Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thả nổi đến bao giờ?

Chí Kiên| 21/03/2011 07:18

(HNM) - Nguồn giống thủy sản bảo đảm chất lượng cung cấp cho các vùng nuôi trong cả nước đang thiếu hụt trầm trọng, đặc biệt là giống tôm sú và cá tra. Tình trạng này xuất phát từ nguồn cá bố mẹ đang bị lão hóa; việc tranh mua con giống vào thời điểm thị trường thủy sản nguyên liệu sốt giá dẫn đến hiện tượng đẻ ép, làm con giống không đủ chất lượng.


Thiếu số lượng, bất ổn chất lượng

Bộ NN&PTNT cho biết, hiện cơ sở sản xuất con giống thủy sản tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Nam Trung bộ với gần 2.800 trại giống. Năm 2010, cá tra giống có khoảng 1,8 tỷ con, tôm sú 25 tỷ con, tôm thẻ chân trắng 20 tỷ con... Dù vậy, ngành thủy sản vẫn đang phải đối mặt với thực trạng thiếu trầm trọng về số lượng và bất ổn về chất lượng con giống.


Bể nuôi các loài cá đặc sản ở Trung tâm quốc gia Giống thủy sản nước ngọt miền Bắc. 


Theo ông Lê Viễn Chí, Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), tại ĐBSCL hiện có 175 cơ sở sản xuất cá tra giống với diện tích 5.420ha. Số cơ sở này chỉ bằng hơn 80% so với thời điểm cuối năm 2009 nhưng lại sản xuất ra lượng cá giống tăng đến 19% vì nhu cầu tăng. Thực tế này khiến chất lượng giống cá tra thời gian gần đây có dấu hiệu suy thoái, do chất lượng đàn cá bố mẹ không bảo đảm, đẻ non và đẻ nhiều lần trong năm. Nhiều vấn đề về cận huyết, sắc tố da (da trắng, da hồng), tỷ lệ sống từ cá bột lên cá giống thấp (dưới 12%)... đã làm đàn cá chậm lớn, giảm sức đề kháng, dễ nhiễm một số loại bệnh phổ biến và nguy hiểm như trắng mang, trắng gan, xuất huyết, gan...

Mới đây, Đại học Cần Thơ vừa công bố một nghiên cứu về con giống cho thấy, tỷ lệ cá tra nhiễm bệnh ở một số vùng nuôi lên đến gần 100%. Các chuyên gia dự báo, tình huống xấu này có thể xuất hiện và phát triển mạnh trong năm nay, do cung thấp hơn cầu nên người nuôi phải tranh mua mọi nguồn cá giống. Để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến, một số cơ sở đã vét cá giống từ nhiều nơi về cung cấp cho người nuôi nhưng gần như thả nổi công tác kiểm dịch.

Với tôm giống, nguồn cung cũng không đủ cầu do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa có trại giống đạt chuẩn. Tại Cà Mau, mặc dù chiếm tới 40% diện tích nuôi tôm sú cả nước nhưng trong số 819 trại sản xuất giống thì có đến 300 trại nằm ngoài quy hoạch; 50% số trại trong quy hoạch không đạt tiêu chuẩn về an toàn dịch bệnh, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng. Hà Nội, theo Chi cục Thủy sản, hiện có khoảng 20 cơ sở sản xuất giống thủy sản, mỗi năm cung cấp khoảng 1 tỷ con giống nhưng phần lớn phát triển tự phát, quy mô nhỏ lẻ nên chất lượng con giống chưa ổn định, chưa kiểm soát được chất lượng, dịch bệnh. Đáng lo ngại là tại ĐBSCL, khi nhu cầu tôm sú giống khoảng 25 tỷ con, tôm thẻ chân trắng khoảng 20 tỷ con nhưng do chi phí kiểm dịch quá cao nên nhiều cơ sở bỏ qua công đoạn này, cũng không khai báo, con giống cứ thế trôi nổi trên thị trường, vào cả ao nuôi có nguy cơ dịch bệnh.

Cần đầu tư bền vững

Sự thiếu hụt nguồn cá giống sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vụ nuôi cá 2011 - 2012. Để giải quyết vấn đề này, mới đây, tại Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra, nuôi tôm nước lợ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, cuối năm 2011 sẽ chuyển giao 100.000 con cá tra hậu bị cho ĐBSCL. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, đàn cá hậu bị đang được nuôi dưỡng tại Viện phát triển khá tốt, cuối năm 2011 sẽ được chuyển về các địa phương để thay thế đàn cá bố mẹ, nhằm nâng cao chất lượng cá tra thương phẩm trên thị trường. Ngoài ra, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II cũng đang gấp rút xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về giống cá tra, cá basa để chuyển đến Chi cục Thủy sản các tỉnh, đồng thời cho nhân giống đàn cá bố mẹ hậu bị để có thể sinh sản được ngay sau khi được chuyển giao cho các trại giống, bảo đảm sản xuất khoảng 2,5 đến 2,6 tỷ con giống cho năm 2011. Về con tôm, theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, năm 2011, tôm sú vẫn là đối tượng nuôi chính, Bộ sẽ sớm ban hành tiêu chí cho vùng nuôi và phấn đấu 50% diện tích nuôi tôm được đánh số, thực hiện truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, tăng cường chuyển giao kỹ thuật nhân giống để các địa phương chủ động nguồn giống.

Để đưa ngành thủy sản phát triển bền vững, nâng cao giá trị xuất khẩu, các chuyên gia cho rằng đầu tư con giống là chiến lược lâu dài, quyết định đến thành quả sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, phải sớm có quy hoạch phát triển trên cơ sở phù hợp với điều kiện, lợi thế từng vùng, miền. Trước mắt, muốn kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống thì phải phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý ở trung ương, địa phương theo hướng tăng cường quyền cho cơ quan quản lý địa phương; trang bị đầy đủ thiết bị máy móc, cán bộ kỹ thuật, cơ sở vật chất kỹ thuật để hoạt động có hiệu quả (tránh tình trạng chỉ có văn bản giao nhiệm vụ còn trang thiết bị máy móc không được đầu tư, con người thì thiếu...). Bên cạnh đó, cần xây dựng tiêu chuẩn mẫu cho trại giống, chỉ cho phép những cơ sở, cá nhân và tổ chức đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định được hoạt động, tránh tình trạng phát triển ồ ạt không theo quy hoạch, ảnh hưởng xấu đến chất lượng con giống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thả nổi đến bao giờ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.