Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tham nhũng: Phòng và chống

17/02/2018 14:10

(HNM) - Từ phương Đông đến phương Tây, từ thời kỳ cổ đại đến đương đại, ở mọi hình thái tổ chức xã hội của loài người, tham nhũng luôn xuất hiện và tồn tại ở các mức độ, dưới những biểu hiện khác nhau.


Quyền bính và tham nhũng

Tham nhũng, theo cách định nghĩa của tiếng Việt, là lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu người dân nhằm lấy của. Thực tế cuộc sống, với những muôn mặt của hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội... cho thấy nội hàm nêu trên không đầy đủ.

Theo Luật Phòng, chống tham nhũng thì tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Những biểu hiện của tham nhũng thật “sinh động”: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi...

Cũng không ít quan điểm tách bạch tham nhũng với tham ô: Tham nhũng là lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân. Tham ô là hành vi lợi dụng quyền hành để lấy cắp của công...

Dù thế nào đi chăng nữa, tham nhũng - một thứ giặc nội xâm (đối với mọi triều đại, chế độ, nhà nước) xét về yếu tố chính trị - kinh tế học, một thứ bệnh trạng xã hội xét về yếu tố xã hội học hoặc khuất lấp hay thấp thoáng trong dân gian (ở cả ta, gần ta là các quốc gia thuộc tứ đại đồng văn gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên nói riêng và cả các nước khác cũng như “Tây” nói chung), trong những huyền tích, sự tích hoặc được đề cập một cách đích danh, cụ thể bởi sử quan. Từ sự lũng đoạn, tham nhũng đến tột đỉnh của giới quý tộc ở La Mã phương Tây, những hạch sách, vòi vĩnh đến mức bạo ngược của tầng lớp cai trị phong kiến phương Đông, tham nhũng luôn rình rập và bùng phát khi có cơ hội.

Quy luật chung cho thấy, tham nhũng gắn liền với quyền lực và lợi ích cá nhân hay chính xác hơn là lòng tham của con người. Trong khi lòng tham là bản ngã của con người nói chung, ở những mức độ khác nhau (và sẽ trở nên mạnh hay yếu trong những điều kiện khác nhau) thì quyền lực ẩn chứa những nhân tố khiến người có quyền lực tha hóa. Đấy là lý do khiến tham nhũng nảy sinh, tồn tại, và có lúc đã bùng phát, ở nhiều nhà nước, triều đại, chế độ. Và đương nhiên, chừng nào còn có “cơ chế” cho sự kết hợp giữa lợi ích với sự lạm quyền của người có chức vụ, quyền hạn thì vẫn còn nguy cơ xảy ra tham nhũng.

Hậu quả của tham nhũng, với nhiều ví dụ cay đắng trong lịch sử của cả phương Tây lẫn phương Đông là rất rõ ràng. Đấy là hậu quả về chính trị khi người dân trong cảnh khốn cùng trở nên oán thán, căm ghét tầng lớp cai trị. Đấy là hậu quả về kinh tế: Quốc khố bị tham lạm, xâm phạm, tài sản của người dân bị bòn rút, cướp đoạt... Những quan hệ xã hội cũng trở nên méo mó khi tệ mua quan, bán tước nở rộ, rồi ở phía người dân thì phải chịu cảnh: Có ba trăm lạng việc này mới xong (Truyện Kiều, Nguyễn Du)...

Tham nhũng nảy sinh từ quyền lực - chính xác là quyền lực không có sự kiểm soát - song cũng lật đổ bao quyền bính, triều đại, nhà nước. Điển hình, tham nhũng là một trong những nguyên nhân chính, trực tiếp làm sụp đổ đế chế La Mã. Các sử gia đã chứng minh rằng tuy liên tục bành trướng song La Mã lại không chú tâm xây dựng một bộ máy quan liêu chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu quản lý. Các tổng đốc không có khả năng quản trị, không bị giám sát khi quản lý. Họ có cơ hội để tham nhũng. Không bị giám sát là điều kiện để họ có thể làm bất cứ điều gì mình muốn, dẫn tới tình trạng tham nhũng tràn lan ở các địa phương rồi để có thể tiếp tục tồn tại, tác oai tác quái, các tổng đốc lại dùng tiền tham nhũng để hối lộ cho giới cai trị bên trên mình. Tham nhũng đã trực tiếp góp phần làm sụp đổ một đế chế, kéo theo đó là làm suy tàn cả một nền văn minh.

Ngăn ngừa tham nhũng

Ngăn ngừa tham nhũng, dù có lúc được chú tâm có lúc lơ là song không còn nghi ngờ gì nữa là vấn đề này đã được ý thức từ khi quyền lực nhà nước, quyền lực của giới cai trị hình thành. Ở Athena thời Hy Lạp cổ đại, các quan chức tham nhũng bị tước quyền công dân và quyền tham gia chính trị. Còn tại Byzantium vào thế kỉ thứ XI, các quan chức tham nhũng bị làm cho mù mắt, đồng thời bị đi đày... Cộng hòa La Mã cũng đã áp dụng hình phạt xử tử những quan tòa nhận hối lộ...

Ở nước ta thời phong kiến, “cuộc chiến” chống tham nhũng đã được thể chế hóa một cách cao độ, chặt chẽ trong bộ Quốc triều Hình luật ban hành dưới triều Lê Thánh Tông (1442-1497) và Luật Hồi tỵ ban hành dưới triều Minh Mệnh (1791-1841). Ở Trung Quốc thời phong kiến - với nhiều điểm tương đồng nước ta về tổ chức quyền lực nhà nước, điển chế - tham quan, lại nhũng, tùy từng mức độ phạm tội khác nhau mà có thể bị xử các tội biếm (giáng chức), bãi chức, đồ (lao động khổ sai kèm đánh đòn bằng gậy hoặc roi), lưu (lưu đày nơi khắc nghiệt, rừng thiêng, nước độc) hoặc xử tử với những hình phạt tàn khốc...

Điểm mấu chốt của “cuộc chiến” với tham nhũng nằm ở vấn đề kiểm soát quyền lực. Mà để kiểm soát được quyền lực thì cần công khai, minh bạch hóa (quy trình thực thi công vụ) và tăng trách nhiệm giải trình (từ phía cơ quan, người thừa hành). Thế giới ở thời kỳ hiện đại, với những công cụ quản trị mới, cho phép các quốc gia tiến hành phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn. Hà Lan xây dựng và thực hiện hệ thống biện pháp cảnh báo và chống tham nhũng khá hoàn chỉnh, từ việc tổ chức nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý những lĩnh vực có thể phát sinh hành vi tham nhũng và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của những công chức làm việc trong các lĩnh vực đó; xây dựng hệ thống quyền hạn và trách nhiệm của các công chức nhà nước...

Đặc biệt, nước này thực hiện chế độ thường xuyên báo cáo và công khai hóa về các vụ việc trong quá trình phát hiện tham nhũng cũng như trừng phạt các hành vi tham nhũng. Nước Đức quy định rất rõ ràng, công chức nhà nước hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi hành động và hành vi của mình khi thực thi công vụ. Công chức nhà nước cũng không được phép hoạt động kinh doanh tư nhân hoặc hoạt động kinh doanh thông qua người được ủy quyền, người thân trong gia đình...

Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore là một mô hình đáng để học hỏi. Cùng với việc hoàn thiện về thể chế pháp lý, quốc đảo Sư tử này có một quá trình nỗ lực nâng cao tiền lương và thu nhập của công chức cấp thấp và cấp cao. Nhờ vậy, quan chức, công chức của nước này không cần tham nhũng (mà vẫn bảo đảm mức sống tốt), không thể tham nhũng (quy định quản lý chặt chẽ), không dám tham nhũng (chế tài xử phạt nặng) và không muốn tham nhũng (được giáo dục, đào tạo). 

Hiện nay, ở nước ta, công cuộc phòng, chống tham nhũng đang bước vào một giai đoạn mới, với quyết tâm chính trị rất cao, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng với tinh thần kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí. Quyết tâm ấy và những kết quả bước đầu đã và đang ngày càng vun đắp mãi lên niềm tin, sự hưởng ứng, đồng tình, ủng hộ của nhân dân. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham nhũng: Phòng và chống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.