(HNMCT) - Giống như nhiều hình thái văn hóa khác, Tết truyền thống cũng đang phải chịu những “va đập” khi tồn tại trong một xã hội hiện đại. Trước sự đòi hỏi bức thiết của cuộc sống công nghiệp, Tết cổ truyền sẽ phải được gìn giữ và bảo tồn dưới hình thức nào, Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ về vấn đề này.
- Vài năm trở lại đây, việc giữ Tết, gộp Tết hay bỏ Tết ngày càng được đưa ra bàn luận nhiều hơn. Phải chăng Tết với một số người giờ đã không còn háo hức, thưa ông?
- Không phải bây giờ mà từ thế kỷ XV đến hết thời phong kiến, rất nhiều nhà Nho như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tú Xương đã viết những bài thơ buồn về Tết, có người ngụ ý rằng giá như không có Tết thì hơn. Thơ xuân thời xưa thường buồn. Cái buồn của năm tháng, dâu bể, nhưng lại ngấm vào cảnh vật. Nói thế để thấy rằng, vui hay buồn, nhạt hay đậm là do từng người cảm nhận cái Tết. Với một số người có hoàn cảnh đặc biệt như nghèo túng, tha hương hoặc những người trong tâm họ không thích sự xôn xao... thì sẽ không thích Tết. Họ cảm thấy Tết nhiều khi là gánh nợ.
Ngày xưa ông bà ta thường gọi là “chạy Tết” vì họ phải “chạy” từ lạng chè, cân thịt, con gà, cân miến... Trước và sau Cách mạng Tháng Tám, rất nhiều người nghèo phải “trốn” Tết vì có phong tục Tết phải trả hết nợ. Họ đi đâu đó trốn Tết rồi đêm 30 trở về thắp hương. Những người như thế họ chả thích gì Tết cả. Nhưng họ chỉ là số ít, giống như những ý kiến cho rằng cần bỏ Tết cổ truyền hay gộp Tết ta vào Tết Tây, họ chỉ là số ít và không đại diện cho số đông những người Việt Nam vẫn háo hức mong chờ cái Tết khi xuân về.
- Vậy theo ông, chúng ta dựa vào đâu để khẳng định Tết cổ truyền vẫn còn mang nhiều giá trị trong đời sống người dân nước Việt?
- Tết có một công lao vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và tồn tại một quốc gia Việt Nam thống nhất. Trong một hành trình 2.000 năm ròng rã kể từ khi chúng ta hội nhập vào cộng đồng sử dụng lịch pháp âm lịch, cho đến ngày nay chúng ta có 54 dân tộc cùng ăn Tết trên Tổ quốc Việt Nam, trong đó, cùng ăn một cái Tết chung là biểu hiện của cả quá trình cố kết quốc gia đó. Tết tạo nên một biểu tượng hội nhập và khẳng định tính cộng đồng quốc gia và điều đó đã diễn ra liên tục suốt chiều dài lịch sử. Đó là sự đồng thuận rất tự nhiên về văn hóa trong đó có đóng góp vô song của Tết.
Tết truyền thống còn gọi là Tết Cả vì nó mở đầu cho một năm và nó mang trong mình nhiều giá trị. Thứ nhất, như tôi đã nói là tính cố kết cộng đồng dân tộc, từ cộng đồng nhỏ đến cộng đồng lớn. Tết là dịp người ta mang tâm thức trở về với chính gia đình mình, đó là cộng đồng hạt nhân của xã hội, sau đó là làng quê rồi đến những cộng đồng rộng lớn hơn. Thứ hai, Tết bình đẳng cho mọi người, cả những người nghèo hay những người mất quyền công dân... Thứ ba, Tết là dịp sám hối, là cơ hội nhìn lại một năm qua mình đã làm được những gì. Xa hơn là nghĩ về ông bà tổ tiên, nghĩ về cội nguồn của mình. Thứ tư, Tết là hy vọng, là sự mong ngóng vào một năm mới tốt đẹp hơn, sung túc hơn.
Đặc biệt Tết là dịp thực hành và thể hiện những ứng xử văn hóa tử tế và mẫu mực. Ngày Tết không được nói điều gở, không được gây sự, không được cãi nhau, trước Tết họ thường nhắc nhau trả nợ để mong một năm rảnh rang không vướng bận. Tết là cơ hội thể hiện sự kính trên nhường dưới, biếu quà người già, lì xì em nhỏ..., tất cả tạo ra một ứng xử mẫu mực của lối sống tử tế. Đó là cơ hội để thực hành tập dượt một lối sống lễ nghĩa. Về mặt tinh thần, Tết còn là sự bùng nổ của cái đẹp, của màu sắc, âm thanh. Các hoạt động đi hát sắc bùa, mời các đoàn chèo về hát, hát ca trù, trang trí nhà cửa với màu đỏ và màu vàng, mua tranh Đông Hồ, làm câu đối mới, sắm quần áo đẹp...
Với góc độ quan sát như vậy, giới nghiên cứu văn hóa chúng tôi gọi đó là sự tích tụ văn hóa, là thời điểm mạnh của cuộc sống, chính nó vừa là cuộc sống vừa là sự trình diễn trước cộng đồng và cùng với cộng đồng... Tất cả những cái đó cộng lại, nó chính là một di sản văn hóa phi vật thể quan trọng mà tổng thể văn hóa dân tộc đã sáng tạo nên.
- Vậy ông đánh giá thế nào về xu hướng ăn Tết theo phong cách mới, đóng cửa đi du lịch, chúc Tết qua mạng xã hội, đó có phải là một sự chối bỏ Tết không?
- Cách thức ăn Tết thế nào không quan trọng. Tết còn là sự tự do. Nhà nghèo ăn Tết theo cách nhà nghèo. Nhà giàu ăn Tết theo cách nhà giàu. Người bận rộn ăn Tết có thể qua loa; các bác sĩ, bộ đội, công an... có thể đón Tết ngay nơi làm việc; các bạn trẻ gần đây lại thích Tết là phải đi du lịch và ăn Tết ở một nơi xa... Tất cả đều không có một văn bản hay quy định nào bắt buộc cả. Thậm chí ai không thích Tết có thể “đứng ngoài”.
Ngày xưa, từ đời Tiền Lê, ông cha ta đi mở cõi về phương Nam, rồi dần dần đến thế kỷ XVIII đã vào tận Đồng bằng sông Cửu Long thì làm sao về ăn Tết cùng quê hương bản quán được. Ông cha ta vẫn có cách để hưởng cái Tết cho riêng mình. Họ tổ chức tại đó, đúng 30 Tết thắp nén hương thơm hướng về nguồn cội, thế cũng là Tết.
Gần hơn là các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là những cái Tết xa nhà nơi chiến trường ác liệt nhưng vẫn đậm đà hương vị Tết bởi ở đâu mà tấm lòng chúng ta hướng tới cội nguồn, hướng về tổ tiên về nơi mình đã sinh ra thì ở đó vẫn có Tết. Giá trị bất vong bản, giá trị hướng về cội nguồn, gia đình vẫn còn dù hình thức ăn Tết có khác đi. Tết là “lệ”, là phong tục chứ không phải là “luật”, nó tự do cho nhiều sự lựa chọn.
- Theo ông, thời gian tới chúng ta cần phải làm gì để giữ Tết truyền thống?
- Về mặt hình thức, tất cả những gì tiêu cực, vi phạm pháp luật, mất an ninh trật tự xã hội, hủ tục, lãng phí, tốn kém, đặc biệt là biếu xén quà cáp mang ý đồ hối lộ... phải loại bỏ dần. Nhà ít tiền, ít của không nên cố sắm Tết, lễ lạt cho bằng người ta mà phải hành động theo điều kiện và hoàn cảnh của mình. Cần nhất là đẩy mạnh việc tuyên truyền để mọi người lựa chọn một cái Tết tự do theo nhu cầu của mình.
Về kinh tế, nghỉ Tết dài hay ngắn sẽ tùy thuộc vào các chính sách của quốc gia, của các tổ chức kinh tế. Nếu có những chính sách mà tất cả đều thấy cái lợi trong đó, thì người ta sẵn sàng ăn Tết ngắn lại, hoặc ăn Tết dài ra sao cho phù hợp với hoàn cảnh lao động mà không làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Đó là ứng xử hết sức mềm dẻo. Đặc biệt, để lưu giữ những giá trị truyền thống, phải đảm bảo làm tốt 4 công việc: Thấu hiểu - bảo tồn - phát triển - quảng bá. Nghĩa là phải đẩy mạnh nghiên cứu để thấu hiểu ý nghĩa và giá trị của Tết cổ truyền.
Khi đã biết được giá trị của nó rồi, người ta sẽ tự khắc ý thức nó như một di sản văn hóa của dân tộc. Từ ý thức đó chúng ta hành xử và đối xử với Tết với tư cách là một di sản lớn của cả một cộng đồng văn hóa. Phát triển nghĩa là cần lựa chọn những giá trị truyền thống nào của Tết còn phù hợp đến ngày nay như những giá trị về chân - thiện - mỹ, các nét đẹp ngàn đời của lễ hội để gìn giữ và phát huy. Còn những cái ngày xưa có nhưng giờ không còn phù hợp nữa như nạn ép rượu, mời rượu dễ gây ra những hậu quả khôn lường, rồi nạn cờ bạc suốt tháng Giêng... thì phải tuyên truyền, xóa bỏ dần.
Cuối cùng, quảng bá và tuyên truyền về Tết để người dân Việt Nam nói chung và người dân trên toàn thế giới nói riêng biết về di sản tiêu biểu đáng tự hào của người Việt, từ đó góp phần lưu giữ và truyền bá nét đẹp ấy đến bè bạn bốn phương. Tết nhờ thế sẽ được lưu giữ và trường tồn.
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.