(HNM) - Ngày 27-2 tại Hà Nội, nhằm đóng góp xây dựng văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo khoa học
"Bắt bệnh" thói hư tật xấu của người Việt
Hội thảo diễn ra giữa lúc dư luận đang xôn xao bàn luận về con số giật mình, khi chỉ trong 8 ngày Tết (từ 27 tháng Chạp năm Giáp Ngọ đến mùng 4 Tết Ất Mùi) có đến 6.200 người phải nhập viện vì đánh nhau, trong đó có 15 người chết. GS.TS Đinh Xuân Dũng, Ủy viên Hội đồng Lý luận TƯ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học TƯ nói, ngày Tết là ngày đoàn tụ, con người sẵn sàng xóa đi hận thù để gắn bó, yêu thương nhau nên ông bị sốc vì con số như vậy. Theo ông, đây là một phần hệ lụy của những tật xấu hình thành cùng với nền kinh tế thị trường, trong khi công tác quản lý không đón bắt được trước mà thường thụ động đối phó.
Hà Nội đang trong quá trình hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử, góp phần xây dựng người Thủ đô thanh lịch, |
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng, từ sau đổi mới đến nay, khi sự xung đột giữa căn tính nông nghiệp - nông thôn trong truyền thống và lối sống công nghiệp - đô thị mà Việt Nam đang hướng tới trở nên nghiêm trọng thì hệ giá trị truyền thống càng biến động. Chúng không chỉ là sự bức xúc của dân chúng mà trở thành nỗi lo thường trực của các cấp quản lý. Theo GS Trần Ngọc Thêm, ông và các cộng sự đã phát 6.500 phiếu điều tra trên cả nước. Kết quả cho thấy, có 18 phẩm chất tốt của người Việt Nam đạt trên 30% số phiếu trả lời, đứng đầu là lòng yêu nước, tiếp theo là tính đoàn kết, lòng hiếu khách, tính cộng đồng làng xã và lòng nhân ái, thương người... Nhưng, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, có 5 tệ nạn trầm trọng nhất chiếm trên 30% tổng số phiếu trả lời được xác định là: Tham nhũng (66,6%); quan liêu, cửa quyền (57,6%); hối lộ (42,4%); bạo hành, cướp giật (37,7%); cờ bạc, số đề (33,6%). Đồng thời, 22/34 tật xấu có trên 30% tổng số phiếu trả lời thừa nhận, đứng đầu là bệnh giả dối, nói không đi đôi với làm (81%), kế đến là bệnh thành tích (75,1%) và thiếu ý thức pháp luật (68,2%).
TSKH Đỗ Phạm Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, một trong những nguyên nhân xuất hiện nhiều vấn đề về văn hóa, con người thời gian qua là vì hoạt động giáo dục trong nhà trường, giáo dục ngoài xã hội và giáo dục trong gia đình ít liên kết, bổ sung cho nhau.
GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương: Quá trình tiến hành tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới, vấn đề văn hóa, con người được đặt ở vị trí rất quan trọng trong Văn kiện. Do đó, cần sớm nghiên cứu, tổng kết để hình thành cho được hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị của con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. |
Phải phù hợp nguyện vọng nhân dân
Từ kết quả nghiên cứu, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đề xuất hệ giá trị định hướng cốt lõi toàn diện với 35 giá trị phân làm hai nhóm phổ biến và đặc thù. Nhóm này đã tích hợp toàn bộ 7 đặc tính cơ bản mà Nghị quyết 33-NQ/TƯ của Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nêu ra, gồm: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, sáng tạo. Để đưa hệ giá trị định hướng cốt lõi vào đời sống, trong mỗi giai đoạn, ông đề xuất chọn ra một số giá trị cấp bách làm mục tiêu cụ thể, gọi là hệ giá trị định hướng cốt lõi trọng điểm.
Trong giai đoạn trước mắt (20 năm tới - từ năm 2015 đến năm 2035), GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đề xuất 11 giá trị định hướng cốt lõi trọng điểm xếp thành tháp 5 tầng từ trên xuống dưới, gồm: 3 giá trị phổ biến thuộc về xã hội (dân chủ, công bằng, pháp quyền); 8 giá trị cá nhân con người cần bổ sung và phát triển lần lượt là: Nhân ái và yêu nước; trung thực và bản lĩnh; trách nhiệm và hợp tác; khoa học và sáng tạo.
Chưa thật hài lòng với đề xuất trên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ Vũ Ngọc Hoàng; GS.TS Đỗ Quang Hưng (nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo); PGS.TS Phạm Quang Long (nguyên Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội) đều nhấn mạnh, phải đưa yếu tố tự do và nhân quyền vào hệ giá trị. Đây là những điều đã được Hiến pháp nêu rõ, là giá trị cốt lõi mà mỗi con người, mỗi xã hội đều hướng tới. Các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng hệ giá trị định hướng không nên bó buộc, cần có tính mở để phù hợp với từng giai đoạn. Hệ giá trị phải có tính trao truyền, đặc biệt là phải cân đối được giữa lý tưởng và điều kiện thực hiện, giữa mong muốn của lãnh đạo với nguyện vọng của nhân dân.
GS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam đồng tình với đề xuất không nên giao Bộ VH,TT& DL chủ trì việc đưa hệ giá trị vào cuộc sống, nhưng cũng không đồng ý thành lập một cơ quan trung ương phụ trách vấn đề này. Nhấn mạnh giải pháp giáo dục, ông cho rằng, phải coi giáo dục giá trị trong gia đình là yếu tố đầu tiên. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh tầm hiểu biết và sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa của đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp mới là quan trọng nhất.
Trong khi đó, TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện Nghiên cứu Trung Quốc) cho biết, Trung Quốc đã từng xây dựng hệ giá trị 12 nội dung, nhưng nội dung quá xa vời, nên vẫn chủ yếu tồn tại trên giấy tờ. Đó là điều chúng ta cần quan tâm để tránh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.