Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thầm lặng những người thợ truyền tải điện Bắc - Nam

Thanh Hải| 30/04/2019 07:30

(HNM) - Tròn 25 năm trước, đường dây 500kV Bắc - Nam (mạch 1) được đưa vào vận hành, chính thức hòa chung hai hệ thống điện Nam - Bắc, nối liền hệ thống điện trên toàn quốc. \

Kiểm tra an toàn thiết bị tại Trạm biến áp 500kV Pleiku. Ảnh: Bùi thanh


Dù đã cuối mùa khô, nhưng nắng Tây Nguyên vẫn như rang người. Đứng trong bóng mát mà cái nóng vẫn hầm hập. Trước sự "quá tải" của chúng tôi, anh Nguyễn Công, Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 (Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia) chỉ cười hiền: “Nắng thế thấm gì với cánh thợ truyền tải điện”. Rồi anh kể, 25 năm qua, từ khi có đường dây 500kV Bắc - Nam (mạch 1), người thợ làm công tác truyền tải điện phải vượt qua nhiều gian khó để giữ dòng điện thông suốt, phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Tháng 4-1992, công trình xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam (mạch 1) được khởi công. Sau 2 năm xây dựng, cuối tháng 5-1994, Trạm biến áp 500kV Pleiku được đóng điện với cấp điện áp 500kV, hai hệ thống điện Nam - Bắc được hòa chung, nối liền hệ thống điện toàn quốc. Hệ thống điện siêu cao áp 500kV của Việt Nam và Trạm biến áp 500kV Pleiku chính thức được đưa vào vận hành. Lần đầu tiên trong lịch sử, hệ thống điện Việt Nam đã có “trục xương sống” 500kV chạy suốt từ Bắc vào Nam.

Thời điểm đó, hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam mạch 1 đi vào vận hành đã phát huy vai trò to lớn trong hệ thống điện quốc gia. Lượng điện năng rất lớn cung cấp cho miền Nam và miền Trung từ miền Bắc được truyền tải qua Trạm 500kV Pleiku đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là khu vực miền Nam. Thế nhưng, để giữ dòng điện thông suốt cũng là nỗ lực lớn của người thợ truyền tải.

Anh Nguyễn Tài, Đội trưởng Đội truyền tải điện của công ty, một trong những người có mặt đầu tiên khi xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam (mạch 1) chia sẻ, thời gian 10 năm đầu (khi chưa có ĐZ500kV mạch 2) rất khó khăn, vì đường dây luôn vận hành đầy tải, có lúc quá tải nên áp lực đặt lên anh em rất lớn.

Anh kể: “Khi ấy ở Gia Lai hoang vu lắm. Tôi là người Quảng Nam, quyết tâm vào đây lập nghiệp, gắn bó với ngành Điện. Khi đó, cả nhà đều ngăn cản. Chị gái tôi vào thăm, bắt đầu từ lối vào quốc lộ 14 là chị khóc, kêu em về vì ở đây thiếu thốn đủ đường. Nhưng, thấy tôi quyết tâm, cả nhà chỉ còn biết động viên. Khi ấy, các kỹ sư, công nhân đều trẻ, hầu hết là người thành phố tự nguyện lên vùng sâu, vùng xa ở lại với đường dây tải điện. Anh em đùm bọc nhau và hơn nữa được sự động viên của ban lãnh đạo nên mọi người cũng vơi nỗi nhớ nhà, dồn sức cho công việc”.

Để giữ đường dây an toàn, không xảy ra sự cố, bất kể ngày cũng như đêm, các tổ công tác đều phải đi kiểm tra. Hơn 20 năm trước, khu vực này còn nhiều thú như heo rừng, hổ và rắn. “Có lần 3 anh em trong đội đi kiểm tra đêm. Tôi đi trước bỗng nghe tiếng “cốp” trên đầu. Tưởng người phía sau trêu, ngoái lại bỗng giật mình khi thấy con rắn rất to đang săn mồi. May mà nó mổ trúng mũ bảo hộ... Còn ban ngày phải đi phát quang để bảo vệ hành lang lưới. Địa hình tuyến rất hiểm trở, hầu hết đi qua rừng núi cao, sông suối sâu. Đặc biệt ở Tây Nguyên, mùa mưa thì mưa xối xả, rồi lũ quét, lún sụt sạt lở đất, còn mùa khô gió lốc bụi mù, nắng như đổ lửa, cháy đen da, cháy khô rừng. Nguy cơ xảy ra cháy lan dưới hành lang gây sự cố thường trực. Anh em phải động viên nhau nỗ lực hết sức” - anh Tài cho biết thêm.

Anh Trần Thanh Hải (30 tuổi), trực vận hành Trạm biến áp 500kV Pleiku luôn tỏ ra ngưỡng mộ với thế hệ những người đi trước. Anh bảo, các chú, các anh không chỉ là người thợ điện đường dây, mà còn là thợ lâm nghiệp vì phải phát quang, dọn hành lang tuyến bảo vệ đường dây, khi thì là thợ xây để sửa chữa móng cột. Cũng có lúc các chú, các anh lại là thợ cầu đường để sửa chữa đường vào tuyến...

“Chính các chú, các anh đã tiếp lửa cho chúng em để có thêm sức mạnh, gắn bó với ngành Điện phục vụ cho sự phát triển của đất nước” - Trần Thanh Hải chia sẻ.

Sau 25 năm, tổng lượng điện năng truyền tải đã tăng từ 801 triệu kWh (năm 1994) lên đến 72.100 triệu kWh (năm 2018), những tháng đầu năm 2019 lượng điện năng truyền tải qua Trạm biến áp 500kV vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Xác định tầm quan trọng của “trục xương sống” 500kV Bắc - Nam, đến nay tất cả cán bộ của đơn vị luôn nỗ lực về mọi mặt để vận hành an toàn hệ thống truyền tải điện quốc gia, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thầm lặng những người thợ truyền tải điện Bắc - Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.