(HNM) - Trong chuyến thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 năm 2018, Đoàn cán bộ TP Hà Nội mang theo tình cảm ấm áp của hơn 10 triệu quân, dân Thủ đô đến với biển đảo yêu thương của Tổ quốc.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn công tác Ngô Thị Thanh Hằng tặng quà cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây. Ảnh: Bá Hoạt |
Từ “điểm tựa” tinh thần
Trong những món quà của Thủ đô có nhiều kỷ vật mang biểu tượng văn hóa Thăng Long - Hà Nội, đó là biểu tượng lá đề thời Lý trang trí hình rồng, tượng trưng cho sự cao quý, sức sống vĩnh hằng và sức mạnh của vũ trụ. Ngoài ra, còn có những lá cờ Tổ quốc của Đảng bộ, nhân dân huyện Thường Tín trao tặng.
“Những lá cờ Tổ quốc do nghệ nhân Nguyễn Khắc Phục ở làng nghề của huyện may đã mang theo tình cảm của chúng tôi, của Tổ quốc, của quê hương nhằm tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ nơi hải đảo cùng với đất liền quyết tâm giữ vững, bảo vệ trọn vẹn Tổ quốc Việt Nam” - Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy nói.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, Đảng bộ và nhân dân huyện Gia Lâm trân trọng mang sản phẩm làng nghề gốm sứ Bát Tràng là đỉnh đốt trầm men ngọc bích do Nghệ nhân nhân dân Trần Độ làm để tặng các chùa trên quần đảo…
Đặc biệt, trước khi đoàn khởi hành, nhiều trường học của Thủ đô như: Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa), Trường THCS Trạch Mỹ Lộc (huyện Phúc Thọ)... đã phát động phong trào vẽ tranh về biển đảo và viết thư cho các chú bộ đội nơi hải đảo xa xôi.
Tại đảo Trường Sa Đông, bức thư của học sinh Nguyễn Huyền My, lớp 6A, Trường THCS Trạch Mỹ Lộc được đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn công tác đọc, rất xúc động: “Cháu biết các chú đã rất dũng cảm canh giữ biển, đảo. Các chú không chỉ chiến đấu giỏi mà còn vượt lên mọi khó khăn, anh dũng bảo vệ Tổ quốc để chúng cháu có ngày hôm nay.
Chúng cháu rất tự hào vì đất nước Việt Nam có những người anh hùng như các chú”. Còn học sinh Đặng Trần Nguyệt Minh, lớp 9A2 Trường THCS Bế Văn Đàn viết: “Cũng như triệu triệu học sinh khác trên mảnh đất hình chữ S thân thương, cháu yêu quý và ngưỡng mộ các chú. Dù chưa một lần được đặt chân lên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng chúng cháu đều có ước nguyện được chia sẻ một phần nỗi vất vả, gian lao, khó khăn và hiểm nguy của các chú. Chúng cháu mong các chú luôn mạnh khỏe, để bảo vệ chủ quyền của đất nước”.
Với những món quà ý nghĩa này, Đoàn công tác mong muốn, văn hóa Thăng Long - Hà Nội hơn một nghìn năm cùng với tình cảm của Đảng bộ, nhân dân Thủ đô sẽ là “điểm tựa” tinh thần cho quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 luôn vững vàng nơi đầu sóng.
Đến những món quà thiết thực
Lần thứ chín, ra thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1, Đoàn đại biểu Thủ đô không chỉ mang theo tình cảm của đất liền, của Thủ đô Anh hùng, mà còn chuyển đến nhiều món quà thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho quân và dân nơi đây.
Trưởng đoàn công tác Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, chỉ trong vòng một tháng phát động, đông đảo cán bộ, nhân dân Thủ đô đã ủng hộ gần 40 tỷ đồng cho Quỹ "Vì Trường Sa thân yêu" năm 2018. Nguồn kinh phí này được sử dụng để khởi công nhà văn hóa trên đảo Đá Thị, tặng nhiều trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống của bộ đội, như: Máy bơm nước, máy vi tính, máy in, tivi, tủ cấp đông, hạt rau giống…
Ở đảo luôn đầy nắng gió, có chăng chỉ thiếu nước ngọt. Thấu hiểu và sẻ chia khó khăn này, thành phố đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tặng 3 máy lọc nước biển thành nước ngọt (hơn 600 triệu đồng/máy) cho đảo Trường Sa Đông, Tốc Tan C và Phan Vinh B. Đoàn cũng tặng quà đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ, các hộ dân tại các đảo và Nhà giàn DK1/19, trong đó có nhiều cán bộ, chiến sĩ là người con của Thủ đô đang công tác, làm nhiệm vụ tại đây.
Xúc động trước tình cảm của Thủ đô, Trung tá Lương Quốc Anh, Chỉ huy đảo kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa nói: “Chúng tôi cảm nhận sâu sắc sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội luôn hướng về biển, đảo quê hương. Trong đó, Hà Nội đã có những công trình rất thiết thực, điển hình là nhà khách Thủ đô. Công trình này chính là dấu ấn Thủ đô tại Trường Sa, giúp chúng tôi đón và phục vụ nhiều đoàn khách đến thăm đảo. Đồng thời, công trình là biểu tượng tinh thần, khích lệ quân, dân cả nước tiếp tục có nhiều hoạt động thiết thực hướng về biển, đảo”.
Đón nhận những món quà thấm đẫm tình cảm của Đoàn công tác đến từ Hà Nội, Đại úy Trịnh Trọng Nghĩa, Chính trị viên Nhà giàn DK1/19 bày tỏ: “Tình cảm của Đảng bộ, nhân dân Thủ đô là nguồn cổ vũ, động viên to lớn, giúp cán bộ, chiến sĩ vững ý chí, niềm tin, sẵn sàng chiến đấu, chiến thắng”.
Biển đảo là máu thịt, là bản sắc, là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng không thể tách rời, gắn liền với quá trình đấu tranh sinh tồn và phát triển từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ thiêng liêng đã và sẽ tiếp tục được trao truyền cho các thế hệ chúng ta hôm nay cũng như mai sau.
Nhận thức sâu sắc chân lý đó, Trung tá Lương Quốc Anh, Chỉ huy đảo kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa khẳng định: “Chúng tôi vinh dự được trực tiếp làm nhiệm vụ ở nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ, người dân đã, đang và sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, thực sự là những cột mốc sống trên biển để khẳng định chủ quyền của Tổ quốc”.
Đáp lại quyết tâm đó, không chỉ quân, dân Thủ đô, mà mọi người dân đất Việt cũng sẽ tiếp tục đồng hành bằng những việc làm thiết thực, để tình yêu của dân tộc luôn hiện hữu, tiếp sức cho quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 vượt qua mọi khó khăn, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.