Nông thôn mới

Thạch Thất phát huy giá trị sản phẩm OCOP

Nguyễn Mai 25/08/2023 - 06:58

Thạch Thất là một trong số những địa phương đứng đầu thành phố Hà Nội về số lượng sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đánh giá, xếp hạng, công nhận.

Không chỉ nhiều về số lượng, các sản phẩm OCOP của Thạch Thất còn phát huy giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp thay đổi tư duy sản xuất của các chủ thể tham gia chương trình.

thach-that.jpg
Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn năm 2023 được tổ chức tại huyện Thạch Thất từ ngày 17 đến 21-8-2023.

Nâng cao giá trị sản phẩm

Thạch Thất nằm ở phía Tây của thành phố Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô 25km. Là khu vực chuyển tiếp giữa vùng núi và trung du phía Bắc với vùng đồng bằng, kết nối liên vùng Tây Bắc với hệ thống giao thông thuận lợi, có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển kinh tế. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có Đại học Quốc gia Hà Nội, quy hoạch đô thị vệ tinh Hòa Lạc với diện tích 17.074ha, là cơ hội lớn để Thạch Thất phát triển trong tương lai. Toàn huyện có 50 làng có nghề, trong đó có 10 làng nghề được UBND thành phố công nhận là làng nghề truyền thống. Huyện cũng có đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, là lợi thế khi thực hiện Chương trình OCOP.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng, đến nay, Thạch Thất đã có 142 sản phẩm OCOP được UBND thành phố đánh giá, xếp hạng; trong đó có 114 sản phẩm đạt 4 sao, 28 sản phẩm đạt 3 sao. Nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, như: Sản phẩm gỗ trường kỷ, đồng hồ, sập thờ của hộ kinh doanh Nguyễn Trung Đức (xã Canh Nậu); rau ăn lá, củ, quả theo mùa của Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (xã Hương Ngải); rau hữu cơ của trang trại Hoa Viên (xã Yên Bình)…

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải Nguyễn Đỗ Ban chia sẻ, hợp tác xã đã tham gia Chương trình OCOP từ năm 2019. Sau khi được công nhận, sản phẩm OCOP của hợp tác xã được tiêu thụ theo chuỗi ở các siêu thị và bếp ăn tập thể nhiều hơn, thu nhập của các hộ tham gia vào hợp tác xã cao hơn.

Thực tế cho thấy, các sản phẩm làng nghề truyền thống, nông sản trên địa bàn huyện được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP sẽ mở ra cơ hội mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể. Tham gia Chương trình OCOP, các hộ nông dân chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung, theo hướng an toàn, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Trần Đức Thanh cho biết, nhờ triển khai hiệu quả Chương trình OCOP, các chủ thể chuyển từ sản xuất truyền thống sang hiện đại, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, thay đổi mẫu mã..., đáp ứng nhu cầu thị trường; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Kết quả thực hiện Chương trình OCOP đã đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung trên địa bàn huyện. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn toàn huyện ước thực hiện năm 2023 đạt 35.913.480 triệu đồng, tăng trưởng đạt 12,5%/năm và ước thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là 100 triệu đồng/người và mục tiêu đến năm 2025 là 120 triệu đồng/người.

Tăng cường hỗ trợ các chủ thể

Năm 2023, huyện Thạch Thất phấn đấu có thêm từ 20 đến 30 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Đồng thời, tổ chức, đánh giá, phân hạng cho 49 sản phẩm OCOP đã hết thời gian; tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Để hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, UBND huyện Thạch Thất phối hợp với các đơn vị tư vấn hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có sản phẩm tham gia OCOP sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ. Đối với chủ thể tham gia OCOP tại các làng nghề, tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm… phù hợp nhu cầu thị trường và chuẩn bị hồ sơ để trình UBND thành phố đánh giá, phân hạng vào cuối năm 2023.

Để tiếp tục nâng cấp các sản phẩm đã tham gia OCOP và phát triển các sản phẩm đăng ký mới, thời gian tới, huyện sẽ tăng cường những giải pháp trọng tâm, như: Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu, bao bì đóng gói sản phẩm, in tem OCOP; tham gia chuỗi liên kết chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng; xây dựng sản phẩm OCOP làm quà tặng để giới thiệu với khách hàng trong nước, quốc tế và bán tại các điểm du lịch…

Từ ngày 17 đến 21-8 vừa qua, UBND huyện Thạch Thất đã phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội tổ chức Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn năm 2023. Thông qua tuần hàng này, giúp các doanh nghiệp, cá nhân nhận diện, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các chủ thể sản xuất, cung ứng sản phẩm OCOP bảo đảm tiêu chuẩn, yêu cầu, thủ tục của nhà phân phối, thị hiếu của người tiêu dùng...

Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2025, huyện Thạch Thất sẽ nỗ lực hoàn thành mục tiêu có 300 sản phẩm được xếp hạng OCOP từ 3 đến 5 sao và tiếp tục là điểm sáng trong thực hiện Chương trình OCOP của thành phố Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thạch Thất phát huy giá trị sản phẩm OCOP

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.