Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thách thức chính trị mới với EU

Thùy Dương| 13/06/2019 06:59

(HNM) -

Tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao là nguyên nhân khiến kinh tế Italia chưa thoát khỏi suy thoái.


Quyết định trên xác nhận các đánh giá của Ủy ban châu Âu (EC) rằng Italia vi phạm các quy định tài chính của EU. Sau khi được các chính phủ thuộc EU "bật đèn xanh", EC sẽ quyết định có đề nghị khởi động EDP hay không - điều có thể dẫn tới các trừng phạt tài chính nhằm vào Rome.

Bên cạnh đó, các đại diện chính phủ trong EU cũng ủng hộ giải pháp đối thoại, nhằm tránh phải mở EDP nếu Rome đưa ra được các cam kết phù hợp nhằm cải thiện tình trạng tài chính công của mình. Nếu các cuộc đàm phán với Rome không đạt được đồng thuận, EC có thể đề xuất mở EDP trong cuộc họp vào ngày 26-6 tới.

Là nước có tỷ lệ nợ công lớn thứ hai trong khu vực EU sau Hy Lạp, vấn đề ngân sách trở thành chủ đề gây căng thẳng giữa EU và Chính phủ theo chủ nghĩa dân túy ở Italia từ hồi cuối tháng 9-2018. EU kêu gọi các quốc gia trong khối siết chặt chi tiêu công để giảm thâm hụt ngân sách.

Tuy nhiên, chính quyền dân túy mới của đất nước hình chiếc ủng đã có những tuyên bố khiến các chính trị gia phải ngỡ ngàng như: Nâng mức chỉ tiêu thâm hụt ngân sách lên 2,4% trong 3 năm tới, gấp 3 lần so với chỉ tiêu của chính phủ tiền nhiệm (0,8% GDP); Thay đổi hệ thống lương hưu, thực hiện mức thu nhập tối thiểu mới cho người dân...

Những biện pháp này được cho là có thể bổ sung cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italia từ 4,5 đến 7%. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo EU cho rằng đây thực sự là thảm họa, đi ngược lại những nền tảng đã được hình thành từ trước ở Italia, giữa lúc nước này còn đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế.

Về phần mình, Italia đã nhiều lần kêu gọi EU linh hoạt hơn đối với kế hoạch ngân sách do nước này phải chi nhiều tiền để khắc phục hậu quả đợt thiên tai cũng như vụ sập cầu tại Genoa năm ngoái. Phát biểu trước báo giới hôm 11-6, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte cho biết, Chính phủ đã nhất trí cao độ cần phải tìm giải pháp để tránh bị EU áp dụng EDP, đồng thời khẳng định, các đảng trong liên minh cầm quyền đã hoàn toàn nhất trí, sẽ không triển khai bất kỳ biện pháp "thắt lưng buộc bụng" nào.

Thủ tướng G.Conte cũng nhấn mạnh, thâm hụt ngân sách của nước này có thể giảm xuống còn 2,2% GDP, thấp hơn 0,2% so với dự báo trước đó của Chính phủ. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis cảnh báo việc giảm thâm hụt xuống mức 2,2% GDP vẫn chưa đủ để Italia thoát khỏi các trừng phạt của EU.

Các nhà phân tích cho rằng, bất kể những gì xảy ra với nền kinh tế Italia đều có thể tạo ra tình thế khó khăn cho Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), vốn đang áp dụng chương trình mua trái phiếu để xử lý "núi" nợ công khổng lồ lên tới 131% GDP của nước này.

Nếu Italia tiếp tục nới lỏng chính sách “thắt lưng buộc bụng”, thì mức thâm hụt ngân sách sẽ chưa dừng lại, đồng nghĩa với mức phí mà các thị trường đòi hỏi để nước này vay sẽ tăng cao đáng kể. Hệ quả, ECB có thể phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan, dẫn đến nguy cơ Italia bị vỡ nợ và gây ra một cuộc khủng hoảng mới cho Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Quyết định cuối cùng về việc khởi động EDP sẽ được các bộ trưởng tài chính của EU đưa ra, dự kiến trong cuộc họp ngày 8 và 9-7 tới. Trong lịch sử, EU chưa bao giờ trừng phạt một nước thành viên nào liên quan đến vấn đề ngân sách. Do đó, đây được xem là thách thức chính trị lớn nhất của khối sau khi Anh bỏ phiếu rời khỏi EU 3 năm trước đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thách thức chính trị mới với EU

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.