Đời sống

Tết trong những điều giản dị

Phương Thúy 10/02/2024 - 07:20

Tết nay lại nhớ Tết xưa! Dường như đó là tâm trạng dễ hiểu của bất cứ ai vẫn cất giấu trong lòng mình kỷ niệm của một thời đã qua. Đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn, NSƯT Chiều Xuân và diễn viên Lan Phương đều là những người con Hà Nội.

Dù đang gắn bó với mảnh đất này hay phải đi xa, trong lòng họ vẫn luôn nhớ về những cái Tết nhớ thương bên gia đình, gắn với một thời gian khó của đất nước. Các nghệ sĩ đã dành cho Hànộimới Cuối tuần những câu chuyện lắng đọng tình người, tình Tết ấm áp, giản dị.

Đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn:
Ta sống chậm hơn trong không khí ngày Tết

638404743582930881-5513f04b.jpg

Tôi có một người bạn nhà ở phố Hàng Trống, đã chuyển vào Nam sinh sống nhiều năm nay. Anh vẫn có thói quen chiều 30 Tết bay ra Hà Nội trong chuyến bay muộn nhất. Bố mẹ anh đã mất từ lâu và dù là người quảng giao, anh cũng không dám làm phiền mọi người dịp này, nên khi về tới Hà Nội, anh không đến nhà ai cả mà chỉ loanh quanh các con phố, ra thăm hồ Gươm và gặp gỡ một vài người bạn. Anh dành trọn cho mình quãng thời gian từ 12h đêm giao thừa đến 5h sáng mùng Một, sau đó lại bay vào thành phố Hồ Chí Minh. Anh có nhu cầu “hưởng thụ” khoảng thời gian đặc biệt đó. Dường như con người ấy rất lãng mạn và yêu Hà Nội, yêu thời khắc từ năm cũ bước sang năm mới. Có lẽ không khí của Thủ đô trong những ngày Tết khiến cho chúng ta sống chậm hơn.

Vào đêm giao thừa, thanh niên Hà Nội thường tập trung ở các con phố quanh hồ Hoàn Kiếm, với trang phục đẹp, cùng nhau tận hưởng không khí chào đón năm mới. Có lẽ không gian hồ Hoàn Kiếm đặc biệt và linh thiêng nên con người mới tụ họp đông vui như thế. Giây phút giao thừa, mọi người dừng lại nghe lời chúc Tết của Cụ Hồ. Có lẽ đó là thanh âm vang vọng nhất, còn lại không có ai nói to hay hò hét. Đó là những khoảnh khắc đẹp một đi không trở lại. Nói vậy không có nghĩa là tôi luyến tiếc Tết xưa, dù nó rất đẹp. Cuộc đời đổi thay, các bạn trẻ bây giờ năng động, tếu táo và sự ồn ã cũng làm cho cuộc sống sinh động hơn.

Hồi tôi còn nhỏ, nghe bố mẹ kể lại có một dịp đặc biệt, người ta đưa đàn piano ra giữa Tháp Rùa và có hai nghệ sĩ cùng nhau chơi đàn. Tôi từng hỏi mẹ: Chơi đàn như vậy thì sao mà nghe được? Mẹ tôi bảo rằng: Hồi ấy Hà Nội người đi bộ là chủ yếu, xe đạp cũng chưa có nhiều. Những người đi xe đạp cũng dừng lại, dắt xe đi chầm chậm và lắng nghe tiếng đàn. Tôi cho rằng đó là sự thưởng thức văn hóa rất đáng nể và những người tổ chức nên sự kiện ấy đã có một ý tưởng táo bạo, để người dân thành phố được thưởng thức âm nhạc giữa thiên nhiên khoáng đạt. Vì thế, khi làm phim “Đào, phở và piano”, tôi đã để cho tiếng đàn piano vang vọng, văng vẳng, dù vai trò của nó có khác đi.

NSƯT Chiều Xuân:
Nhớ những mùa xuân chắt chiu của mẹ

638404747366930955-chieu-xu.jpg

Giờ đây, mỗi khi ngồi ôn lại chuyện xưa, chúng tôi hay nói: Ôi! Sao ngày ấy gia đình mình nghèo thế! Và thể nào mọi người cũng đáp lời: “Ngày ấy nhà nào cũng nghèo, có riêng gì nhà em đâu!”. Quả thật, ngày ấy để có cơm ăn đủ no là điều rất khó. Gia đình tôi có 4 anh chị em. Thời điểm khó khăn nhất là những năm 80 của thế kỷ trước, khi ấy chúng tôi đang ở tuổi trưởng thành. Gia đình tôi cũng như các gia đình hàng xóm thường xuyên qua lại... vay gạo của nhau. Chúng tôi đã cưu mang nhau qua những ngày tháng vất vả ấy. Vì thế cái Tết rất được mong chờ, như một thời khắc được no ấm. Phiếu thịt, phiếu cá bố mẹ để dành trước đó cả 2 - 3 tháng.

Đến bây giờ với tôi, thịt kho tàu óng ánh màu cánh gián của mẹ vẫn là món ăn ngon nhất trong cuộc đời. Trời lạnh cắt da cắt thịt, hương vị nồi thịt kho phảng phất bay từ ngoài gian bếp vào trong nhà. Tôi vẫn nhớ có một năm nào đó, bác của tôi mang đến cho gia đình tôi 2 con cá mè, mỗi con khoảng hơn 2kg. Đó là cả một “gia tài” và mẹ tôi đã kho cả hai con cá ấy cho một cái Tết không thể đủ đầy hơn. Tôi đã không thể quên mùi cá kho của mẹ và niềm hân hoan của chị em chúng tôi khi đến Tết được ăn những món mình thích. Rồi thì mẹ còn may cho chúng tôi những chiếc áo chần bông bằng vải hoa nhí. Sáng mùng Một, chúng tôi hân hoan khi được khoác lên mình chiếc áo mới, chạy sang nhà hàng xóm chơi, mặc dù người lớn đã dặn đi dặn lại: Sáng mùng Một không được sang nhà người khác.

Tôi lấy chồng, năm đầu tiên chúng tôi sinh con gái đầu lòng. Tết đầu tiên xa nhà nên cũng rơm rớm nước mắt nhưng tôi cảm thấy mình may mắn khi được gia đình chồng quan tâm, chăm sóc chu đáo trong không khí mùa xuân. Những cái Tết sau đó, mẹ chồng đã dạy tôi nấu cỗ, làm món nem vuông, canh măng, luộc gà, làm dưa góp, gói bánh chưng, kho cá... Là dâu trưởng nên những cái Tết sau, tôi đều tự tay chuẩn bị và sắp xếp mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên. Mỗi lần như vậy, tôi lại nhớ về quãng thời gian chịu thương chịu khó của của cả gia đình. Muốn có một mâm cỗ đủ đầy cho ngày Tết, những bà mẹ đều phải dành dụm hàng tháng trời, từng chút một: Măng khô, bóng, nấm hương, mộc nhĩ... Nhớ và biết ơn các bậc sinh thành nhiều hơn, nhất là những người mẹ để mang lại cho gia đình những mùa xuân từ sự chắt chiu.

Diễn viên Lan Phương:
Những mảnh ký ức đẹp và ấm áp

638404743587299273-00b79713.jpg

Lan Phương vẫn nhớ về những cái Tết khi mình còn nhỏ cùng gia đình và bà nội. Những ngày áp Tết, bà cháu cùng cả nhà thường ngồi quây quần gói bánh, luộc bánh chưng. Bà đã thức suốt đêm để canh nồi bánh. Hình ảnh của bà bên bếp lửa bập bùng neo lại trong Phương một cảm giác ấm áp, cảm giác ấy theo Phương trong những chặng đường dài lớn lên, trưởng thành và không ngừng trải nghiệm cuộc sống. Không hiểu sao Phương nhớ mãi không gian ấy, ánh sáng ấy, ngọt ngào như tình cảm của bà dành cho cháu, cả sự tin cậy và chở che từ một người phụ nữ đã luôn sống vì gia đình.

Lan Phương rất yêu bà bởi bà là một trong những người có nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống, tình cảm của Phương. Bà hiền lắm, thường hát, kể chuyện cổ tích cho Phương nghe. Phương được bà chăm sóc từ thuở nhỏ nên ấn tượng về bà còn in đậm đến bây giờ. Ngày Tết cũng được bà chăm chút hơn, nhiều khi bà vừa chải tóc cho vừa mắng yêu: Tóc con bé này rối quá! Trong giấc ngủ thơm mùi năm mới, hơi ấm của bà lời hát ru của bà cũng là một phần "phong vị" của Tết. Với Lan Phương, Tết Hà Nội là những mảnh ký ức rất đẹp và ấm áp, đặc biệt là về bà.

Tết bây giờ có vẻ nhanh hơn trước, cũng thêm một chút “công nghiệp” hơn. Bánh chưng được đặt mua thay vì tự gói. Nhưng Lan Phương tin mỗi thời cũng có ưu điểm riêng. Điều quan trọng Phương nhận ra rằng: Với một đứa trẻ, Tết là cảm giác gần gũi, là tình yêu gia đình. Có thể con chưa cần phải biết gói bánh chưng nhưng con biết cùng cha mẹ dọn dẹp nhà cửa, trang trí cho ngôi nhà của mình... Phương luôn tranh thủ thời gian nghỉ Tết để đi thăm gia đình, họ hàng. Điều Phương rất muốn làm cho con và chắc chắn con cảm nhận được, đó là đưa con về Thanh Trì thăm họ hàng, để con được chơi đùa cùng các anh chị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tết trong những điều giản dị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.