Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tết cũ trong lòng người Hà Nội

Vũ Công Chiến| 21/01/2023 13:00

(HNMCT) - Khi những đợt gió mùa Đông Bắc nhạt dần, gió rét và hanh khô qua đi nhường lại cho bầu trời vài khoang nắng hay thậm chí là chút hơi ẩm của mưa bay nhè nhẹ, ấy là lúc một năm cũ sắp trôi qua và một mùa xuân mới đang đến gần. Không gian và cảnh vật bao giờ cũng là những hình ảnh đầu tiên tác động đến cảm xúc của con người.

Không khí những ngày chuẩn bị Tết có một chút dư vị nào đó thiêng liêng đến khó tả. Ảnh: Bùi Quang Quý

Mặc dù còn bộn bề việc, nhưng người Hà Nội đã háo hức chuẩn bị và đón chờ những ngày Tết ấy từ trước đó rất lâu. Đón Tết, ăn Tết là phong tục cổ truyền của người Việt Nam, không thể thiếu. Tết đồng nghĩa với sum họp gia đình sau một năm lao động vất vả, nhiều người phải đi làm xa nay mới có cơ hội trở về nhà. Tết nghĩa là nghỉ, là ăn, là chơi.

Những ngày Tết thời nay thường nhanh và đơn giản hơn ngày xưa bởi nhiều thứ đã đủ đầy và có sẵn mọi dịch vụ cần thiết, làm cho con người ta lười hơn và ít trân trọng hơn những nét truyền thống, nhất là lớp trẻ. Nhưng những người lớn tuổi thì lúc nào cũng hoài niệm về không khí Tết xưa. Tết là phải lo toan, phải bận rộn, phải làm nhiều thứ cho khác hẳn ngày thường, nhưng sự bận rộn ấy lại là niềm vui và hãnh diện của các bà, các mẹ, các chị hay thậm chí là của những người đàn ông trụ cột trong những gia đình neo người. Ngày Tết đến hôm nay, rất nhiều người Hà Nội ước mong "bao giờ cho đến ngày xưa". Ước thế bởi nếp sinh hoạt Tết xưa rất đẹp, rất đáng nhớ. Rất nhiều gia đình Hà Nội bây giờ cố gắng trang trí nhà cửa, tạo những món ăn, duy trì nếp sinh hoạt có từ thời xưa cũ để giáo dục và gìn giữ bầu không khí ngày Tết cổ truyền cho con cháu.

Ngày Tết, nhà cửa thì dứt khoát phải khoác áo mới. Nhà nhà quét dọn nhà cửa, quét mạng nhện trần nhà, lau rửa các cửa sổ, cửa ra vào. Nếu có điều kiện thì sơn lại cửa, quét vá lại vài chỗ tường lở... Ở khu tập thể vẫn giữ nếp treo các băng rôn đỏ "Chúc mừng năm mới" hoặc một khẩu hiệu "rất truyền thống": "Mừng Đảng, mừng Xuân, năm mới thắng lợi mới". Hay hơn nữa là mọi người cùng nhau quét dọn vệ sinh cầu thang, đường đi và sân chơi sạch sẽ vào chiều 30 Tết.

Trong nhà, dù có đào, quất cả cây nhưng nhiều gia đình vẫn thích một lọ hoa thập cẩm tự mình lựa chọn từ những cành hoa lay ơn mua lẻ kèm thêm ít hoa vi-ô-lét cúc, thược dược... Chọn được hoa đẹp, tươi và cắm khéo thì lọ hoa thập cẩm này làm rạng rỡ căn nhà hơn cả những chậu đào hay quất, nhất là với những nhà có diện tích nhỏ. Ở nhà tôi, Tết năm nào cũng phải có lọ hoa này. Vài cánh hoa vi-ô-lét màu tím nho nhỏ vương xuống mặt bàn điểm sắc đẹp chẳng kém gì những cánh đào phai rơi quanh gốc.

Nhưng nói gì thì nói, Tết phải gồm cả ăn mới đủ nghĩa. Dù rằng không phải cảnh "đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết" như xưa, nhưng những món ăn ngày Tết vẫn phải mang nét đặc trưng, nhất là với những gia đình có đủ hai, ba thế hệ, con cái đã lớn. Ngày Tết dứt khoát phải có bánh chưng và dưa hành, còn câu đối đỏ thì đã mai một nhiều cùng với việc bỏ đốt pháo. Nhà càng đông người càng thích tự gói bánh chưng. Chợ Tết vẫn có hàng bán lá dong và ống giang chẻ lạt. Bây giờ chọn gạo nếp, thịt lợn và đỗ xanh chất lượng cùng lá dong đẹp dễ hơn nên chiếc bánh chưng đẹp và ngon hơn. Các mẹ, các chị vẫn thích chứng tỏ sự đảm đang qua cách trổ tài gói bánh chưng bằng tay không cần khuôn, vuông vức và đủ độ chặt. Nhiều nhà cầu kỳ còn về quê ở ngoại thành gói và luộc bánh chưng bằng củi gộc cho bánh được dền, ngon hơn. Càng là người có tuổi lại càng cầu kỳ trong những món ăn dân tộc. Còn con trẻ thì bao giờ cũng vui với sự quây quần và được thưởng quà đúng lúc. Một chiếc bánh chưng bé con con gói kèm được vớt ra cho đôi ba đứa trẻ loạt soạt bóc ăn trước vào tối luộc bánh chưng bao giờ cũng là kỷ niệm đẹp và đáng nhớ nhất trong thời thơ ấu của chúng.

Thiếu món hành muối ngày Tết, coi như bánh chưng hay mâm cao thức đầy mất vị một nửa. Muối được vại hành củ đúng độ đậm, chua vào ngày giáp Tết thể hiện sự đảm đang của người phụ nữ trong nhà, là hạnh phúc hứa hẹn được hưởng ẩm thực quanh năm của các thành viên trong gia đình, nhất là những ông chồng trí thức quen ngồi bàn giấy, vụng dại trong nấu ăn. Thêm một nồi canh măng "lưỡi lợn" nấu với móng giò và hành củ tươi vào bữa chiều 30 Tết thì càng tuyệt. Ngày xưa, trong túi hàng Tết của mậu dịch không có loại măng này nên các mẹ, các chị toàn phải mua ngoài, chuẩn bị từ trong năm, khi mùa măng mai, măng vầu vùng Tây Bắc đang độ thu hoạch. Hồi tôi ở bộ đội, trước khi vào Nam được nghỉ phép đúng dịp Tết, hành quân qua Tân Lạc, Hòa Bình vét túi hai tháng lương lính 5 đồng mua về làm quà cho mẹ nửa cân măng khô "lưỡi lợn” mà như người lập được chiến công. Ăn Tết bây giờ, gắp miếng măng củ ngấm mỡ chân giò trong bát canh lại thấy nhớ nụ cười của mẹ năm xưa.

Tết truyền thống của người Việt Nam là phải có cơm cúng. Nhà nghèo đến đâu cũng phải có tối thiểu con gà và đĩa xôi trắng, bất kể là vào năm con gì trong 12 con giáp. Các món khác thêm vào nhiều ít là do kinh tế từng nhà. Bây giờ nhà nghèo tới mức thiếu Tết còn rất ít, nhưng vì quanh năm không thiếu, ngày Tết ăn gì cũng thấy ngấy nên nhiều nhà vẫn giữ truyền thống đơn giản là thắp hương với đĩa xôi trắng và con gà. Nước luộc gà và lòng mề dùng nấu miến ngày xưa là món phụ có tính tận dụng thì nay nhiều gia đình hồ hởi đón nhận từ ngay ngày mồng Hai Tết cho dễ ăn và nhẹ bụng. Bởi vậy mà ngày nay, tiêu chí "ăn" trong ngày Tết đã chuyển xuống hàng thứ yếu. Người ta cần nghỉ, cần chơi nhiều hơn.

Nét đẹp của người Hà Nội là sau khi quây quần đoàn tụ trong bữa cơm chiều 30 Tết của gia đình, từ sáng mồng Một mọi người đã chuẩn bị đi chúc Tết kết hợp dạo xuân qua các phố phường. Cuối năm là dịp những cây mùi già trổ hoa lên ngôi. Dù nhiều thứ cây có hương thơm mà phụ nữ thích dùng, như hương bưởi, hương xả, nhưng tắm gội cuối năm và rửa mặt sáng ngày Tết thì chỉ có cây mùi già. Thứ này thơm mát mà không bị ngát quá.

Người Hà Nội chọn mặc Tết đẹp nhưng phải lịch sự, phong thái đĩnh đạc đàng hoàng. Hà Nội xưa ít người nên đường phố thoáng đãng. Nay thì ngày nào cũng ồn ào đông đúc, chen lấn trên đường nên quang cảnh buổi sáng đầu năm bỗng làm cho người ra đường thấy ngỡ ngàng và khoan khoái vô cùng, thấy cảnh sắc như vừa lạ vừa quen. Lạ so với cái ồn ào chỉ mới hôm qua, nhưng lại thấy quen như cảnh sắc đường phố của vài chục năm trước.

Người Hà Nội vẫn giữ nếp đi chúc Tết nhau. Ở khu tập thể còn rủ nhau cùng đi chúc Tết các cụ cao tuổi là cư dân lâu đời. Ngoài chuyện nói lời hay ý đẹp thì thể nào cũng được các cụ mời trà sen, một thứ trà riêng của Hà Nội ướp từ nhụy hoa sen hồ Tây. Thêm vài hạt mứt sen nhấm nháp thì chén trà nóng càng thêm thú vị. Chuyện ngày Tết không đầu không cuối nhưng thật vui.

Vài nét về Tết truyền thống còn giữ lại từ những ngày xa xưa, nhiều khi chỉ đơn giản thế thôi nhưng cũng đủ làm ấm lòng người Hà Nội trong những ngày đầu xuân năm mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tết cũ trong lòng người Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.