm nguồn nhân lực cao - điều mà các khu công nghệ nói riêng và khu công nghiệp nói chung của Việt Nam đang gặp phải.

Năm nhân tố làm nên thành công

Ông Paul Wu cho biết thêm, những khó khăn khi mới bắt tay vào xây dựng Khu CNC Tân Trúc cũng là vấn đề mà Việt Nam đang gặp phải, đặc biệt là việc giải phóng mặt bằng. Khi nghe tin sẽ có khu CNC được xây ở đây, người dân đã đổ xô đến Tân Trúc mua đất khiến giá cả đội lên rất nhiều. Song, bằng quyết tâm của chính quyền cộng với sự kiên nhẫn thuyết phục, với 2 tỷ USD cho đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu, khu Tân Trúc đã được hoàn thiện.

Để bảo đảm sự thuận lợi cho hoạt động của khu CNC, Cục Quản lý khu CNC Tân Trúc đã được thành lập, làm nhiệm vụ điều hành và hỗ trợ các công ty hoạt động theo đúng mục tiêu và định hướng. Kinh phí hoạt động của cục do ngân sách cấp và khoản thu phí dịch vụ từ các công ty tham gia vào khu CNC. Ngoài ra, Khu CNC Tân Trúc còn có Hội đồng giám sát chịu trách nhiệm giám sát, hướng dẫn và hoạch định chính sách. Bên cạnh đó, hàng loạt các chính sách thu hút đầu tư đã được áp dụng đặc thù cho Khu CNC Tân Trúc như: miễn thuế 3 năm đầu cho các doanh nghiệp KHCN; khi doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định sẽ được giảm tiếp 15% thuế thu nhập doanh nghiệp. Kinh nghiệm của Tân Trúc cho thấy 5 nhân tố làm nên thành công đó là: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác giữa nhà khoa học và doanh nghiệp, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và nhu cầu thị trường (ươm tạo doanh nghiệp) và cuối cùng là cơ chế thị trường để tạo động lực phát triển.

Được biết, Khu CNC Tân Trúc cũng có mối quan hệ hợp tác với Khu CNC Hòa Lạc. Nhiều khu CNC ở nước ta đã sang Tân Trúc tham quan, học hỏi, song đáng tiếc, những thành công của Tân Trúc lại là những khiếm khuyết trong phát triển khu CNC ở Việt Nam. Bằng chứng là sau hơn 10 năm ra đời, việc giải phóng mặt bằng ở Khu CNC Hòa Lạc vẫn ì ạch và dường như "giậm chân tại chỗ"…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham quan nhiều, học được bao nhiêu ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.