(HNM) - Với việc hoàn thành 70% kế hoạch năm 2014 về tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia, mục tiêu có 50-55% số trường đạt chuẩn vào năm 2015 của Hà Nội là khả thi. Tuy nhiên, tiến độ của mỗi địa phương không đồng đều, có nơi đứng trước áp lực của sức tăng dân số, nơi lại thiếu nguồn lực.
Chạy đua với sự gia tăng dân số
Là một quận mới thành lập hơn chục năm, song vài năm gần đây, tỷ lệ trường đạt chuẩn của Long Biên luôn ổn định và nằm trong 6 đơn vị tốp đầu của thành phố với tỷ lệ trường chuẩn trên 70%. Bà Lưu Thị Bích Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT quận cho biết, trước tình trạng dân số cơ học tăng nhanh, số học sinh (HS) trong độ tuổi ra lớp mỗi năm tăng 2.500 - 3.000 HS, kinh nghiệm của quận là làm tốt công tác điều tra và dự báo. Đây là căn cứ để xác định việc mở rộng quy mô, mạng lưới trường học, đáp ứng kịp nhu cầu.
Thiếu đất và kinh phí vẫn đang là thách thức đối với việc xây dựng trường chuẩn quốc gia. Ảnh: Thái Hiền |
Thanh Trì hiện là đơn vị dẫn đầu khối các huyện về tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia với tỷ lệ 73%, song cũng đứng trước mối lo về việc đáp ứng chỗ học cho HS bởi tốc độ đô thị hóa nhanh. Ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết, trên địa bàn huyện mới có thêm 3 khu đô thị, tương đương với 3 xã. Tuy nhiên, chỉ có Khu đô thị Đại Thanh (với số lượng khoảng 20.000 dân) có một trường mầm non tư thục, các khu còn lại chưa có một trường học nào. Được biết, trong quy hoạch khu đô thị đều có hệ thống đủ 3 cấp học, gồm trường mầm non, tiểu học và THCS công lập, song đến khi hoàn thiện, có dân đến ở rồi mà trường học vẫn chưa được xây. Thực tế này khiến cho công tác tuyển sinh của các trường học ở khu vực lân cận rất khó khăn, thậm chí quá tải. Lãnh đạo huyện kiến nghị thành phố vào cuộc quyết liệt để chấm dứt tình trạng đầu tư xây dựng chung cư, khu đô thị mà bỏ quên trường học.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên vấn đề "trắng trường" trong các khu chung cư, khu đô thị được đặt ra. Vài năm trở lại đây, tại một số địa bàn như Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàng Mai, Đống Đa…, sự phát triển mạnh về quy mô của các khu chung cư cao tầng đã kéo theo sự gia tăng khá mạnh về dân số. Điều này khiến cho các cấp quản lý ngành và chính quyền địa phương không khỏi đau đầu tìm cách xoay sở nhằm bảo đảm đủ chỗ học cho HS trên địa bàn.
Nơi nào cũng khó
Thiếu đất, thiếu tiền là hai yếu tố dường như đã trở thành mẫu số chung của hầu hết các đơn vị trong "hành trình" xây dựng trường chuẩn. Phú Xuyên là đơn vị có tỷ lệ trường chuẩn thấp nhất thành phố - với 15,9%, cũng là đơn vị chưa năm nào hoàn thành chỉ tiêu về xây dựng trường chuẩn. Tại hội nghị giao ban tiến độ xây dựng trường chuẩn của thành phố diễn ra cuối tuần qua, lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Phú Xuyên thừa nhận: "Rất ngại khi nhắc đến thực trạng này, dù đã vận dụng nhiều giải pháp song thực tế vẫn chưa cải thiện được nhiều bởi điều kiện kinh tế quá khó khăn". Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện, tỷ lệ ngân sách của huyện chi cho giáo dục năm nào cũng chiếm 70-80%, song do tổng ngân sách hạn hẹp, lại chủ yếu dành ưu tiên cho việc cải tạo, xây mới các phòng học tạm, học nhờ, ít có khả năng quan tâm đến việc xây dựng trường chuẩn. Ước tính, huyện vẫn còn tới hơn 200 phòng học nhờ, học tạm. Thực tế tìm hiểu cho thấy, đây không phải đơn vị duy nhất của thành phố còn tồn tại thực trạng phòng học nhờ, học tạm. Vì vậy, đây dường như là điều bất khả kháng với những đơn vị khó khăn như Phú Xuyên, bởi nếu cứ quan tâm tới việc xây dựng chuẩn mà không đầu tư, cải tạo cho những trường học đã lạc hậu, xuống cấp thì sẽ rất thiệt thòi cho HS, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục toàn diện.
Cùng bị chậm tiến độ vì nguồn kinh phí có hạn trong giai đoạn vừa qua là huyện Đan Phượng. Ông Thế Minh Khôi, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đan Phượng cho biết: Nhiều năm liền, Đan Phượng hoàn thành chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn, là đơn vị nằm trong tốp có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia cao, nhưng từ năm ngoái tới nay, tiến độ xây dựng không được như trước. Nguyên nhân được xác định là do việc đấu giá quyền sử dụng đất ít tiến triển, thậm chí đóng băng, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư. Chỉ tính riêng số trường thuộc diện quá hạn đạt chuẩn (quá 5 năm) cần được thẩm định tại Đan Phượng là 23 trường, thì mới chỉ có 14 trường được công nhận lại, 9 trường còn lại đang chờ kinh phí để bổ sung, nâng cấp, bởi đã quá xuống cấp.
Nếu như kinh phí là bài toán khó đối với các huyện, thì thiếu đất xây trường là mối gian truân nhất đối với các quận, nhất là tại những quận nội thành, khu vực "lõi" đô thị. Ba Đình là một trong số các đơn vị thuộc diện này. Lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận cho biết, khó khăn nhất trong quá trình xây dựng trường chuẩn trên địa bàn là nhiều trường học có khuôn viên nhỏ, việc mở rộng quy mô hoặc xây mới trường vốn đã khó, nay càng khó hơn bởi sĩ số HS/lớp luôn có chiều hướng tăng. Theo dự kiến, việc hoàn thành chỉ tiêu 3 trường đạt chuẩn trong kế hoạch năm 2014 là khả thi, song Ba Đình đang đối mặt với tình trạng một số trường thuộc diện quá hạn đạt chuẩn đến lúc phải thẩm định nay vướng nhất ở tiêu chí cơ sở vật chất.
Chỉ riêng ngành giáo dục chắc khó có thể giải quyết tận gốc thực trạng này, mà cần có sự chung tay vào cuộc của nhiều lực lượng một cách đồng bộ, quyết liệt trong chặng cuối để về đích đúng thời hạn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.