Ngày 13-9, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez chủ trì một cuộc họp cấp cao với một số nước châu Âu, Hồi giáo để bàn thảo cách thức chấm dứt cuộc xung đột Israel - Hamas và kêu gọi một lịch trình rõ ràng để thực hiện giải pháp hai nhà nước.
Các quốc gia tham dự cuộc họp, gồm: Na Uy, Slovenia, đại diện Liên minh châu Âu (EU), Palestine và thành viên của Nhóm liên lạc Arab - Hồi giáo cho Gaza bao gồm Ai Cập, Saudi Arabia, Qatar, Jordan, Indonesia, Nigeria và Thổ Nhĩ Kỳ
Phát biểu với các phóng viên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha Jose Manuel Albares, cho biết: "Chúng tôi họp để thúc đẩy một nỗ lực khác nhằm chấm dứt chiến tranh ở Dải Gaza, tìm lối thoát khỏi vòng xoáy bạo lực bất tận giữa người Palestine và người Israel... Việc thực hiện giải pháp hai nhà nước là con đường duy nhất".
Theo ông Jose Manuel Albares, đại diện các quốc gia tham dự đã bày tỏ thiện chí cho việc chuyển từ lời nói sang hành động để tiến tới một lịch trình rõ ràng và hiệu quả giải pháp hai nhà nước, bắt đầu bằng việc Palestine gia nhập Liên hợp quốc.
Vào ngày 28-5, Tây Ban Nha, Na Uy và Ireland đã chính thức công nhận Nhà nước Palestine thống nhất do Chính quyền Palestine quản lý bao gồm Dải Gaza và Bờ Tây, với Đông Jerusalem là thủ đô. Hiện, 146 trong số 193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc đã công nhận Nhà nước Palestine.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng nhiều lần bày tỏ quan điểm về việc cùng tồn tại hai quốc gia có chủ quyền là con đường khả thi duy nhất dẫn đến hòa bình trong khu vực. Giải pháp này đã được nêu trong Hội nghị Madrid năm 1991 và Hiệp định Oslo năm 1993-1995, nhưng tiến trình hòa bình đã trì trệ trong nhiều năm.
Việc tìm kiếm giải pháp hòa bình đã trở nên cấp thiết hơn sau cuộc chiến kéo dài 11 tháng ở Dải Gaza giữa Israel và các Phong trào Hamas.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.