Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thách thức an ninh nghiêm trọng

Đình Hiệp| 02/07/2015 06:09

(HNM) - Giữa lúc thế giới đang lên án lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đứng đằng sau các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhằm vào ba quốc gia ở ba châu lục tuần qua, Ai Cập lại phải hứng chịu hai vụ đánh bom khủng bố đẫm máu liên tiếp khiến hàng chục người thiệt mạng, bị thương.

Tấn công khủng bố đang là một thách thức an ninh nghiêm trọng với chính quyền của Tổng thống A.F. Al-Sisi.



Các vụ đánh bom khủng bố liên tiếp xảy ra vào thời điểm Ai Cập tổ chức các hoạt động kỷ niệm 2 năm ngày nổ ra cuộc "Cách mạng" 30-6, dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền phe Hồi giáo và cựu Tổng thống Mohamed Morsi hồi tháng 7-2013. Vụ tấn công khủng bố bất ngờ khiến Tổng công tố Hisham Barakat thiệt mạng là hành động bạo lực lớn đầu tiên nhằm vào một quan chức cấp cao của Cairo kể từ năm 2013. Dù Ansar Beit al-Maqdis, một tổ chức thánh chiến đóng tại bán đảo Sinai từng tuyên bố ủng hộ IS tự xưng, đã lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công nhưng dư luận hết sức quan ngại về việc các quan chức ngành luật tại Ai Cập đang trở thành mục tiêu của các phần tử thánh chiến Hồi giáo ở nước này. Động thái trên được cho là hành động phản đối hệ thống luật pháp dưới quyền Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi cũng như án phạt tù dành cho các thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB).

Kể từ khi quân đội lật đổ cựu Tổng thống Mohamed Morsi năm 2013, đến nay ông Barakat đã đưa hàng nghìn người Hồi giáo ra tòa, trong đó có hàng trăm người bị kết án tử hình. Trong số đó có cả những người ủng hộ cựu Tổng thống bị lật đổ Mohammed Morsi và MB, với tội danh kích động bạo lực. Trong bối cảnh hận thù ngày càng gia tăng, sự kiện Ai Cập bị rung động bởi các vụ tấn công khủng bố liên tiếp vừa qua càng làm dấy lên mối lo ngại sâu sắc trong dư luận về nguy cơ bùng phát một làn sóng khủng bố nghiêm trọng mới tại quốc gia Bắc Phi này.

Chính thức nắm quyền vào tháng 6 năm ngoái, Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi đã lập tức ban hành hàng loạt đạo luật dưới danh nghĩa cuộc chiến chống khủng bố và duy trì ổn định, trật tự trong nước. Đáng lưu ý là việc thông qua sắc lệnh chống khủng bố mới hồi tháng 2-2015 nhằm tăng cường các biện pháp an ninh. Đây là một trong những công cụ pháp lý chủ yếu cho phép chính quyền Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi thẳng tay trấn áp các lực lượng chính trị chống đối, tập trung vào MB, lực lượng ủng hộ cựu Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi. Tuy nhiên không ít ý kiến cho rằng, việc siết chặt kiểm soát an ninh trong nước, đặc biệt đối với hoạt động của các đảng phái chính trị, tổ chức xã hội dân sự... của chính quyền đương nhiệm cùng sự phân cực giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn đang ngầm tạo ra một làn sóng chống đối mạnh mẽ trong dân chúng. Làn sóng này có nguy cơ đẩy Ai Cập vào vùng bất ổn mới với những hành động bạo lực bùng phát trở lại. Không những thế, các mối đe dọa tấn công khủng bố, ở cả bên trong (nhóm Ansar Beit al-Maqdis tại bán đảo Sinai) và bên ngoài (tổ chức IS ở Lybia, lực lượng Hamas ở Palestine…) đang có chiều hướng gia tăng, gây thách thức lớn về an ninh đối với Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi.

Kể từ tháng 6-2012 đến nay, Ai Cập không có Quốc hội sau khi cơ quan này bị giải tán chỉ sau 6 tháng hoạt động theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp tối cao. Theo Hiến pháp mới được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý đầu năm nay, cuộc bầu cử Quốc hội Ai Cập sẽ được tổ chức trong vòng 6 tháng kể từ khi Hiến pháp mới có hiệu lực. Mặc dù xác định bầu cử Quốc hội là bước đi quan trọng, lộ trình chuyển giao chính trị cuối cùng, có ảnh hưởng trong thiết lập nền móng của một nhà nước mới tại Ai Cập, nhưng nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, việc trì hoãn quá lâu tiến trình bầu cử Quốc hội như hiện nay đang làm tăng nguy cơ bất ổn.

Theo đó, một số thách thức mà Ai Cập sẽ phải đối mặt là tình trạng bạo lực và khủng bố ngày càng gia tăng và có chiều hướng lan rộng. Để đối phó với những thách thức này, việc chính quyền đương nhiệm đưa ra các biện pháp chống khủng bố, tăng cường hợp tác với liên minh quốc tế chống khủng bố thôi dường như là chưa đủ. Vì thế, một quá trình chuyển giao chính trị cuối cùng - cuộc bầu cử Quốc hội theo hướng ủng hộ một chính quyền quân sự - thật chóng vánh đang được xem là hết sức cần thiết để có thể làm "giảm nhiệt" tại quốc gia Bắc Phi đang nóng bỏng.

AP ngày 1-7 đưa tin, ít nhất 30 binh sĩ Ai Cập vừa thiệt mạng và 40 người bị thương trong làn sóng tấn công vào các căn cứ quân sự ở phía bắc Bán đảo Sinai. Người phát ngôn quân đội Ai Cập, Chuẩn tướng Mohammed Samir cho biết, khoảng 70 phiến quân đã đồng loạt tấn công vào 5 chốt an ninh và 22 tên trong số này đã bị tiêu diệt khi quân đội phản kích. Giao tranh vẫn đang diễn ra giữa lực lượng an ninh và nhóm phiến quân nên số thương vong có thể tăng lên. Trong một tuyên bố được đăng tải trên mạng, IS tự xưng đã lên tiếng nhận thực hiện các vụ tấn công trên, trong đó khẳng định nhóm này đã tấn công hơn 15 chốt an ninh của quân đội Ai Cập.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thách thức an ninh nghiêm trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.