Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tết đến, chớ “đùa” với rượu!

Thu Trang| 16/02/2015 06:40

(HNM) - Việc lạm dụng rượu bia trong dịp Tết không chỉ là một phần nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, mà còn khiến nhiều người bị nghiện, dẫn đến rối loạn tâm thần. Thậm chí, sự


Nhập viện 10 lần để điều trị loạn thần

Thống kê của Bệnh viện (BV) Tâm thần Hà Nội cho thấy, trung bình mỗi tháng có 20-30 bệnh nhân loạn thần phải nhập viện do nghiện rượu. Đặc biệt, cứ sau mỗi dịp lễ, Tết, số bệnh nhân nhập viện lại tăng vọt, lên đến 50-60 trường hợp/tháng.

Lạm dụng rượu bia là nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm thần. Ảnh: Thái Hiền



Rượu là nguyên nhân khiến nhiều người lâm vào cảnh sống bi đát. Chẳng hạn như Trần Huỳnh Điệp (ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội), tuy mới 33 tuổi nhưng đã có "thâm niên" 10 lần nhập viện để điều trị loạn thần. Lần gần đây là sau dịp Tết Dương lịch 2015, Điệp được gia đình đưa vào BV Tâm thần Hà Nội vì họ không chịu được những hành động kỳ quặc của anh: Lúc la hét, khi lảm nhảm chửi bới, đánh đập người thân. Người nhà cho biết, Điệp nghiện rượu từ năm 20 tuổi. Từ đó đến nay, trung bình mỗi ngày anh uống từ 1 đến 1,5 lít rượu, chủ yếu là rượu "nút lá chuối" rẻ tiền. Thậm chí, trong dịp cuối năm tụ họp với bạn bè, Điệp có thể uống đến 2-3 lít rượu/ngày. Thời gian đầu, khi mới nhập viện, Điệp không chịu hợp tác, đánh cả bác sĩ; phải rất vất vả thì các bác sĩ mới có thể tiêm được liều thuốc an thần cho bệnh nhân. Mặc dù mang trong mình đủ các chứng bệnh như đái tháo đường, viêm gan, thận, huyết áp và lần nào vào điều trị cũng được các bác sĩ cảnh báo về sức khỏe nhưng Điệp vẫn không cai được rượu.

Bệnh nhân Nguyễn Xuân Liên (65 tuổi ở Lê Duẩn, Đống Đa, Hà Nội) là người có "kỷ lục" nghiện rượu trên 30 năm. Bệnh nhân này "gắn bó" với BV từ năm 2000 đến nay, trung bình mỗi năm ông vào viện 2 đợt, mỗi đợt kéo dài 1-2 tháng. Tuy nhận thức được sự nguy hại của việc nghiện rượu và sự tàn phá sức khỏe của nó, thế nhưng khi nói chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Liên cho biết, cứ không uống là ông lại thèm, không chịu được. Mặc dù sức khoẻ còn rất yếu nhưng ông một mực đòi các bác sĩ ở BV cho về nhà... để tiếp tục uống rượu.

Phó Trưởng khoa Điều trị nghiện chất (BV Tâm thần Hà Nội) Nguyễn Thị Kim Cúc cho biết, khoa tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do rượu. Biểu hiện lâm sàng của bệnh loạn thần do rượu rất phong phú, trong đó hơn 80% bệnh nhân có ảo giác, hơn 70% có biểu hiện hoang tưởng; đa số bị rối loạn cảm xúc, thường xuyên lo âu, hoảng sợ và trầm cảm... Hiện nay, số người nghiện, lạm dụng rượu chủ yếu vẫn là nam giới, nhiều bệnh nhân phải thường xuyên quay lại BV điều trị do tái nghiện. "Muốn chấm dứt loạn thần do rượu, trước hết bệnh nhân phải cai được rượu. Dù được các bác sĩ chuyên khoa giỏi nhất điều trị đúng cách nhưng nếu bệnh nhân không chịu cai rượu thì bệnh sẽ tái đi tái lại. Thêm vào đó, điều trị loạn thần do rượu mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi gia đình bệnh nhân phải phối hợp chặt chẽ với bác sĩ, giám sát bệnh nhân kỹ càng, giúp bệnh nhân ngừng uống rượu. Thế nhưng, nhiều gia đình bệnh nhân lại không tin người thân mình bị loạn thần mà nghĩ do bị ma nhập. Do đó, thay vì vào viện điều trị thì lại đưa người nghiện đi cúng bái để đuổi tà ma", bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc nói.

Hậu quả khôn lường

Cùng với chứng loạn thần do sử dụng ma túy đá, loạn thần do rượu là vấn đề rất "nóng", để lại nhiều hậu quả đau lòng. Theo kết quả nghiên cứu của thế giới, tỷ lệ người nghiện rượu thường chiếm 2-3% số người trưởng thành và 10% trong số đó đối diện với các rối loạn tâm thần. Không ít người nghiện đã làm khổ gia đình, đánh chửi bố mẹ, thậm chí gây ra cả án mạng.

Trước thực tế trên, Giám đốc BV Tâm thần Hà Nội Lý Trần Tình cho biết, bệnh loạn thần do rượu thường xảy ra ở những người nghiện rượu mạn tính, khiến họ có cảm giác hoang tưởng, ảo giác. Khi đó, bệnh nhân sẽ bị rối loạn hành vi, không kiểm soát được bản thân. Biểu hiện cụ thể của họ là luôn cảm thấy ai đó tấn công mình và muốn tấn công người khác, ghen tuông một cách vô cớ và thường xuyên có hành vi bạo lực với vợ, con và người thân trong gia đình. Những người rơi vào tình trạng này sẽ không nghe ai khuyên răn bởi đã bị sự hoang tưởng chi phối, sẵn sàng gây sự với người khác, giết người hoặc có thể tự hành xác mình.

Qua khảo sát tại BV Tâm thần Hà Nội, bệnh nhân loạn thần do rượu chủ yếu là những người lao động phổ thông, có mức sống trung bình trở xuống. Sử dụng rượu giá rẻ, nhiều độc tố là một trong những nguyên nhân của hiện tượng này. Giám đốc BV Lý Trần Tình cảnh báo, ngoài nguy cơ tâm thần, sử dụng rượu không bảo đảm an toàn còn khiến người dùng đối mặt với nhiều bệnh nguy hiểm khác như gan, tiểu đường, huyết áp. Nếu sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, chứa độc tố thì có thể gây ra ngộ độc, thậm chí tử vong.

Việc điều trị các triệu chứng ở người bệnh loạn thần do rượu phải mất khoảng từ 2 đến 3 tuần, bằng cách dùng thuốc an thần kết hợp thuốc giải lo âu, vitamin, bồi phụ nước điện giải, thuốc chống trầm cảm… và đặc biệt là bệnh nhân phải ngừng uống rượu. Vì vậy, theo các bác sĩ, để hạn chế nguy cơ mắc rối loạn thần kinh thì mỗi người cần hạn chế sử dụng rượu; đồng thời, các cấp, ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của rượu, hậu quả của người nghiện rượu, đề ra giải pháp phù hợp để quản lý, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh rượu trên thị trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tết đến, chớ “đùa” với rượu!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.