(HNM) - Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tuổi nghỉ hưu và tuổi làm việc của lao động Việt Nam hiện nay đang ở mức thấp so với khu vực.
Hướng dẫn người dân làm thủ tục tại Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam |
Tăng nhưng không bền vững
Theo ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó Trưởng ban thực hiện Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) - BHXH Việt Nam, hiện nay ở nước ta mới có hơn 13,4 triệu người (chiếm 24% lao động) tham gia BHXH tự nguyện, bắt buộc. Trong khi đó, mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020, đặt ra đến năm 2020 đạt được 50% người lao động tham gia BHXH. Mặc dù thời gian qua, số người tham gia BHXH có tăng, song không nhiều và không bền vững. Mỗi năm có khoảng 600.000 - 700.000 lao động rút khỏi thị trường lao động và muốn nhận BHXH một lần, làm cho con số thực tế tăng không đáng kể.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ông Đỗ Ngọc Thọ, một phần do điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn, việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức diễn ra chậm, nên số lao động có quan hệ lao động không tăng nhiều. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, phá sản, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, dẫn đến cắt giảm lao động. Số doanh nghiệp tăng mới nhiều, song quy mô nhỏ và siêu nhỏ, sử dụng ít lao động. Ý thức tuân thủ pháp luật của một số chủ sử dụng lao động chưa tốt trong khi cơ chế kiểm soát, cưỡng chế còn nhiều bất cập.
Ông Đỗ Ngọc Thọ thừa nhận, hiện việc quản lý công tác khai báo tình hình lao động của các doanh nghiệp vẫn chưa tốt, dẫn đến không nắm bắt được số người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc để làm cơ sở cho việc đôn đốc đăng ký tham gia. Công tác thanh tra, kiểm tra của ngành Lao động chưa thường xuyên, liên tục, nguồn lực lại mỏng. Cơ chế để ràng buộc chủ doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động chưa được phát huy. Bên cạnh đó, nhiều địa phương muốn thu hút đầu tư nên chưa quyết liệt xử lý doanh nghiệp vi phạm, trong khi không ít người lao động vì mưu sinh trước mắt, không dám đấu tranh với chủ doanh nghiệp để đòi quyền lợi tham gia BHXH.
Còn về phía người lao động, theo ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Một khảo sát với khoảng 5.000 người lao động chân tay cho thấy, có tới 90% cho biết muốn thực hiện chế độ BHXH như hiện nay, tức là không kéo dài thời gian lao động. Hơn nữa, nhiều người lao động e ngại tỷ lệ đóng BHXH ở mức 22% là cao, mặc dù họ chỉ phải đóng 8%, số còn lại do chủ sử dụng lao động đóng. Ông Vũ Quang Thọ phân tích thêm: Đồng tiền kiếm được rất quan trọng nên chỉ cần chênh lệch 10.000 đồng cũng có thể khiến người lao động chuyển từ công ty này, sang công ty khác. Mặt khác, nhiều người lao động khi bị ngừng việc muốn được thanh toán ngay số tiền BHXH, chứ không muốn kéo dài.
Cần cú hích đủ mạnh
Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ năm 2016 đã mở rộng đối tượng tham gia BHXH, đây vừa là cơ hội cho người lao động tham gia để được bảo đảm quyền lợi, nhưng cũng là thách thức lớn đối với ngành BHXH. Để phát triển đối tượng tham gia BHXH, một trong các giải pháp được đánh giá cao là việc đưa ra nhiều gói BHXH để tăng tính linh hoạt, thuận lợi cho người lao động lựa chọn theo mức thu nhập dùng làm căn cứ đóng bảo hiểm. Hiện nay, người lao động có thể chọn đóng theo từng tháng, đóng một lần cho cả năm hay đóng gộp cho quãng thời gian còn thiếu… với nhiều mức khác nhau.
Từ năm 2018, Nhà nước sẽ hỗ trợ đóng BHXH cho 3 đối tượng: Hộ nghèo nông thôn với 30% mức đóng, hộ cận nghèo 25% mức đóng và các nhóm khác 10%. Với 30% tương đương 46.200 đồng, mức hỗ trợ nói trên tuy rất khiêm tốn, song trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, đây là một nỗ lực rất lớn của Nhà nước. Tuy nhiên, ông Đỗ Ngọc Thọ nêu quan điểm: Nếu Nhà nước tạo được cú hích đủ mạnh, với mức hỗ trợ lớn hơn, thu hút được nhiều người tham gia hơn, thì về lâu dài sẽ giảm được chi phí trợ cấp cho người cao tuổi. Như vậy là chủ động giải pháp từ bây giờ, thay vì phải bị động khi phải chi trả về sau. Ông Đỗ Ngọc Thọ dẫn chứng, việc bao phủ bảo hiểm y tế đã tăng nhanh khi có cú hích đủ mạnh của Nhà nước bằng các mức hỗ trợ rất cao, lên tới 100% mức đóng.
Để giảm sự phiền hà cho người dân, thời gian qua, cơ quan BHXH đã đơn giản hóa rất nhiều thủ tục hành chính và đang đẩy mạnh kiểm tra công vụ với các cán bộ, viên chức trực tiếp có giao dịch với người dân. Ông Đỗ Ngọc Thọ đề nghị người dân, khi đến giao dịch với cơ quan BHXH, nếu thấy có biểu hiện phiền hà, từ chối tiếp nhận, thì yêu cầu cơ quan đó có phiếu hướng dẫn và phải trả lời vì sao không tiếp nhận. Người dân còn bức xúc thì hãy sử dụng đường dây nóng để phản ánh với người có thẩm quyền.
Ông Vũ Quang Thọ nhấn mạnh tới giải pháp trọng tâm là tuyên truyền để chủ doanh nghiệp nhận thức được trách nhiệm pháp lý, người lao động hiểu rõ hơn quyền lợi khi tham gia BHXH. Đặc biệt, trước băn khoăn của nhiều người lao động cho rằng tích lũy dưới hình thức gửi tiết kiệm sẽ tốt hơn, cần giải thích để người dân hiểu rằng, tham gia BHXH là phương án có tính chất chiến lược dài hơi hơn, cũng là hình thức tiết kiệm an toàn và bảo đảm lợi ích lâu dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.