Văn hóa

Mùa xuân chiến khu qua những trang báo Tết xưa

Nguyễn Ba 01/02/2025 - 14:10

Mùa xuân đối với những nhà báo cách mạng thời kỳ "chín năm kháng chiến trường kỳ" tại Chiến khu Việt Bắc không chỉ đơn giản là nhớ về cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh hay những vẻ đẹp truyền thống của dân tộc gắn với tiết xuân nữa, mà còn là mùa hy vọng, quyết tâm đánh thắng kẻ thù để đem lại những mùa xuân độc lập cho non sông.

bao-tet-xua-1.jpg
Các trang báo Tết cách mạng trở thành nguồn cổ động lớn cho nhân dân cả nước.

Những sắc màu quyết thắng, lạc quan cách mạng

Nếu như báo xuân thời kỳ trước 1945, nội dung đa phần là những hoài niệm về xuân xưa, những dư vị ấm áp, tươi mới và cảm xúc của con người mỗi độ Tết đến, xuân về, thì đến giai đoạn 1946 - 1954, khi toàn Đảng, toàn dân bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ, báo xuân cách mạng trở thành nguồn cổ động, hy vọng, quyết tâm đánh thắng kẻ thù để đem lại một mùa xuân độc lập cho non sông.

Phần trình bày bìa báo xuân cũng đã thể hiện khá rõ điều đó. Thay vì những bức tranh xuân với thiếu nữ, hoa đào, nét bút bay với gam màu sắc nét, trên bìa báo Tết của những tờ báo cách mạng thời kỳ này như Cứu Quốc, Sự Thật, Vệ Quốc Quân, Nhân Dân... lại là những bức thư, thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh hay bức minh họa cho tinh thần chiến đấu của những chiến sĩ vệ quốc do các họa sĩ nổi tiếng như Mai Văn Hiến (Báo Vệ Quốc Quân), Phan Kế An (ký Phan Kích chuyên trình bày cho báo Sự Thật và một số báo khác), Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Bích... thể hiện. Tất cả được in ấn thủ công trên giấy dó, giữa cái gian khổ và thiếu thốn đủ bề nơi chiến khu, vẫn ngời lên vẻ đẹp của những tờ báo xuân cách mạng.

Trên số xuân Kỷ Sửu (năm 1949) của báo Vệ Quốc Quân, trang bìa được thể hiện với 2 gam màu chủ đạo: Vàng và xanh dương, nổi bật với hình ảnh người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Số báo xuân được bổ sung nhiều nội dung lên tới 36 trang, bán giá 35 đồng. Thời kỳ này, phần trình bày bìa và minh họa của báo thường do họa sĩ Mai Văn Hiến phụ trách.

Hay như trên Báo Cứu Quốc số xuân Mậu Tý (1948), nổi bật trên trang nhất là tranh vẽ những người lính Bộ đội Cụ Hồ với ba lô, súng trường trên vai, hành quân dưới những tán rừng xanh lá. Theo sau họ là hình ảnh của đồng bào với trang phục dân tộc, đàn ông đeo súng còn phụ nữ thì đeo gùi. Bức tranh được vẽ trên nền màu hồng thể hiện sự lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Báo Sự Thật số báo đặc biệt mừng xuân Kỷ Sửu (1949) có 32 trang, in trên giấy dó. Trên trang bìa được thể hiện kết hợp giữa nhiều màu sắc nhưng vẫn giữ được vẻ trang trọng, giản dị của một tờ báo Đảng: Măng sét báo màu đỏ, hình vẽ minh họa bao quanh màu xanh, tạo nên một khung tranh đặt bài thơ mừng xuân của Bác ở chính giữa. Phần trình bày và minh họa báo do họa sĩ Phan Kế An phụ trách.

Ngoài ra, trên báo Nhân Dân số xuân Quý Tỵ (1953) cũng được thiết kế tăng số trang, từ 4 lên 6 trang với nhiều nội dung liên quan đến mùa xuân, khí thế mới của cách mạng Việt Nam. Trên trang nhất có đăng trang trọng bài thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh kèm ảnh chân dung Người, kế dưới là bài viết chúc mừng năm mới của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Xuân mới - Khí thế mới - Thắng lợi mới

bao-tet-xua-2.jpg
Các trang báo Tết cách mạng trở thành nguồn cổ động lớn cho nhân dân cả nước.

Báo chí cách mạng thời kỳ này gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn về cả nhân lực và trang thiết bị, việc phát hành có lúc bị gián đoạn, nhưng nội dung nhiều tờ báo khá phong phú, đa dạng. Hầu hết các số báo xuân đều được tòa soạn chăm chút từ nội dung bài vở đến hình thức trình bày, đem đến cho người đọc sự hứng khởi, lạc quan về một ngày mai thắng lợi.

Trên số xuân Kỷ Sửu (1949) của báo Sự Thật, cơ quan tuyên truyền kháng chiến của Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác ở Đông Dương, phần bìa có in trang trọng bài thơ chúc mừng năm mới của Hồ Chủ tịch. Những câu thơ chúc Tết của Người đã trở thành khẩu hiệu, như một sự động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu của quân dân ta. Ngoài ra, nội dung báo rất phong phú với nhiều bài viết phản ánh nhiều mặt của cuộc kháng chiến, bao gồm các bài xã luận, các phóng sự từ mặt trận và hậu phương của nhiều cây bút như Ngô Hà, Nguyễn Công Hoan, Thoại Sơn, Xuân Trường, Quang Đạm, Bùi Công Trừng… và một số trang là tin văn nghệ, tranh đả kích vui và hóm hỉnh.

Một tờ báo khác trong giai đoạn này được đông đảo công chúng đón đọc là tờ Cứu Quốc của Mặt trận Việt Minh, quy tụ được nhiều cây bút xuất sắc như Xuân Thủy, Trần Huy Liệu, Nguyễn Thành Lê, Hồng Hà, Như Phong, Văn Tân, Tô Hoài, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Ngọc Kha, họa sĩ Trần Đình Thọ... Trong cuốn hồi ký "Báo Cứu Quốc 1942 - 1954" của nhà báo Nguyễn Văn Hải, quản lý của báo thời kỳ này, cho biết: Những năm đầu kháng chiến, tờ báo gặp nhiều khó khăn, nhất là về nguồn mua giấy, nhiều lúc báo phải in trên giấy giang, giấy dó, mỏng, xấu, kích thước cũng thay đổi theo nguồn giấy mua được. Giấy mua ở nhiều nơi, của các xưởng tư nhân chẳng hạn như ở làng Bưởi, Hà Nội. Chữ chì mua được một số của người buôn từ nội thành mang ra. Và cái Tết kháng chiến thứ hai đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm: "Tết năm ấy, cơ quan ở trong rừng, cũng tổ chức vui vẻ: Thịt lợn, bánh chưng nhờ bà con lo giúp, không có cành đào thì có cành mai hoa trắng anh em vào trong rừng lấy. Sau Tết, cơ quan thi hành chế độ mỗi tháng đồng loạt mỗi người được phát 40 đồng, mỗi năm được một bộ quần áo nâu (từ kháng chiến đi chưa có gì). Anh em rất phấn khởi".

Trên báo Cứu Quốc số xuân Mậu Tý, nội dung chủ đạo là tinh thần lạc quan, tin tưởng vào đường lối kháng chiến của Đảng, Chính phủ và Tổng bộ Việt Minh. Mùa xuân vẫn là cảm hứng chính để các nhà báo, nhà thơ viết lên cảm xúc của mình, thông qua đó truyền nguồn cảm hứng đầy lạc quan về tương lai tươi sáng của dân tộc, khích lệ tinh thần chiến đấu của quân dân ta như các bài: "Pháo Tết năm xưa, tiếng súng Tết nay" (Lưu Quý Kỳ), "Xuân kháng chiến và nghệ thuật" (Đặng Thai Mai), thơ "Nghe đất" (Nguyễn Xuân Sanh), "Những tờ rời giữa hai xuân" (Nguyễn Tuân)...

Bên cạnh đó, tờ báo Vệ Quốc Quân số xuân Kỷ Sửu được xem là tờ báo tiêu biểu của Quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn đầu giành được độc lập. Đáng chú ý, tại trang 16 - 17 của báo có bài viết "Đọc Bích báo Tết bộ đội" của tác giả Tân Sắc. Đây chính là bút danh của nhà báo, nhà thơ Thôi Hữu, được mọi người biết đến với bài thơ "Lên Cấm Sơn" nổi tiếng trong những năm kháng chiến chống Pháp. Tác giả đã phản ánh được tâm trạng của rất nhiều người đi xa khi Tết đến, xuân về thường nhớ nhà, nhớ quê: "Chúng ta thường cho rằng những người ấy nặng tình quê hương, nặng thương cái ban thờ. Nhưng có lẽ chúng ta không hiểu rằng sở dĩ họ thèm hạnh phúc gia đình như thế là bởi vì chính cuộc đời xa gia đình của họ thiếu vui". Và để khích lệ, động viên tinh thần cho các chiến sĩ bộ đội, tác giả viết: "Phải có người Vệ Quốc Quân mới làm cho chúng ta biết rằng rất có thể chúng ta xa nhà mà đầu năm không nhớ thương đến đau khổ. Miễn là chúng ta biết tổ chức cái "đời sống xa nhà" cho có lý thú, và biết tìm cái vui trong đời sống ấy, thích ứng với nó".

Chín năm trường kỳ kháng chiến, khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng với tinh thần lạc quan cách mạng, những người làm báo đã vượt lên tất cả, cùng chia sẻ gian khó với quân dân, đưa nguồn thông tin, tiếng nói của cách mạng, của cuộc kháng chiến với không khí mùa xuân lạc quan, tin tưởng đến với đồng bào chiến sĩ cả nước và bè bạn quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mùa xuân chiến khu qua những trang báo Tết xưa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.