Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thái Lan khó “bước sang trang”

Quỳnh Dương| 18/05/2019 07:02

(HNM) - Thay vì sẽ đem lại một “kỷ nguyên mới” cho chính trường Thái Lan sau thập kỷ bất ổn như kỳ vọng, cuộc tổng tuyển cử diễn ra ngày 24-3 vừa qua chưa đủ khiến người dân đất nước chùa Vàng bớt lo lắng.

Nguyên nhân khiến người dân quốc gia này lo lắng, ngờ vực bắt nguồn từ việc chậm trễ công bố kết quả bầu cử, kiểm phiếu sai do “lỗi máy tính” đến những nghi vấn gian lận phiếu bầu, bất công trong cách phân chia ghế tại Quốc hội...

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha được cho là sẽ tiếp tục nắm quyền trong nhiệm kỳ tới.


Theo thông báo mới nhất, Nhà vua Thái Lan sẽ triệu tập phiên họp Quốc hội đầu tiên sau cuộc bầu cử vào ngày 22-5. Trong phiên họp này, Thượng viện và Hạ viện sẽ bỏ phiếu bầu Thủ tướng mới. Người đắc cử Thủ tướng phải hội đủ 376 phiếu trên tổng số 750 phiếu của lưỡng viện. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, việc bỏ phiếu tìm người đứng đầu nội các của Thái Lan chỉ là động thái mang tính thủ tục. Có đến 90% khả năng Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha, người lãnh đạo cuộc đảo chính năm 2014 để thành lập chính quyền quân sự, sẽ tiếp tục giữ chiếc ghế quyền lực này trong nhiệm kỳ tới.

Đúng với Hiến pháp Thái Lan, cuộc bầu cử vừa qua, cử tri đã chọn ra 350 hạ nghị sĩ tại 350 khu vực trên khắp cả nước. 150 hạ nghị sĩ còn lại được tính toán và phân bổ theo danh sách đảng. 250 ghế Thượng viện do Hội đồng vì hòa bình và trật tự quốc gia chỉ định. Theo kết quả Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) công bố tại Hạ viện, đảng Pheu Thai dẫn đầu với tổng cộng 136 ghế, đảng Quyền lực nhà nước nhân dân (Palang Pracharath) của đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha có 115 ghế, đảng Tương lai mới (FFP) có 80 ghế, đảng Dân chủ 52 ghế, đảng Bhumjaithai 51 ghế. Các đảng còn lại sở hữu từ 1 đến 10 ghế.

Tại Thượng viện, đúng như dự đoán từ trước, do Hội đồng vì hòa bình và trật tự quốc gia là cơ quan thân Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha nên có tới 105 thượng nghị sĩ được chỉ định là quân nhân và cảnh sát. Các đại diện còn lại tại Thượng viện cũng đứng về phía đảng Palang Pracharath. Như vậy, nếu tính cả 2 viện, Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha đã có tới 365 phiếu ủng hộ, chỉ cần thêm 11 phiếu để tiếp tục nắm giữ vị trí quyền lực nhất trong Chính phủ Thái Lan. Đây là điều không quá khó khi 10 đảng nhỏ đã cam kết liên minh với Palang Pracharath và ủng hộ Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha liên nhiệm.

Như vậy, tham vọng thành lập chính phủ liên minh của đảng Pheu Thai, vốn ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, đã trở nên khó khăn. Theo giới quan sát, liên minh này chỉ có khả năng đạt được nhiều nhất là 245 ghế tại Hạ viện. Sau khi kết quả bầu cử chính thức được công bố, đảng Pheu Thai và đồng minh chính là FFP đã trình đơn lên EC khiếu nại kết quả bầu cử. Các đảng này cho rằng việc Tòa án Hiến pháp Thái Lan đưa ra phán quyết về công thức phân bổ hạ nghị sĩ theo hệ thống danh sách đảng quy định tại Điều 128, Luật Bầu cử hạ nghị sĩ là không công bằng và thiên vị cho các đảng nhỏ. Dư luận Thái Lan lo ngại, Pheu Thai sẽ kêu gọi người ủng hộ xuống đường biểu tình giống như đã từng làm trước đây.

Sự bất an của người dân Thái Lan được thể hiện trong kết quả thăm dò dư luận do Đại học Suan Dusit Rajabhat thực hiện. Khi được hỏi tình hình chính trị sẽ bình ổn tới mức nào sau khi có kết quả bầu cử chính thức, có tới 45,20% số người trả lời rằng, tình hình sẽ tương tự thời gian trước vì mâu thuẫn và đấu đá quyền lực. 75,4% số người được hỏi cho biết, họ không đồng ý với cách thức mà EC áp dụng để phân bổ số ghế hạ nghị sĩ và cũng có đến 83,15% phản đối việc 15 bộ trưởng trong chính phủ đương nhiệm từ chức để trở thành thượng nghị sĩ, điều mà phe đối lập chỉ trích là nhằm bảo đảm sự nắm quyền lâu dài của đương kim Thủ tướng.

Như vậy, dù khả năng cao đảng Palang Pracharath của Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha sẽ giành được quyền lập chính phủ mới, song chính trường Thái Lan vẫn khó có thể “bước sang trang”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Lan khó “bước sang trang”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.