Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tết ngày xa xưa

Nguyễn Việt Hà| 15/02/2018 22:18

(HNM) - Không phải ngẫu nhiên mà những cổ tích hoang đường lãng mạn nhất của người Việt thường mở đầu rằng:


Thảng nếu có, như khu Kim Liên, Trung Tự chẳng hạn, thì cũng chỉ cao vừa đủ để cho một chàng trai đang yêu đứng dưới lòng đường, vọng lên những lời tình tứ cho một cô bé dối cha mẹ đang giả vờ tưới hoa ở ban công. Thời ấy, những người chân thành yêu nhau thường bẽn lẽn, Tết nhất chính là một dịp bằng vàng để cho bọn họ liều lĩnh hẹn hò. Tất nhiên, hầu hết những cuộc hẹn là loay hoay khổ nhọc, bởi chuẩn bị Tết với từng nhà, không cứ quan hay dân, luôn là sự lo toan công phu tuyệt vời vất vả.

Mà có gì đâu, đã không biết bao nhiêu người kể rồi, toàn là những thứ giờ đây tràn ngập ở những “siêu thị rẻ tiền”. Hộp bánh kẹo Hải Hà bọc giấy bóng mờ thủng lỗ chỗ. Chai rượu hoa quả hoặc mơ hoặc chanh, nếu được "Lúa mới" thì sang quá. Thượng thặng là gói thuốc lá Điện Biên hay Tam Đảo bao bạc. Còn đâu, trong túi ni lông hàng Tết chỉ giản dị bóng, miến, một ít nấm hương, mộc nhĩ thỉnh thoảng có mùi hôi mốc. Mọi người đều phải dậy sớm xếp hàng, mọi thứ đều phải mua bằng "bìa", một loại tem phiếu đặc trưng mà giờ đã “thất truyền”. Bởi nó rẻ, nó đem lại một sự dư dật bình quân theo đúng nghĩa đến từng người lao động đã cả năm quần quật tảo tần vừa sản xuất vừa chiến đấu.

Vì thế, những thiếu nữ chưa chồng vào dịp Tết của thời ấy bận lắm, không “nhàn cư vi bất thiện” như đám con gái tóc xanh tóc đỏ của Tết hôm nay. Biết người yêu đang ngong ngóng thập thò chờ ở cột điện chỗ ngã tư đầu phố với lời hẹn là hai đứa sẽ đi mua hoa, nhưng phải rửa cho xong rổ lá dong để gói bánh chưng đã. Nhà có túng thì cũng phải gói lấy vài đôi bánh, rồi đem ra tổ phục vụ tiểu khu (một loại hình "căng tin" chỉ tồn tại trong thời bao cấp) nhờ luộc thuê với giá rẻ giật mình. "Mẹ ơi, xong hết rồi, con đi mua luôn cành đào nhé". Bà mẹ nhìn cái vẻ vừa hấp tấp vừa kỹ càng trang điểm của con gái thì thừa biết, bởi có một thời chính bà cũng vậy, và mắng yêu: "Bố cô, đi chợ hoa thì cứ mua hoa, nhớ là về sớm. Còn mua đào thì cô không đến lượt".

Thiếu nữ đang lần đầu yêu cười trừ nhớ ra, mua đào là đặc quyền của những ông bố. Bởi cánh đàn ông thị dân luôn mặc định việc sửa soạn bàn thờ tổ tiên và mua cành đào chơi Tết là nghi lễ thiêng liêng. Tất tật những sự vụ khác kiểu như cỗ bàn, lau dọn nhà cửa... là chuyện vụn vặt của đám đàn bà. Thường thì họ rủ thêm một hay hai tay bạn thân, đa phần là những trung niên khó đoán tuổi, cho dù tóc đã bạc tới sáu bẩy phần. Bọn họ thong thả mặc cái ghi lê len ra ngoài sơ mi, khoác áo vét vào, đội mũ phớt vào, có tay sành điệu cầm cả "can", miệng ngậm tẩu. Nhìn những ông bố có tuổi kiêu bạc, thanh thản khệnh khạng đi ngắm hoa chọn đào trong chiều mưa phùn cuối Chạp giăng mịn rêu phong phố cổ mới thấy Hà Nội tinh tế đẹp đến nao lòng.

Thế nhưng đẹp nhất vẫn là những đôi trẻ đang yêu. Tết ở Hà Nội hầu như năm nào cũng rét ngọt nên nàng mặc một cái măng tô dạ mỏng (áo blouson nhập ngoại hồi ấy hiếm vô cùng), chắc là của cô chị đi lấy chồng để lại. Cổ hơi sờn, gấu hơi sờn nhưng nó được mạng khéo tới mức mà đám đàn bà thời nay tuy ngón tay có dẻo nhờ miệt mài bấm smartphone cũng chịu không thể làm nổi. Lưng áo có một miếng vá nhỏ bằng đồng xu, do bị bọn trẻ con hôm sát Tết nhỡ tay ném pháo, phải tinh mắt lắm mới có thể nhìn ra. Để tìm được miếng vá cùng màu, nàng đã phải lục tung cả cửa hàng may quần áo quen trong ngõ nhỏ phố Bà Triệu. Suốt sáng chờ giao thừa, nàng vừa chầm chậm vừa nức nở khóc thầm. Trời cao không phụ gái thảo, miếng vá ấy đúng là một kiệt tác của handmade.

Sung sướng quá, suýt nữa rét thế này mà nàng định ra chỗ hẹn với phong cách "thời trang phang thời tiết" bằng phong phanh cái áo len tự đan "cốt ăng lê" màu tím sẫm. Thực ra với chàng, cái áo len cổ lọ ấy mới thập phần quyến rũ. Vừa đoan trang vừa "xếch xi", nó nồng nàn kín đáo ôm trọn cái cổ cao vút trắng ngần của nàng. (Sao mà hồi ấy ăn uống kham khổ như thế mà các thiếu nữ lại có nước da trắng hồng đến thế. Nó khác hẳn ngày nay, nhiều quý bà quý cô bôi đủ các loại mỹ phẩm lừng danh mà màu da vẫn nhờ nhờ). Chàng chờ lâu rồi, cứ nhìn những mẩu thuốc cuộn Lạng Sơn hôi mù la liệt dưới chân thì biết. Phố xá đã phơn phớt tím lên đèn, hai đứa âu yếm đèo nhau bằng xe đạp. Nếu sang là xe Mi-pha hay Phượng Hoàng, bình bình hơn là Thống Nhất. Tết có khác, chàng diện áo khoác kaki, tất nhiên cũng là của bố, cũng có thể là của ông nội.

Chân đi đôi giày giả da, lúc nãy chờ đợi, để đỡ sốt ruột chàng có âm thầm nhổ nước bọt lau bóng nó lại. Rồi giống như bao đôi trẻ đang lâng lâng hạnh phúc trôi trên những phố cổ, nàng khẽ tựa đầu vào lưng chàng. Tóc của nàng đằm thắm mùi lá hương nhu, mùi của lá mùi già, mùi của thanh sạch Tết. Chàng hít hà ngây ngất, lạc tay ngoắc vào ghi đông của một cặp đang yêu khác làm bốn đứa cùng ngã lăn quay. Trong khi hai chàng trẻ hơi hơi gầm gừ nhìn nhau thì cả hai cô gái cùng mềm mại can ngăn. Đàn bà của thời không có Facebook thường ôn nhu nồng nàn nữ tính. Cũng có thể mọi sự hồi ấy đều quá vất vả nên mọi người luôn biết thương nhau. Chàng này lắp bắp xin lỗi, còn chàng kia dễ dàng bỏ qua.

Tết ở ngày xưa hoang đường đẹp như cổ tích. Nó long lanh lấp lánh như một giấc mơ có thật. Và nhờ những giấc mơ tuyệt vời lãng mạn nửa thực nửa hư đó, mà Hà Nội hôm nay vẫn nguyên vẹn nghìn năm là Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết ngày xa xưa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.