Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thách thức lớn với thị trường lao động

Hương Ly| 08/04/2018 06:48

(HNM) - Sự phát triển mạnh mẽ và sâu rộng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo nên nhiều cơ hội mới cho các nền kinh tế trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí nhân công và các thủ tục hành chính... Tuy nhiên, bên cạnh nhiều ưu điểm thì cuộc cách mạng tự động hóa đồng thời đặt ra nhiều thách thức, trong đó có vấn đề về nguồn nhân lực. Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp.


Mới đây, Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD) cảnh báo, cuộc cách mạng tự động hóa sẽ lấy đi việc làm của 66 triệu người lao động tại các nước phát triển trong những năm tới. Cụ thể, cứ 7 người lao động tại 32 nước phát triển mà OECD tiến hành nghiên cứu thì có 1 người cần được hỗ trợ đào tạo kỹ năng mới do những công việc hiện nay của họ sẽ được thay thế bằng robot hoặc hệ thống tự động hóa. Báo cáo cho biết mức độ nguy cơ mất việc làm ở các nước rất khác nhau. Nếu như ở Slovakia có tới 33% số việc làm liên quan đến hoạt động tự động hóa thì con số này ở Na Uy chỉ chiếm có 6%.

Theo OECD, nhìn chung các nước nói tiếng Anh, các nước Bắc Âu và Hà Lan là những nước có việc làm liên quan đến tự động hóa ít hơn so với các nước ở Đông Âu, Nam Âu, Đức, Chile và Nhật Bản. Trong một số lĩnh vực, theo dự báo, với sự xuất hiện của robot, số lượng nhân viên cần thiết sẽ chỉ còn 1/10 so với hiện nay. Như vậy, 9/10 nhân lực còn lại sẽ phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp. Một dự báo khác của Anh cho thấy, thị trường lao động của Mỹ và Anh sẽ có khoảng 95 triệu lao động truyền thống bị mất việc trong vòng 10 đến 20 năm tới, tương đương 50% lực lượng lao động tại hai nước này.

Tự động hóa được cho là sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến ngành công nghiệp sản xuất tại các nhà máy, ngành nông nghiệp và một số trong lĩnh vực dịch vụ như đưa thư, vận chuyển bưu phẩm, giao thông đường bộ và ngành dịch vụ ăn uống. Phần lớn công việc mà người dân không tìm được vị trí bao gồm công nhân sản xuất đồ ăn nhanh, quản lý máy móc… Không chỉ có vậy, hai hoạt động như thu thập và phân tích dữ liệu cũng được chứng minh sẽ thể hiện tốt hơn với sự tham gia của người máy. Điều này đồng nghĩa với việc lực lượng lao động trong các ngành như kế toán, trợ lý luật sư, môi giới thế chấp… có nguy cơ bị thay thế.

Trong khi đó, một số ngành nghề như thợ làm vườn, sửa ống nước hay nhân viên trông trẻ, chăm sóc người già nhu cầu “người thật” đảm nhiệm sẽ cao do đây là những công việc rất khó để tự động hóa cũng như trả lương tương đối thấp - không phải là một nhân tố thu hút kinh doanh tự động hóa. Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, khi tự động hóa thay thế con người trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, người lao động chắc chắn sẽ phải thích ứng nhanh với sự thay đổi của sản xuất nếu không sẽ bị dư thừa, bị thất nghiệp. Do đó, bên cạnh nhu cầu cấp bách đào tạo lại nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số hiện nay, chính phủ các nước cũng cần có kế hoạch để đối phó với nguy cơ về một làn sóng thất nghiệp tại nước mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thách thức lớn với thị trường lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.